Theo thống kê của Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông, tháng 1.2024, có 470 tin, bài của các hãng thông tấn, báo đài nước ngoài về kinh tế – xã hội Việt Nam.
Báo chí nước ngoài đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn
Trong tháng 1.2024, dư luận nước ngoài nhìn chung vẫn đăng nhiều tin, bài tích cực phản ánh tình hình phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam.
Thông tin tích cực về kinh tế – xã hội Việt Nam trong tháng tập trung vào các nội dung sau: Việt Nam được đánh giá có năng lực “nhảy vọt”; Việt Nam là quốc gia an toàn nhất ở châu Á; Việt Nam là “ngôi sao đang lên” về đầu tư trên toàn cầu… Bên cạnh đó, Việt Nam định vị chiến lược cho sự gia tăng đầu tư vào chất bán dẫn sắp tới và các quỹ nước ngoài có khả năng quay trở lại Việt Nam vào năm 2024.
Theo các cơ quan truyền thông quốc tế, kết quả cuộc khảo sát Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam – EuroCham đánh giá, Việt Nam là “ngôi sao đang lên” về đầu tư trên toàn cầu, đồng thời “nêu bật vị trí chiến lược” của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á.
Theo EuroCham, trong Quý IV/2023, vị thế “điểm nóng đầu tư” của Việt Nam đã “tăng lên đáng kể”. Khoảng 62% số người được khảo sát “đã xếp hạng Việt Nam là một trong 10 điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu”.
Mặc dù chỉ một phần nhỏ (2%) coi Việt Nam là “nước dẫn đầu ngành”, nhưng đáng chú ý 29% xếp Việt Nam vào danh sách “các quốc gia có sức cạnh tranh hàng đầu” trong ASEAN. Phần lớn (45%) coi Việt Nam là đối thủ cạnh tranh, mặc dù thừa nhận một số thách thức nhất định.
Trung tâm tư vấn CEBR (Anh) đánh giá, Việt Nam và Philippines là hai nền kinh tế Đông Nam Á có năng lực “nhảy vọt” trong bảng xếp hạng World Economic League Table (WELT) giai đoạn tới năm 2038.
Theo bảng xếp hạng Luật pháp và Trật tự toàn cầu do công ty tư vấn quản lý Gallup công bố năm 2023, Việt Nam được coi là quốc gia an toàn nhất ở châu Á. Việt Nam đạt số điểm 92/100, đứng đầu ở châu Á và đứng thứ 7 toàn cầu.
Việt Nam được xem là quốc gia an toàn cho du khách có lẽ là do tỷ lệ tội phạm tương đối thấp so với các nước Đông Nam Á khác. Việt Nam đã leo lên vị trí thứ 41 trong số 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trong Chỉ số hòa bình toàn cầu năm 2023, tăng 4 bậc so với năm 2022.
Theo Borneo Bulletin, Việt Nam đang định vị chiến lược cho sự gia tăng đầu tư vào chất bán dẫn sắp tới bằng cách tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc và mềm, thực hiện các cơ chế chính sách, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, xây dựng chiến lược và đào tạo lực lượng lao động lành nghề. Việt Nam vạch ra những định hướng rõ ràng, cụ thể cùng các kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành bán dẫn.
Là một quốc gia thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sôi động, những tiến bộ nhanh chóng của Việt Nam trong nền kinh tế kỹ thuật số và sự tăng trưởng vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ cao đã thu hút sự quan tâm của nhiều tập đoàn toàn cầu, lôi kéo họ đầu tư vào ngành bán dẫn đang phát triển mạnh.
Theo The Star, các quỹ nước ngoài có khả năng quay trở lại Việt Nam vào năm 2024. Dòng vốn nước ngoài cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư cao hơn đối với thị trường Việt Nam trong bối cảnh đồng USD suy yếu. Ngoài ra, cơ hội thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng trong năm 2024 sẽ là yếu tố thu hút dòng tiền ngoại.
Về trung hạn, dòng vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam có thể được hưởng lợi từ việc chuyển dịch dòng vốn sang các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, điều này có thể chỉ xảy ra sau khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Khánh An – Laodong.vn