Nhà báo Phạm Quốc Toàn – Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Một ngôi nhà kí ức đúng nghĩa để luôn tri ân, gìn giữ và noi theo
Khi được biết thông tin, vào đầu năm 2024, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với UBND huyện Đại Từ tổ chức Lễ khởi công công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, tôi đã rất vui mừng, phấn khởi. Đến hôm nay, hiện hữu một Di tích lịch sử Quốc gia Huỳnh Thúc Kháng với một công trình đẹp đẽ, thực sự khiến tôi – một người gắn bó cả đời với nghề báo xúc động vô cùng.
Nhận được giấy mời của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, tôi gác lại các công việc, vội vã từ Bà Rịa – Vũng Tàu xa xôi trở về Thái Nguyên để chứng kiến khoảnh khắc lịch sử quan trọng này. Lòng tôi lại bồi hồi lật giở từng trang lịch sử, trong hoàn cảnh kháng chiến, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chỉ tổ chức được duy nhất một khóa học ngắn hạn. Học viên không đông, gồm hơn 40 người, là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí của cả nước gửi về nhưng 30 giảng viên tham gia giảng dạy đều là những đồng chí lãnh đạo giàu kinh nghiệm chính trị và phong phú lý luận, thực tiễn, là những nhà hoạt động văn hóa văn nghệ có tên tuổi gồm các đồng chí: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Trần Huy Liệu, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Nguyễn Thành Lê, Quang Đạm, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nam Cao, Thế Lữ, Nguyễn Tuân…
Rồi từ mái trường mái nứa tranh tre giữa đại ngàn Việt Bắc này, các học viên của trường đã tỏa về muôn nẻo, có mặt ở những chiến trường ác liệt nhất, những mặt trận nóng bỏng và phức tạp nhất như các nhà báo Thép Mới, Chính Yên, Trần Kiên (Báo Nhân Dân); Mai Thanh Hải, Mai Hồ (Báo Cứu Quốc) hay đạo diễn Bành Bảo, nhà văn Hữu Mai, nhà thơ Hải Như, nhà thơ Từ Bích Hoàng (Việt Phương)…
Điều ấn tượng là, lớp học này luôn được sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác đã 2 lần liền gửi thư đến lớp động viên, căn dặn các học viên. Ngày 6/7/1949, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng làm Lễ bế mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh bận công việc đã gửi thư biểu dương và dặn dò nhiều bài học quý. Những dặn dò của Người với các học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng qua 2 lá thư đề ngày 9/6/1949 và 6/7/1949 đã trở thành cẩm nang cho người làm báo cách mạng, là giáo trình của mọi giáo trình cho đến ngày nay…
Buổi lễ khánh thành, bàn giao công trình tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng hôm nay chính là sự kiện chính trị quan trọng, góp phần đưa Di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng trở thành “địa chỉ đỏ” ý nghĩa trong toàn bộ hệ thống di tích lịch sử cách mạng về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Trung ương, Chính phủ, chiến khu Việt Bắc và nền báo chí cách mạng Việt Nam. Và với chúng tôi, chúng ta, các thế hệ mai sau đã có một nơi thân thương để trở về, một ngôi nhà kí ức đúng nghĩa để luôn tri ân, gìn giữ và noi theo.
Nhà báo Hà Minh Huệ – Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: Di tích Lịch sử Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng – từ hoài niệm đã trở thành hiện thực
Thế là nguyện vọng xác lập Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại nơi cách đây 75 năm đã tổ chức lớp dạy làm báo đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam không chỉ của những cựu học viên Trường dạy làm báo độc đáo này, mà của cả giới báo chí, đã được thực hiện.
Cách đây hơn chục năm, khi còn giữ chức vụ tại Hội Nhà báo Việt Nam, tôi đã gặp và nói chuyện với bà Lý Thị Trung, nguyên Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam, là một trong ba nữ nhà báo trong số những học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Bà nói với tôi nguyện vọng chung của các cựu học viên về việc dựng bia kỷ niệm địa điểm của Trường tại xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Qua tìm hiểu, cả bà và tôi đều được biết phần lớn xóm Bờ Rạ ngày nào đã nằm dưới lòng Hồ Núi Cốc vì mục tiêu phát triển của tỉnh Thái Nguyên giàu truyền thống cách mạng. Vì ý nghĩa lịch sử của sự kiện, năm 2019, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được cấp Bằng xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia. Di tích do vậy được các cơ quan chức năng quyết định cho tôn tạo trên phần còn lại sát Hồ Núi Cốc thơ mộng.
Cùng với thời gian trôi nhanh, lớp người tham gia lớp học đầu tiên và duy nhất của Trường 75 năm về trước nghe nói nay chỉ còn hai – bà Lý Thị Trung năm nay 96 tuổi và ông Phạm Viết Thiệu ở tuổi 101. Nhờ nỗ lực vượt thời gian của Hội Nhà báo Việt Nam và tỉnh Thái Nguyên, công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được khánh thành nhân dịp 79 năm Cách mạng tháng 8, Quốc khánh 2/9 và đặc biệt hướng tới Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025), 75 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 – 21/4/2025). Một sự kiện rất có ý nghĩa, không thể vui hơn đối với các thế hệ người làm báo cách mạng.
Trường dạy làm báo được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và chỉ đạo tổ chức thực hiện chỉ 4 năm sau Cách mạng tháng 8 thành công giữa ngổn ngang những việc đại sự cho thấy tầm nhìn và sự quan tâm đặc biệt của người đứng đầu chính quyền cách mạng. Người đã chỉ đạo xây dựng một cơ sở đào tạo các nhà báo “vừa hồng vừa chuyên” phục vụ kháng chiến và phục vụ sự nghiệp cách mạng lâu dài. Ngay việc Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy tên cụ Huỳnh Thúc Kháng đặt cho Trường cũng rất ý nghĩa, cho thấy ý tưởng của Người muốn đào tạo ra những người làm báo giỏi chuyên môn, có những phẩm chất cao đẹp, yêu nước, thương dân, đạo đức sáng trong, hiểu sâu biết rộng như cụ Huỳnh Thúc Kháng, một người được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin dùng…
Theo những tư liệu còn lưu giữ, 30 giảng viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng thời đó đều là những nhà cách mạng trung kiên, những nhà văn hóa, nhà báo “cây đa, cây đề”, giàu kinh nghiệm chính trị, phong phú về lý luận và thực tiễn như đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Tố Hữu, Nguyễn Thành Lê, Quang Đạm, Nguyễn Đình Thi… Họ đã truyền lại cho các học viên không chỉ nghề báo thực hành, mà cả lý luận cách mạng và đạo đức nghề nghiệp. Với tất cả những sự chăm lo đó, trên 40 học viên là những cán bộ chính trị, quân sự, báo chí cả nước gửi về, hầu hết đã trở thành những người làm báo cốt cán, thành đạt trong các cơ quan báo chí, phục vụ sự nghiệp cách mạng sau này.
Có thể nói, cùng với Nhà trưng bày di tích nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, Thái Nguyên khánh thành năm 2010 và Bảo tàng Báo chí Việt Nam tại Hà Nội, mở cửa đón khách 6/2020, công trình Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đi vào hoạt động trong mùa Thu tháng 8 này tại huyện Đại Từ, Thái Nguyên trở thành những địa điểm về nguồn của các thế hệ nhà báo, đánh dấu nỗ lực của Hội Nhà báo Việt Nam trong giữ gìn truyền thống, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của nền báo chí cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện.
Nhà báo, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ – Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân: Giữa Thủ đô gió ngàn, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã nổi lên như một điểm sáng văn hóa
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là niềm tự hào của những người làm báo chí cách mạng Việt Nam. Trường ra đời tại chiến khu Việt Bắc, trong muôn vàn gian khó của cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến vị trí, vai trò của công tác báo chí và người làm báo chí. Đó là tầm nhìn xa trông rộng, thấy rõ vai trò của báo chí và quyết tâm lớn của Đảng ta trên mặt trận văn hóa tư tưởng.
Báo chí cách mạng đã trở thành một lực lượng cách mạng, một thành tố của văn hóa có sứ mệnh soi đường cho quốc dân đi. Những trang báo trong kháng chiến thực sự như những tờ hịch của cách mạng có sức cổ vũ, lay động và tập hợp lực lượng vô cùng mạnh mẽ. Báo chí cách mạng Việt Nam ra đời muộn hơn báo chí thế giới nhưng kế thừa được những tinh hoa của báo chí thế giới. Những người thầy đầu tiên đặt nền móng cho báo chí cách mạng cũng như cho trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là những bậc đại tri thức, am hiểu văn hóa đông tây kim cổ, am hiểu báo chí phương Tây, đã từng làm báo rất sôi động hoặc làm chủ bút nhiều tờ báo.
Giữa Thủ đô gió ngàn còn nhiều thiếu thốn và lạc hậu lúc đó, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng dù chỉ tồn tại trong 3 tháng nhưng đã nổi lên như một điểm sáng văn hóa. Có lẽ chính người Pháp cũng không thể ngờ được giá trị và sức mạnh của điểm sáng văn hóa này, nó chẳng khác gì ánh sao mai dự báo tương lai tươi sáng của dân tộc ta. Đó cũng là một đặc sắc Việt Nam.
Hôm nay trong những ngày tháng 8 này, Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được khánh thành và bàn giao đã trở thành mốc son ý nghĩa trong dòng chảy lịch sử. Từ đây, Di tích này sẽ trở thành điểm đến của đông đảo các tầng lớp Nhân dân và du khách. Đến đây, chúng ta không chỉ hiểu hơn về ngôi trường đặc biệt này mà sẽ hiểu hơn về báo chí chiến khu Việt Bắc, về cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ nhưng rất vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
Đây cũng là điểm tham quan, học hỏi, trải nghiệm và tự hào của những người làm báo và sinh viên báo chí. Chúng ta trân trọng lịch sử, càng thấy trách nhiệm của những người làm báo hôm nay là cần tiếp tục giữ gìn, tôn tạo, cung cấp bổ sung tư liệu làm cho khu Di tích sống động hơn, là nơi sinh hoạt văn hóa, học tập, du lịch về nguồn của Nhân dân và báo giới cả nước…
Nhà báo Phan Hữu Minh – Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam: Hành trình 40 năm trăn trở…
Những ngày đầu tháng 4 năm 1949, theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, ngôi trường tranh tre nứa lá mang tên “Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng” đã chính thức khai giảng và trở thành cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên ra đời trong khói lửa của cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp. Trong chuyến đi làm việc cùng nhà báo Chính Yên – Báo Nhân dân, là học viên của lớp, ông đã kể cho tôi nghe về nơi học nghề làm báo. Nguyện vọng của nhà báo Chính Yên là nơi đây được ghi danh và trở thành lối đi về cho những người làm báo nói chung.
Ông chia sẻ thêm rằng, khi còn làm phóng viên, cán bộ, lãnh đạo báo Bắc Thái (Thái Nguyên), đã 3 lần (năm 1990, 1994, 1996) tiếp xúc với đoàn là học viên của lớp về nguồn, từ đó, tôi càng để tâm sức hơn vào việc này. Từ năm 1979, tôi đã biết và theo dõi về việc xác minh địa danh trường Huỳnh Thúc Kháng. Suốt mấy chục năm tôi luôn mò mẫm các tư liệu, gặp gỡ các nhân vật và các đoàn công tác để tìm hiểu về địa điểm của ngôi trường. May mắn đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã đón nhận bằng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Di tích lịch sử cấp Quốc gia này với 3 “báu vật” (2 bức thư của Bác Hồ và bút tích Tổng Bí thư Trường Chinh), như là cẩm nang cho những người làm báo chí cách mạng Việt Nam hôm nay. Ngày 9/8/2024, Hội Nhà báo Việt Nam và Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thái Nguyên đồng tổ chức Chương trình khánh thành và bàn giao Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng – sự kiện này có ý nghĩa rất lớn đối với cá nhân tôi, đó thực sự là “quả ngọt” cho những tâm huyết của tôi và đồng nghiệp.
Hơn nữa, sự kiện này thể hiện niềm thiết tha hướng về cội nguồn của những người làm báo Việt Nam trong thời đại hiện nay, suy nghĩ, trăn trở về nguồn cội của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, của các hội viên đã được kết tinh lại một ý chí chung hướng về nơi khởi nguồn cho công tác đào tạo báo chí. Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đứng vị trí đặc biệt của quốc gia về báo chí được xây dựng khang trang như một viên gạch, một bia đá khắc vào lịch sử giáo dục truyền thống cho con cháu sau này. Và từ nay báo chí Việt Nam có thêm một chỗ đi về…
Nhà báo Nguyễn Nam Hải – Phó Giám đốc Đài PT-TH Thái Nguyên, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Nguyên: Niềm tự hào, xúc động gắn với trách nhiệm
Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là quyết định kịp thời và có ý nghĩa rất lớn của Hội Nhà báo Việt Nam trong việc bảo tồn, phát huy giá trị, tầm vóc lịch sử của Di tích. Một diện mạo mới tương xứng với tầm vóc của Di tích lịch sử cấp Quốc gia được hiện hữu ở nơi đây, một dấu ấn ý nghĩa mà những người làm báo cả nước mong chờ.
Chương trình khánh thành và bàn giao Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được tổ chức vào ngày 9/8 là hoạt động đầu tiên trong chuỗi hoạt động hướng tới 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025) và 75 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 – 21/4/2025).
Từ đây, Di tích lịch sử quốc gia nơi tổ chức Trường dạy làm báo cách mạng đầu tiên sẽ là một phần quan trọng trong tổng thể Quy hoạch Khu Du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc của tỉnh Thái Nguyên. Công trình không chỉ có ý nghĩa đối với đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam, mà còn khẳng định vị trí và tầm quan trọng của tỉnh Thái Nguyên trong lịch sử báo chí nước nhà.
Chúng tôi với niềm tự hào và xúc động gắn liền với trách nhiệm trong việc phát huy hơn nữa giá trị di sản, giới thiệu một cách hiệu quả với công chúng trong và ngoài nước những nét độc đáo và đặc sắc của một ngôi trường đào tạo báo chí hình thành trong khói lửa kháng chiến. Đồng thời, tiếp nối lịch sử, những người làm báo cách mạng ngày hôm nay quyết tâm không ngừng nỗ lực, rèn luyện để bằng ngòi bút, bằng tình yêu nghề phấn đấu xứng đáng với những mong mỏi của các thế hệ đi trước.
Hà Vân – Hoà Giang (Ghi)
Nguồn: https://www.congluan.vn/bao-chi-viet-nam-co-them-mot-cho-di-ve-post306795.html