(ĐS 21/6) – Từ đầu thế kỷ 20 đến nay, thời nào xứ Quảng (Quảng Nam – Đà Nẵng) cũng có nhà báo đặc sắc, nổi bật. Nhưng để tránh sự “cãi” chưa cần thiết, ở đây chỉ nhắc lại một vài tiền bối đã qua đời, để từ đó thử luận bàn về nguồn cơn làm nên cá tính báo chí xứ Quảng.
Dấu ấn từ nửa đầu thế kỷ 20
Nếu tìm một nhà báo có tính cách quốc tế từ sớm, Phan Châu Trinh là một ví dụ tiêu biểu. Những năm tháng ở nước ngoài, đặc biệt ở Pháp, những bài ông viết hoặc công bố đây đó – dù không nhiều, dù thể loại có thể chưa thuần báo chí nhưng là một tiếng nói báo chí quan trọng. Các bài này đã góp phần mở ra một đặc trưng của báo chí xứ Quảng, đó là tầm nhìn vĩ mô, là thích “bàn chuyện quấc (quốc) sự”.
Suốt nửa đầu thế kỷ 20, trong khi nhiều báo và tạp chí còn “vơ vẩn cùng mây”, thì nhiều cá tính báo chí xứ Quảng đã mải mê chuyện vĩ mô, chuyện kinh bang tế thế. Vì vậy mà, những “tai nạn”, thậm chí ra tòa, đi tù vì viết báo của báo chí xứ Quảng cũng không ít.
Tổng hòa nhiều đóng góp thì mới được đặt tên đường, nhưng chắc chắn, phần báo chí cũng là một khía cạnh quan trọng. Những nhà báo – danh nhân xứ/gốc Quảng được đặt tên đường không ít, chắc phải hơn 30 người, có người còn được đặt tên ở nhiều tỉnh thành.
Tạp chí Nam phong (1/7/1917 – 12/1934) đặt trụ sở chính tại Hà Nội, tồn tại 17 năm, ra được 210 số. Đây là một trong vài tạp chí chuẩn mực, đỉnh cao của lịch sử báo chí Việt Nam. Qua khảo sát của nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân, hai nhà báo xứ Quảng là Nguyễn Bá Trác, Lê Dư đã viết gần 1/3 dung lượng các bài Hán văn, trải rộng từ ngôn ngữ, văn học đến kinh tế, chính trị, triết học, giáo dục…
Nếu Phạm Quỳnh là chủ bút và chủ biên phần chữ Quốc ngữ, thì Nguyễn Bá Trác làm chủ biên phần chữ Hán, với một trong những mục tiêu là đối ngoại, viết để cho Trung Quốc đọc. Thi thoảng tạp chí này còn in các bài bằng tiếng Pháp. Một nhà báo xứ Quảng từng cộng tác thường xuyên với Nam phong là nhà thơ Nam Trân. Cho nên, có ý kiến nói vui, có thể gọi Nam phong là “Quảng Nam phong”.
Đây là chưa nói, Nam phong còn in khá nhiều bài của Phan Khôi, với bút danh Chương Dân, đa số bàn luận những vấn đề vĩ mô, mượn thời sự để nói chuyện khái quát. Qua các tác phẩm đăng báo mà nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã kết tập, xuất bản, có thể khẳng định Phan Khôi là nhà báo thích viết chuyện vĩ mô bậc nhất xứ Quảng và tiêu biểu của Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20.
Mà chuyện này không chỉ có ở Hà Nội, mà Sài Gòn, rồi Huế cũng đậm chất Quảng trong làng báo. Lương Khắc Ninh, một nhà báo gốc Quảng, chủ bút đầu tiên của tờ báo Quốc ngữ danh tiếng ở Nam Kỳ, đó là tờ Nông cổ mín đàm (1901 – 1921): uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn. Đây là tờ báo chữ Quốc ngữ thứ 4 của Việt Nam và là tờ báo kinh tế đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ.
Chuyên mục quan trọng nhất của báo này là Thương cổ luận, do Lương Khắc Ninh giữ mục, xuất hiện xuyên suốt hơn 100 số báo, chỉ tạm nghỉ 8 số (từ số 73 đến số 79), đến năm 1906 mới giã từ, do đổi chủ bút. Chuyên mục này luôn phê phán tư tưởng “sĩ nông công thương”, khi xếp thương kém quan trọng; luôn bày ra những cái nhìn canh tân về kinh tế, thương nghiệp.
Không dừng lại ở đó, Nông cổ mín đàm còn là tờ báo đầu tiên tổ chức cuộc thi viết tiểu thuyết ở Việt Nam; là tờ báo đầu tiên đăng dịch thuật truyện Tàu ra chữ Quốc ngữ ở Nam kỳ, mở đầu bằng Tam quốc chí tục dịch, do Canavaggio dịch, mà theo vài nghiên cứu thì đây cũng chính là Lương Khắc Ninh.
Tiếp theo, Huỳnh Tịnh Của và các dịch giả khác công bố thêm Cao Sĩ truyện, Trang Tử, Chiến quốc sách, Liêu Trai chí dị, Kim cổ kỳ quan, Bao Công kỳ án… Ngoài dịch in truyện Tàu, báo này còn in truyện ngắn dịch từ Anh, Pháp…
Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng nhận thấy vai trò to lớn của báo chí đối với sự nghiệp cứu dân, cứu nước, nên ông đã cùng sáng lập, rồi làm chủ nhiệm và chủ bút Tiếng Dân – tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Trung Kỳ. Trong 16 năm tồn tại (1927 – 1943), Tiếng Dân đã luôn đi đầu trong việc xiển dương sự nghiệp cứu dân, cứu nước bằng các bài viết có tính vĩ mô, chiến lược.
Lê Đình Thám sáng lập Viên âm (1933) – tờ báo Phật học đầu tiên ở Trung Kỳ, in bằng chữ Quốc ngữ. Không chỉ giữ vai trò hoằng pháp, mà tờ này còn muốn tiếp cận Phật giáo ở nhiều khía cạnh khác, trong đó có y khoa, có phương pháp luận của khoa học phương Tây.
Bùi Thế Mỹ từ xứ Quảng vào Sài Gòn năm 1923, làm nghề dạy học, viết văn, nhưng nổi trội hơn cả là làm báo. Ông từng làm chủ bút tờ Đông Pháp thời báo danh tiếng, sau đó làm chủ bút các tờ Trung lập, Tân thế kỷ, Thần chung, Dân báo… Nói như ngôn ngữ ngày nay, ông luôn tranh thủ trang báo để bàn về văn học sử Việt Nam, về lý luận văn học, về mục đích của nghệ thuật…
Những cái đầu tiên hoặc nổi trội như thế này thì báo chí xứ Quảng còn rất nhiều, khó mà kể hết trong một bài viết ngắn. Nhưng có một đặc trưng nổi bật là báo chí xứ Quảng hay cãi, thậm chí vì cãi mà mở ra nhiều phong trào lớn như tìm đọc Tân thư, Duy tân, Trung Kỳ dân biến, Thơ mới, Tự lực văn đoàn…
Báo chí xứ Quảng thích cãi, vì sao?
Chiết tự chữ Nôm về từ “cãi” (唤), nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn viết: “Chữ Nôm dùng chữ hoán (唤) của chữ Nho để đọc là cãi. Cãi được diễn tả bằng bộ khẩu (口: lời nói) và chữ miễn (免: cởi, bỏ). Nghĩa là dùng lời nói, lý lẽ để bào chữa, tranh biện để được thắng thế, miễn trừ, xóa bỏ điều gì đó.
Cãi chính là nền tảng đầu tiên của việc thiết lập bình đẳng theo hàng ngang, tức không phải tôn ti trật tự kiểu chiếu trên chiếu dưới theo hàng dọc của triều đình phong kiến, của sự gia trưởng. Vượt qua đèo Hải Vân, cách biệt triều đình, người Quảng lại sống nơi biên ải, không cãi mới lạ”.
Nội bộ người Quảng (gồm Quảng Nam – Đà Nẵng) thì thường dùng cụm từ “cãi tận mạng” để nói về đặc trưng cá tính của mình. Trong các cuộc họp hội đồng hương xứ Quảng, bên cạnh những sẻ chia về chuyện học hành, quê hương bản quán, tương thân tương trợ, thì một “đặc sản” không bao giờ thiếu, đó là… cãi. Người phùng mang, kẻ trợn mắt là điều rất thường thấy, vì ai cũng muốn đưa ra chân lý của mình.
Đôi khi họ chỉ cãi nhau về một chữ, một ý, một cách phát âm, một câu nói. Người Quảng cũng thường dùng câu “Chửi cha không bằng pha tiếng” như là một chân lý để phê bình cách phát âm lạ. Mà than ôi, đất Quảng tuy nhỏ hẹp là thế, nhưng lại có rất nhiều cách phát âm khác nhau, đừng nói trên rừng dưới biển đã khác, mà nhiều khi hai làng kế cận cũng đã khác. Dưới chân núi Hòn Tàu (xã Quế Hiệp, Quế Sơn), đa số dân làng Lộc Đại nói giọng… Sài Gòn đó thôi. Cho nên khi qua làng khác, xã khác, không cãi mới lạ.
Làm sao để giới hạn việc cãi trong yên ổn, vui vẻ? Nhiều làng xã ở xứ Quảng dùng từ “bạn hạn” để chỉ ranh giới của hai nhà, hai làng, hai xã. Theo nhà văn Cung Tích Biền thì gần như không có tỉnh nào tại Việt Nam dùng từ “bạn hạn” theo cách của người Quảng.
“Bạn hạn” là giới hạn của bạn bè, bước qua giới hạn này là xâm phạm, là xung đột, là hết bạn bè. Người Quảng “cãi tận mạng” là vậy, nhưng cũng luôn nghĩ về “bạn hạn”, nên xứ này cũng khá đoàn kết. Không phải ngẫu nhiên mà các hội đồng hương xứ Quảng đi đâu cũng có, hoạt động rất xôm tụ, hỗ trợ kịp thời các biến cố, khó khăn.
Thế nhưng, “người Quảng nói là làm”, chấp nhận phiêu lưu (leo qua đèo Hải Vân), chấp nhận khác biệt (sống với người Chăm), chấp nhận thách thức (tham gia Cần Vương, làm cuộc Trung Kỳ dân biến…), chấp nhận đổi mới (làm cuộc Duy tân; Phan Khôi mở ra Thơ mới), chấp nhận luận đề, giáo hóa (Tự lực văn đoàn)… Mà báo chí thì thể hiện khá rõ khái niệm “nói là làm” này. Cho nên, với báo chí xứ Quảng, tôi cãi nghĩa là tôi tồn tại.