Những năm qua, báo chí đã trở thành kênh tuyên truyền có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về chính sách dân tộc, tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc.
Huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) có hơn 14% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, đồng bào người dân tộc Khmer chiếm hơn 12,93%. Cùng với sự phát triển chung của tỉnh nhà và cả nước, chất lượng cuộc sống của người dân trong huyện đang ngày càng nâng lên, trong đó có đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số.
Động lực để tạo đà cho nông thôn Hồng Dân nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng phát triển như hôm nay có phần đóng góp quan trọng của thông tin đại chúng, làm cho đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng phong phú.
Ông Danh Cáo – Trưởng Phòng Dân tộc huyện Hồng Dân – cho biết, thông tin đại chúng nói chung và lĩnh vực báo chí nói riêng đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức và cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch.
Đồng thời giữ gìn bản sắc dân tộc và phê phán đẩy lùi các tệ nạn xã hội cũng như tiếp tục vạch trần âm mưu của các thế lực thù địch nhằm kích động phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc.
Theo lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện Hồng Dân, báo chí cũng đã tích cực tuyên truyền thực hiện chính sách dân tộc, góp phần đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới – Đô thị văn minh”.
Theo thống kê, toàn huyện Hồng Dân có 100% hộ dân có phương tiện nghe, nhìn. Đài truyền thanh phát sóng FM được phủ sóng đảm bảo trong địa bàn huyện. Ngoài ra, ở 71/71 ấp có hệ thống cụm loa và đầu thu không dây, cơ bản đáp ứng nhu cầu của bạn nghe đài.
Các loại ấn phẩm báo chí được chuyển tải kịp thời để cấp miễn phí theo định kỳ tới các đối tượng được thụ hưởng ở vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định 59 Thủ tướng Chính phủ với 5.673 số báo, tạp chí các loại.
Chính vì thế, sư sãi, phật tử ở 5 chùa Khmer và những người có uy tín ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cùng đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân đã thường xuyên tiếp cận nắm bắt tình hình thời sự và những thông tin bổ ích với kênh chính thống là truyền hình, phát thanh và ấn phẩm báo chí.
Đồng thời, huyện cũng tăng cường tuyên truyền, phát động phong trào “Văn hóa đọc” trong cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; thư viện huyện phối hợp với Mặt trận và các đoàn thề phát huy phong trào văn hóa đọc, mỗi ấp có góc báo chí, tài liệu tham khảo, các xã và các chùa đều có tủ sách hay thư viện văn hóa xã gắn với điểm truy cập Intenets cộng đồng để cán bộ và nhân dân khai thác, tham khảo thông tin.
Chính nhờ các kênh thông tin hữu ích đã góp phần tuyên truyền đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như chủ trương địa phương đến các tầng lớp nhân dân và nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng không ngừng được cải thiện.
Qua đó cũng tạo sự đồng thuận, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đưa phong trào thi đua yêu nước của quần chúng “Đoàn kết, chung sức xây dựng nông thôn mới – đô thị văn minh” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số sôi nổi, thiết thực và hiệu quả hơn.
Ông Diệp Cọp – nông dân ấp Bà Ai 1 (xã Lộc Ninh) – phấn khởi cho biết, sau những giờ lao động mệt nhọc, gia đình ông có thói quen cùng ngồi xem thời sự trong tỉnh, trong nước và các chương trình giải trí tivi.
“Tôi thường tìm đọc những tin tức thời sự và các mô hình sản xuất hiệu quả trên báo. Tôi ấn tượng nhất là qua thông tin trên báo, đài thấy quê hương mình ngày càng phát triển và đổi mới đi lên. Xóm ấp tôi ai cũng phấn khởi vì từ ngày phát động xây dựng nông thôn mới đến nay thì cuộc sống đã đổi thay rõ nét hơn”, ông Cọp bộc bạch.