Tờ Financial Times (FT) đưa tin, Việt Nam và Mỹ ký kết các thoả thuận làm ăn và hợp tác trị giá hàng tỷ USD, dẫn đầu bởi các doanh nghiệp như Boeing, Microsoft và Nvidia. Người đứng đầu Nhà Trắng đã kêu gọi tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như điện toán đám mây, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đánh dấu bước tiến lịch sử trong quan hệ ngoại giao Việt Nam và Mỹ, trong đó hợp tác công nghệ được coi là trọng tâm.

Theo CNN, việc nâng cấp quan hệ ngoại giao lên “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” là một động thái biểu tượng nhưng có ý nghĩa quan trọng đối với chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, lĩnh vực đang là trọng tâm trong cuộc cọ sát địa chính trị giữa Washington và Bắc Kinh.

Tờ Straitstimes nhận định môi trường sản xuất năng động tại Việt Nam là yếu tố quan trọng trong kế hoạch đa dạng hoá chuỗi cung ứng tài nguyên chiến lược, trong đó có chất bán dẫn và đất hiếm. An ninh bán dẫn trở thành một trọng tâm hợp tác giữa hai nước. Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lực và mở rộng sản xuất, bao gồm cả đào tạo lực lượng lao động.

Trang Aljazeera cho biết, Mỹ xác định Việt Nam là một phần quan trọng trong kế hoạch đa dạng hoá tài nguyên chiến lược. Trước đó, Washington công bố các thoả thuận mở rộng hoạt động của các công ty công nghệ Mỹ tại Việt Nam, bao gồm kế hoạch của Microsoft “xây dựng giải pháp AI sinh tạo dành riêng cho Việt Nam” và đối tác giữa Nvidia và FPT, Viettel cùng Vingroup.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ chậm lại, từ 8% năm ngoái xuống còn 5,8% do xuất khẩu giảm vì cầu yếu. Song, tốc độ tăng trưởng này vẫn cao hơn mức trung bình toàn cầu 3% và hơn đáng kể ở nhiều nền kinh tế lớn gồm, Mỹ, Trung Quốc hay khu vực đồng euro.

Sau khi đại dịch Covid-19 lan rộng, nhiều doanh nghiệp công nghiệp đã áp dụng chiến lược “Trung Quốc cộng một”, nghĩa là mở rộng thêm một trung tâm sản xuất ra ngoài đại lục để tránh “bỏ hết trứng vào cùng một giỏ”.

(Tổng hợp)

Vietnamnet.vn