PGS. TS, nhà báo Đỗ Thị Thu Hằng – Ủy viên Ban Thường Vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ – Hội Nhà báo Việt Nam làm chủ tọa chương trình.
Phát biểu tại tọa đàm và trưng bày, nhà báo Trần Thị Kim Hoa, phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết, qua những ấn phẩm này chúng tôi muốn công chúng hiểu rõ hơn về bình đẳng giới thông qua sản phẩm báo chí trong sự phát triển của lịch sử báo chí Việt Nam, đó là những tác phẩm, ấn phẩm thể hiện cụ thể về chủ đề này.
Tọa đàm lần này là thời điểm thích hợp để Bảo tàng Báo chí Việt Nam giới thiệu một phần bộ sưu tập về đề tài nữ giới, tác giả nữ, cũng như những vấn đề có liên quan đến định kiến giới trong sự phát triển hơn 100 năm qua.
Nhà báo Trần Thị Kim Hoa cho rằng: “Có nhiều ấn phẩm hàng trăm năm trước đã nêu đến vấn đề phụ nữ, con gái, vai trò của phụ nữ trong gia đình, xã hội và rất nhiều câu chuyện liên quan đến giới, đến hôm nay chúng ta vẫn nhắc đến và bàn thảo. Trong đó, năm 1918 Nữ Giới Chung – tờ báo phụ nữ đầu tiên xuất hiện, mặc dù chỉ tồn tại trong vòng vài tháng nhưng đã trở thành một tiếng chuông về bình đẳng giới, về quyền phụ nữ. Vấn đề nữ giới lần đầu tiên chính thức được đặt ra bởi một người phụ nữ, một nhà báo nữ, một tổng biên tập nữ, một nhà đấu tranh vì hoạt động nữ quyền”.
Tại chương trình, các diễn giả đã chia sẻ các vấn đề liên quan đến vai trò của báo chí trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy bình đẳng giới; nhận diện tình trạng định kiến giới trong xã hội thể hiện trên báo chí – truyền thông; thảo luận về khuôn mẫu giới, sạn giới, cách thức xây dựng sản phẩm báo chí có nhạy cảm giới…
Nhà báo Vĩnh Quyên, nguyên Phó Tổng Giám đốc Kênh Truyền hình Quốc hội nhận định, định kiến giới vẫn “lẩn khuất” “ẩn mình” trong các tác phẩm truyền thông, gây tác động về nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ.
Theo Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thục Hạnh, để thay đổi nhận thức và hành vi, thúc đẩy bình đẳng giới, các sản phẩm báo chí cần hướng tới thay đổi, xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu về giới, giúp hiểu đúng và tôn trọng đa dạng về giới. Cần có nhiều sản phẩm báo chí chuyên về nam giới hoặc giới khác, huy động sự chung tay cùng vào cuộc của các giới để phát huy bình đẳng giới.
Chia sẻ kinh nghiệm thực tế, nhà báo Trần Trọng An, Phó Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Gia đình mới cho biết: Thực tế cho thấy, câu chuyện về định kiến giới đòi hỏi phải có quá trình lâu dài, bền bỉ để chuyển đổi nhận thức, thông qua phổ biến kiến thức, kỹ năng sống, phát huy vai trò của truyền thông trong thúc đẩy bình đẳng giới.
Khẳng định hành lang pháp lý về truyền thông giới tại Việt Nam hiện nay khá đầy đủ, nhà báo Lê Quỳnh Trang, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô nhấn mạnh, vẫn còn nhiều khó khăn trong truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới do ảnh hưởng văn hóa phong kiến truyền thống vẫn còn ăn sâu bám rễ trong tư tưởng của mỗi người, như tư tưởng trọng nam khinh nữ; hay tình trạng phụ nữ bị bạo hành vẫn tồn tại, nhưng nạn nhân rất ít lên tiếng và nhiều gia đình nạn nhân không muốn đưa câu chuyện của mình lên báo chí…
Còn theo nhà báo Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ – Hội Nhà báo Việt Nam, để thay đổi nhận thức của công chúng và các cấp, cần đề cao việc khai thác các chủ đề, câu chuyện liên quan đến bất bình đẳng giới, chú trọng thay đổi góc nhìn bình đẳng giới, theo đó, cả nam, nữ và giới khác đều được phát triển tối đa tiềm năng của mình.
Nhà báo Phạm Thị Mỵ – Chủ tịch Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam cho rằng, Tọa đàm hôm nay thêm một lần nói lên rằng báo chí luôn rất quan tâm và khẳng định vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Thực tế cho thấy hiện nay ở nước ta người phụ nữ đã tham gia nhiều lĩnh vực của đời sống, tham gia trong đội ngũ lãnh đạo quan trọng của Đảng và nhà nước. Việc nhìn nhận về phái nữ đã có sự thay đổi tích cực hơn, việc này cũng nhờ một phần đóng góp của báo chí truyền thông, báo chí đã làm thay đổi nhận thức của xã hội về phụ nữ và bình đẳng giới.
Nói về việc nâng cao hiệu quả tuyên truyền trong công tác bình đẳng giới, nhà báo Phạm Thị Mỵ thông tin thêm: “Đối với mỗi nhà báo trẻ hiện nay trong mỗi tác phẩm báo chí cần có định hình về vấn đề giới, luôn nhạy cảm trong việc sử dụng câu chữ để tránh vấp phải các vấn đề về định kiến giới. Chúng ta có thể hiểu rằng, phụ nữ có thể làm những công việc như nam giới, phụ nữ ngoài đảm nhận thiên chức làm vợ, làm mẹ còn làm rất tốt công việc trong xã hội…”.
Cũng tại tọa đàm, chuyên gia Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng đã gợi ý các nội dung nhằm bảo đảm nhạy cảm giới trong truyền thông, gồm: Không sử dụng hình ảnh làm nặng thêm định kiến giới, khuôn mẫu giới vốn có; sử dụng hài hòa hình ảnh minh họa, ý kiến của nam, nữ trong sản phẩm báo chí; bảo đảm sự hiện diện bình đẳng về hình ảnh, ý kiến của nam, nữ trong sản phẩm báo chí…
Cùng với đó, chuyên gia Lê Văn Sơn cũng chia sẻ kinh nghiệm về sử dụng câu chuyện, hình ảnh truyền cảm hứng cho công chúng về bình đẳng giới theo nguyên tắc chia sẻ và hợp tác giữa các giới để cùng phát triển…