Đến tham dự và chủ trì Diễn đàn có: Ông Lê Quốc Minh – Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Ông Nguyễn Hoài Anh – Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận; Ông Đoàn Anh Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; Ông Nguyễn Đức Lợi – Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Nguyên Tổng giám đốc TTXVN, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Ông Phan Xuân Thuỷ – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Ông Nguyễn Thanh Lâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Về phía Ban Tổ chức có: Ông Lê Trần Nguyên Huy – Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Q. Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận, Trưởng Ban Tổ chức; bà Trần Lan Anh – Phó Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận, Phó Trưởng Ban Tổ chức.
Đến tham dự chương trình Diễn đàn còn có hơn 100 Tổng biên tập các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, các cơ quan chỉ đạo báo chí, quản lý báo chí, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Thuận và các phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí đến dự và đưa tin.
Trước khi diễn ra Chương trình, các đại biểu tham dự đã quyên góp cho “Quỹ ước mơ xanh” hướng về đồng bào 26 tỉnh miền Bắc chịu thiệt hại do bão lũ.
Diễn đàn “Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống?” sẽ bao gồm 2 phiên thảo luận. Phiên thứ nhất có chủ đề: Báo chí giải pháp- Xu hướng và tiềm năng; Phiên thứ hai có chủ đề: Triển khai báo chí giải pháp: Cách thức, mô hình nào hiệu quả?
Báo chí giải pháp, báo chí xây dựng là cơ hội để các cơ quan báo chí Việt Nam khẳng định vai trò của mình trong việc định hình và thúc đẩy sự phát triển xã hội
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Lê Trần Nguyên Huy – Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Quyền Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận, Trưởng Ban Tổ chức cho biết, được khởi đầu từ năm 2019, đến nay Diễn đàn Tổng Biên tập đã bước sang mùa thứ 6, là nơi lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí… gặp gỡ, chia sẻ về những vấn đề đang là mối quan tâm hàng đầu của các toà soạn, cùng thảo luận, đề xuất các giải pháp giúp các cơ quan báo chí vượt qua thách thức để hoạt động hiệu quả hơn.
“Báo Nhà báo và Công luận luôn nỗ lực tìm kiếm những chủ đề báo chí nóng, nâng cao công tác tổ chức để chương trình Diễn đàn Tổng Biên tập giữ vững thương hiệu là một trong những sự kiện thường niên được giới báo chí quan tâm, đón đợi”, ông Lê Trần Nguyên Huy nhấn mạnh.
Theo ông Lê Trần Nguyên Huy, báo chí truyền thống đã, đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ truyền thông xã hội. Tuy nhiên, thực tế đời sống báo chí thời gian đã cho thấy báo chí truyền thống không nên và không thể cạnh tranh với mạng xã hội về tốc độ đưa tin. Vì thế, để bảo đảm sự tồn tại, kiến tạo nguồn thu và giữ chân được độc giả, báo chí truyền thống buộc phải tìm những hướng đi mới.
Với báo chí cách mạng Việt Nam, hướng đi đó còn là việc làm thế nào để các cơ quan báo chí tiếp tục khẳng định được dòng thông tin chủ lưu, định hướng, dẫn dắt dư luận và đóng góp được vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, không chỉ để giữ chân độc giả mà còn để củng cố niềm tin của công chúng vào báo chí. “Từ những trăn trở đó, trước thềm kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, chúng tôi lựa chọn chủ đề “Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống?” cho Diễn đàn Tổng Biên tập 2024. Báo chí giải pháp liệu có thể là hướng phù hợp cho báo chí Việt Nam hiện nay? Hy vọng, Diễn đàn sẽ được đón nhận những ý kiến trao đổi thẳng thắn, những hiến kế thiết thực, những chia sẻ bổ ích về xu hướng báo chí mới này”, ông Lê Trần Nguyên Huy mong muốn.
Phát biểu chào mừng Diễn đàn, ông Nguyễn Hoài Anh, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận cho biết, trong thời kỳ khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện nay, những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, nhất là trí tuệ nhân tạo, những ứng dụng của công nghệ số đang đặt ra nhiều vấn đề mới trong hoạt động của báo chí truyền thống, vừa tạo ra nhiều cơ hội, vừa đặt ra nhiều thách thức mà báo chí truyền thống cần giải quyết để từ đó có thích ứng linh hoạt, tiếp tục phát triển.
Đặc biệt, báo chí giải pháp, báo chí xây dựng không chỉ mang đến những phương pháp tiếp cận mới mẻ và tích cực cho báo chí mà còn là cơ hội để các cơ quan báo chí Việt Nam khẳng định vai trò của mình trong việc định hình và thúc đẩy sự phát triển xã hội. Hơn thế, báo chí giải pháp có thể giúp báo chí chính thống khẳng định vị thế trước sự cạnh tranh mạnh mẽ về thông tin từ mạng xã hội, thể hiện vai trò phụng sự Đảng, Nhà nước và nhân dân.
“Với ý nghĩa đó, tỉnh Bình Thuận rất phấn khởi và tán thành cao với việc Hội nhà báo Việt Nam chọn chủ đề Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 là “Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí Truyền thống”. Đây cũng chính là vấn đề chúng tôi rất quan tâm khi Bình Thuận đang bước vào hành trình phát triển mới với những mục tiêu mới.
Với chủ đề này, Diễn đàn sẽ được nghe những bài viết chuyên sâu, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về báo chí giải pháp; tác động của báo chí giải pháp; cách thức, mô hình triển khai báo chí giải pháp để báo chí giải pháp đạt kết quả cao nhất. Đồng thời, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024, nơi Hội tụ các Tổng Biên tập, lãnh đạo của các Tờ báo lớn và có uy tín cao của đất nước cùng tập trung thảo luận chủ đề nêu trên là một sự kiện mang ý nghĩa hết sức thời sự với đời sống báo chí mà còn là hoạt động rất ý nghĩa trước thềm kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025)”, ông Nguyễn Hoài Anh nhấn mạnh.
Báo chí giải pháp cho độc giả cảm thấy được trao quyền và mang lại hy vọng
Mở đầu phiên thảo luận 1 – Báo chí giải pháp – Xu hướng và tiềm năng, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã có bài thuyết trình Tổng quan về báo chí xây dựng, báo chí giải pháp.
Ông Lê Quốc Minh cho biết, thông tin tiêu cực dường như trở thành ADN của báo chí; theo đó những bài viết về thảm kịch đối với con người, thiên tai, và xung đột toàn cầu đóng vai trò chủ đạo để kích thích mọi người đọc tin mỗi ngày. Mối quan tâm đến tin tức dựa trên sự sợ hãi lên tới đỉnh điểm vào năm 2020, khi các cơ quan báo chí trên thế giới chứng kiến số lượng trả phí đọc báo điện tử và tiêu dùng nội dung tăng vọt trong đại dịch COVID-19.
Vòng quay tin tức không ngừng nghỉ suốt 24 giờ, và người dùng liên tục tiếp cận thông tin tiêu cực. Các thiết bị digital đóng vai trò phát tán tin tức tiêu cực từng giây từng phút, khiến công chúng có suy nghĩ rằng chẳng có gì tốt đẹp trên thế giới này. Tuy tin tiêu cực có thể đóng vai trò quan trọng là thông tin, cảnh báo và quy trách nhiệm cho những người nắm giữ quyền lực, nó cũng gây tác động có hại với độc giả, chẳng hạn gây ra sợ hãi, lo lắng, tức giận, hoài nghi, thậm chí lãnh cảm. Hậu quả là độc giả quay lưng với báo chí. Theo báo cáo 2022 của Reuters, tỷ lệ né tránh tin tức ở Brasil và Anh đã tăng gấp đôi kể từ 2017.
Khi mà niềm tin với truyền thông bị xói mòn và tình trạng né tránh tin tức cao chưa từng thấy, các cơ quan báo chí phải tìm hiểu lý do người dùng ồ ạt xa rời tin tức và tìm ra cách thu hút, tương tác và giữ chân độc giả. Tin tức tiêu cực thường bị coi là một trong những nguyên nhân chính, vì vậy báo chí phải xác định cách thức hoàn thành nhiệm vụ — đưa tin — mà không làm độc giả xa lánh.
Ông Lê Quốc Minh nêu “7 bí kíp” đối phó tình trạng né tránh tin tức: Nội dung đơn giản, ngắn gọn và hữu ích; Viết những bài liên quan đến con người và có sức nặng; Lắng nghe độc giả (và có hành động phù hợp); Quan tâm tới cộng đồng và xây dựng tòa soạn đa dạng sắc tộc; Tạo ra nhiều format thu hút tương tác hơn; Suy nghĩ lại về việc đưa tin chính trị (theo hướng xây dựng); Tìm kiếm giải pháp và mang lại hy vọng.
“Một hướng đi đang hiện rõ cho ngành báo là báo chí xây dựng/báo chí giải pháp, theo đó các cơ quan báo chí trong khi đưa tin thì cũng đề xuất các giải pháp hoặc luận giải kỹ lưỡng để độc giả cảm thấy được trao quyền và mang lại hy vọng”, ông Lê Quốc Minh nêu rõ.
Cũng theo ông Lê Quốc Minh, cần phải xem độc giả muốn gì và họ sẵn sàng trả tiền cho thông tin nào. Nhiều chuyên gia tin rằng báo chí xây dựng/báo chí giải pháp là chìa khóa. Lối làm báo truyền thống 5W (who, what where, when, why) được thay thế bằng “what now” và “how”.
Đồng thời, các nghiên cứu chỉ ra rằng báo chí xây dựng cải thiện tâm trạng của người tiêu dùng tin tức, thúc đẩy họ có những việc làm mang lại lợi ích cho xã hội, và khích lệ họ tương tác nhiều hơn với các cơ quan báo chí. Cùng với đó, những cơ quan báo chí đang thử nghiệm nội dung tích cực hoặc những nội dung mang lại hy vọng và giải pháp thì nhận được những kết quả tích cực. Mặc dù tin tiêu cực thường được xem nhiều hơn, nhưng tin tích cực có thể khiến người dùng tăng tương tác hoặc trả phí.
Đặc biệt, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nêu rõ hiệu quả của Báo chí xây dựng: Ảnh hưởng tích cực đến tâm trạng của người dùng; Trao quyền cho độc giả bằng cách thúc đẩy niềm tin vào năng lực bản thân; Không bị coi là báo chí chất lượng thấp; Thúc đẩy mọi người có hành động có ích cho xã hội; Gia tăng tương tác với cơ quan báo chí, tác giả bài báo và chủ đề; Tăng số “likes” dù có thể không thúc đẩy chia sẻ hoặc bình luận; Có thể thu hút và tăng nguồn thu quảng cáo, vì thu hút sự chú ý nhiều hơn của độc giả.
Ví dụ: Khi Hamas tấn công Israel vào tháng 10/2023, các cơ quan báo chí trên thế giới tìm cách chia sẻ thông tin với độc giả trẻ — mà không làm họ khiếp sợ. Các báo đài ở Canada, Pháp, Phần Lan, Đan Mạch và nhiều nước khác chuyển hướng sang báo chí xây dựng để chia sẻ thông tin trong khi cung cấp giải pháp nhằm thúc đẩy sức khỏe tinh thần trong độc giả trẻ.
Năm 2022, The Times of India muốn độc giả được “nghỉ ngơi” sau quá nhiều tin tiêu cực, họ bèn lập ra trang The Times of a Better India để cung cấp nhiều thông tin tích cực, những câu chuyện truyền cảm hứng thường bị tin tức thời sự che lấp. Những nội dung tích cực đó trở nên được ưa chuộng và có tới 12 triệu người truy cập những câu chuyện như thế.
Khi DRIVE, một sản phẩm hợp tác giữa các cơ quan báo chí khu vực của Đức và Áo, phát hiện thấy người dùng muốn đọc nhiều tin tích cực hơn, các tin bài mang tính giải pháp giúp họ hiểu những vấn đề phức tạp, họ bèn đáp lại bằng một dự án tập trung vào những chủ đề tương lai có tầm quan trọng với cộng đồng địa phương ở duyên hải Biển Bắc. Dự án này đã mang lại lượng truy cập lớn và thời gian tương tác lâu hơn với độc giả.
Năm 2015, USA Today ra mắt Humankind, một sản phẩm video kể những câu chuyện tích cực về lòng tốt, những mối quan hệ đặc biệt, và những nỗ lực thành công vượt qua nghịch cảnh. Gần một thập niên sau, sản phẩm này đã phát triển thành 6 dự án “lòng tốt” và giờ đây có cả các bài viết cùng với một bản tin – và tiếp tục có lượng tương tác lớn nhất của tờ báo này trên Facebook và TikTok.
Khi đại dịch Covid-19 dẫn đến cơn lũ thông tin tiêu cực tưởng chừng không bao giờ dứt, Jagran New Media muốn mang lại niềm hy vọng thông qua báo chí xây dựng. Chương trình #PositiveIndia của họ chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng và gợi mở các giải pháp cho những người đang trải qua tâm trạng lo âu và sức ép về tinh thần. Ban đầu, chương trình này chỉ xuất hiện trên Twitter rồi sau đó được triển khai trên các nền tảng khác và đạt thành công vang dội, có tới hơn 1,25 triệu lượt tiếp cận và hơn 55.000 lượt tương tác.
Ông Lê Quốc Minh nêu rõ: “Các cơ quan báo chí sẽ phải thay đổi thói quen tập trung vào thông tin tiêu cực — dù rằng việc thay đổi thói quen này không hề dễ dàng”.
Theo ông Lê Quốc Minh, tại Việt Nam, chủ trương “Lấy đẹp dẹp cái xấu” đã được triển khai từ lâu với chương trình “Việc tử tế” của VTV bắt đầu từ 2015, được mọi người rất quan tâm. Hay như báo điện tử VietnamPlus từ nhiều năm trước có trang “Anh hùng nhí” kể chuyện về những em bé với nỗ lực rất lớn vượt lên số phận – nội dung đã nhận được nhiều sự ủng hộ của độc giả cũng như những nhà hảo tâm.
Serie “Together We Win” của TTXVN trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 nhằm khích lệ tinh thần người dân về tinh thần Việt Nam vượt qua những khó khăn của đại dịch, thu hút được sự quan tâm cao của công chúng.
Đặc biệt, tại báo Nhân dân, thời gian vừa qua, Báo đã đẩy mạnh đầu tư và báo chí chuyên sâu với nội dung rất dày dặn từ chính trị, kinh tế và các vấn đề xã hội. Xây dựng các trang website riêng khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu về “Lý luận, thực tiễn và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”. “Báo Nhân Dân có bài phát biểu về tóm tắt ngắn, có hình thức nghe báo, có ý kiến đánh gia của chuyên gia trong ngoài nước về vấn đề này.”, ông Lê Quốc Minh cho biết.
Cũng theo ông Lê Quốc Minh, mới đây, trang tri thức chuyên sâu về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Nhà lãnh đạo có tâm, có tầm của Đảng; trong suốt 1 tuần liền, lượt truy cập của trang này đứng đầu trong các chuyên mục của Báo Nhân Dân.
Đáng chú ý, một dự án mang tính sáng tạo của Báo Nhân Dân là dự án tranh panorama Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đoạt giải thưởng “Sản phẩm xuất sắc dành cho độc giả trẻ” và sẽ được trao tại Hội nghị thượng đỉnh các cơ quan báo in Thế giới vào ngày 9/10 ở Vienna (Áo). Bên cạnh đó, Dự án tranh này cũng xuất sắc giành giải Sản phẩm xuất sắc nhất về marketing cho báo in (Best in Newspaper Marketing) trong khuôn khổ Asian Digital Awards, sẽ trao giải tại Singapore vào đầu tháng 11 tới.
“Với chủ đề “Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống?”, Diễn đàn sẽ được nghe những bài viết chuyên sâu, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về báo chí giải pháp; tác động của báo chí giải pháp; cách thức, mô hình triển khai báo chí giải pháp để báo chí giải pháp đạt kết quả cao nhất”, ông Lê Quốc Minh nêu rõ.
Báo chí giải pháp và báo chí kiến tạo xây dựng lòng tin và hình ảnh tích cực
Phát biểu tham luận, ông Nguyễn Bá – Tổng Biên tập báo VietNamNet cho biết, lợi ích của báo chí giải pháp và báo chí kiến tạo đối với báo chí Việt Nam: Xây dựng lòng tin và hình ảnh tích cực; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng; Định hướng dư luận một cách tích cực; Đóng góp vào phát triển bền vững
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Bá cũng nêu những thách thức đối với việc thực hiện báo chí giải pháp và báo chí kiến tạo tại Việt Nam: Thứ nhất, thay đổi tư duy báo chí. Trong đó, việc chuyển đổi sang báo chí giải pháp và báo chí kiến tạo đòi hỏi sự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận và sản xuất nội dung.
Thứ hai, nguồn lực hạn chế. Cụ thể, để thực hiện tốt báo chí giải pháp và báo chí kiến tạo đòi hỏi nguồn lực lớn mà không phải cơ quan báo chí nào cũng có sẵn.
Thứ ba là tính khách quan và toàn diện. Trong đó, báo chí giải pháp và báo chí kiến tạo cần phải cẩn trọng để không bị thiên lệch, chỉ tập trung vào những câu chuyện thành công mà bỏ qua những thất bại và hạn chế của các giải pháp, cũng như tránh việc quá lạc quan hoặc né tránh các khía cạnh tiêu cực của vấn đề.
Về giải pháp để phát triển báo chí giải pháp và báo chí kiến tạo tại Việt Nam. Ông Nguyễn Bá nêu cụ thể, đó là: Cần đào tạo và nâng cao nhận thức: Các cơ quan báo chí cần tổ chức các khóa đào tạo cho phóng viên, biên tập viên về các phương pháp báo chí giải pháp và báo chí kiến tạo, giúp họ hiểu rõ hơn về các tiếp cận này và áp dụng vào công việc hàng ngày.
Cùng với đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế; Phát triển các chuyên mục, chương trình riêng về các giải pháp xã hội, môi trường, kinh tế, và khuyến khích đối thoại cộng đồng nhằm thu hút sự quan tâm của độc giả và tạo ra một kênh thông tin đáng tin cậy. Đồng thời, cần thiết lập các cơ chế đánh giá hiệu quả của báo chí giải pháp và báo chí kiến tạo, bao gồm việc thu thập phản hồi từ độc giả và đánh giá tác động của các bài viết, sẽ giúp các cơ quan báo chí điều chỉnh và cải thiện nội dung theo thời gian.
Để thực sự là “Báo chí giải pháp”
Ông Nguyễn Anh Vũ – Tổng Biên tập báo Văn hoá thì cho rằng, báo chí giải pháp là một phương thức tiếp cận tiên tiến để đưa thông tin về phát triển xã hội đến với người đọc, không đơn thuần chỉ là một xu hướng mới trong lĩnh vực truyền thông. Báo chí giải pháp trở thành một công cụ quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội và mở ra con đường phát triển cho chính nó là nhờ vào ưu thế tìm kiếm và đề xuất các giải pháp hiệu quả.
“Chính vì vậy, người làm báo chí giải pháp cần phải có một tư duy đổi mới, tích cực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuân thủ nghiêm túc quy trình tác nghiệp, thành thạo trong việc tiếp cận, sử dụng công nghệ để tạo ra các nội dung đa phương tiện, nâng cao năng lực ngôn ngữ để truyền tải thông tin một cách hấp dẫn, để sáng tạo ra các tác phẩm báo chí giải pháp thực sự có giá trị. Một yếu tố quan trọng không thể thiếu đó là sự hỗ trợ, khuyến khích cũng như việc quan tâm, đào tạo, đầu tư nguồn nhân lực, công nghệ, chiến lược xây dựng nội dung từ các toà soạn”, ông Vũ nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Vũ, báo chí giải pháp không chỉ đơn thuần là việc đưa ra vấn đề, mà còn tìm kiếm và đề xuất cách giải quyết. Điều đó đòi hỏi bên cạnh việc đưa ra các giải pháp, người viết cần phải thể hiện được sự sáng tạo, đột phá trong cách đặt vấn đề, trong nghệ thuật dẫn dắt câu chuyện, trong cấu trúc thông tin, trong kết cấu bài viết để tạo sự độc đáo, thú vị và hấp dẫn. Muốn “vận hành” tốt kỹ năng này, bên cạnh sự sáng tạo các nhà báo cần phải trau dồi năng lực tìm kiếm thông tin chi tiết về các giải pháp.
Cùng với đó, cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng, cẩn trọng, có sự tham khảo nhiều chiều với những người am hiểu chuyên sâu đối với các lĩnh vực được đề cập nhằm cung cấp những thông tin chính xác, có giá trị về các giải pháp xử lý, giải quyết các vấn đề đặt ra.
Ông Nguyễn Anh Vũ cũng nhấn mạnh việc nghiên cứu kỹ lưỡng, tìm kiếm, xác minh các giải pháp đã và đang được thực hiện, triển khai thành công cũng là một năng lực cần có của các nhà báo khi thực hiện một bài viết báo chí giải pháp. Bên cạnh đó cũng cần có công cụ để rà quét, đo đếm mức độ hiệu quả của các giải pháp.
“Để có những góc nhìn đa diện, đa chiều, người viết cần phải có sự tham vấn của các chuyên gia, những người thực hiện giải pháp và cả những đối tượng, thành phần chịu sự tác động trực tiếp từ các giải pháp. Để đảm bảo tính chính xác, chân thực của bài viết, người viết cần có một quá trình thực tế để thu thập thông tin, luôn nâng cao kỹ năng phân tích, phản biện, kiểm chứng thông tin để hạn chế những đánh giá phiến diện, một chiều khi minh chứng những hiệu quả thực sự của giải pháp”, Tổng Biên tập báo Văn Hoá nêu rõ.
Đặc biệt, ông Nguyễn Anh Vũ nhấn mạnh: Qua những gì thực tế đang diễn ra, báo chí rất cần một sự thay đổi với việc tập trung vào các nỗ lực giải quyết vấn đề cũng như các bài học từ thành công và thất bại. “Báo chí giải pháp chính là “lối thoát” để báo chí trở nên chính xác và hoàn thiện hơn. Và đó cũng chính là sự khẳng định lại những giá trị đích thực, bền vững của báo chí truyền thống”, ông Vũ khẳng định.
Báo chí giải pháp – Giải bài toán tài chính cho Báo Đảng
Tham gia tham luận, ông Lê Huy Toàn – Tổng Biên tập báo Bình Thuận đặt vấn đề: Tại sao chúng tôi đặt ra câu hỏi Báo chí giải pháp – Giải bài toán tài chính cho Báo Đảng?
Theo ông Lê Huy Toàn, báo Bình Thuận là tờ Báo Đảng của một địa phương với chức năng là đơn vị sự nghiệp tự chủ một phần, yêu cầu đặt ra hiện nay là vừa làm tốt nhiệm vụ chính trị và truyền thông chính sách song vừa phải có nguồn thu. Và nguồn thu chính là vấn đề khá nan giải đối với các cơ quan báo chí chính thống, đặc biệt là Báo Đảng bởi tính chất “khô khan” cũng như sự ràng buộc nhiều yếu tố khác nhau mang tính nguyên tắc mà cơ quan ngôn luận trực thuộc Đảng bộ phải thực hiện.
Cũng theo ông Lê Huy Toàn, đối với báo Bình Thuận thì mọi hoạt động của các số báo đều tập trung xoay quanh trục truyền thông chính sách. Hiện nay Báo Bình Thuận đã phối hợp thực hiện nhiều gói tuyên truyền trên các lĩnh vực. Nổi lên như những chính sách về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giảm nghèo bền vững, giảm nghèo thông tin, suy dinh dưỡng trẻ em, bảo hiểm xã hội, an ninh trật tự giao thông, khuyến công… “Những bài truyền thông chính sách này, báo Bình Thuận đều đăng trên báo giấy rồi chuyển lên báo điện tử hoặc ngược lại, tùy yêu cầu của bên cần tuyên truyền và cả vấn đề cần nhanh, kịp với các báo thường trú khác và mạng xã hội”, ông Toàn cho biết.
Đáng chú ý, theo ông Lê Huy Toàn, trong phát huy vai trò truyền thông chính sách, Báo Bình Thuận thực hiện tốt nhiệm vụ định hướng, dẫn dắt công chúng hiểu đúng nghĩa trong nhiều vụ việc nóng xảy ra tại tỉnh. Khi sự thật được lan rộng, những thông tin sai, đơm đặt trên mạng sau đó tự “biến mất”. Qua những vụ việc như thế, báo Bình Thuận nâng thêm vị thế cũng như tầm quan trọng của báo địa phương. Cũng từ đó, việc tăng nguồn thu cho báo được thuận lợi hơn, mở thêm được nhiều gói tuyên truyền không chỉ trong lĩnh vực nhà nước mà còn ở lĩnh vực doanh nghiệp…
Bên cạnh mặt được trên, Tổng Biên tập báo Bình Thuận cho biết không phải lúc nào trên Báo cũng có những bài viết đáp ứng yêu cầu của báo chí giải pháp nên đã từng có những bài viết mang lại tác dụng ngược. Đó là gặp phải sự phản ứng từ “nhân vật” trong bài báo và lan rộng hơn là dư luận xã hội. … “Sau khi xử lý truyền thông những tình huống trên, báo Bình Thuận đều rút kinh nghiệm, nhờ vậy, càng ngày những bài viết phân tích vấn đề chặt chẽ, chỉ ra nguyên nhân, đề ra giải pháp đối với vấn đề nóng, nhiều tranh cãi, tạo sự đồng tình lớn trên mạng xã hội cũng ngày càng nhiều lên”, ông Toàn cho biết.
Báo chí giải pháp là cấp độ khó cao nhất
Ông Phạm Mạnh Hùng – Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, ở góc độ chuyên môn, với các cấp độ của thông tin là việc đưa tin – thông tin sâu, cung cấp thêm dữ liệu – phân tích, bình luận dự báo sự kiện, thì có thể tạm gọi báo chí giải pháp là cấp độ khó cao nhất, đòi hỏi trình độ chuyên môn làm báo rất cao, phông kiến thức phong phú và đa dạng, khả năng tổng hợp và xử lý nhuần nhuyễn, sắc xảo.
Tuy vậy, ông Phạm Mạnh Hùng cho biết, nếu tự nhìn vào khả năng sản xuất của các đơn vị báo chí thuộc Đài Tiếng Nói Việt Nam, cũng như mặt bằng thông tin hằng ngày trên báo chí nói chung, những tác phẩm báo chí được xếp vào báo chí giải pháp xuất hiện chưa nhiều, chưa có nhiều tác phẩm gây được ấn tượng và thực sự có ích với công chúng. “Vì sao? Vì chuyển từ phong cách chạy theo tin tức thông thường sang tổ chức những sản phẩm báo chí chuyên sâu, chuyên biệt là rất khó, đòi hỏi nhiều điều kiện khác nhau”, ông Hùng nói.
Cụ thể, theo ông Phạm Mạnh Hùng: Một là, nhận thức của toà soạn, ban biên tập, tổng biên tập. Theo đó, bất kỳ một tổ chức nào vai trò của người đứng đầu cũng quan trọng nhất, nhận thức của tổng biên tập, người đứng đầu cơ quan báo chí trong việc ưu tiên chuyển đổi sang các nội dung có tính giải pháp quyết định đến việc thay đổi tư duy làm việc của toà soạn, từng thành viên ban biên tập.
Người lãnh đạo một khi đã nắm vững xu thế, nhuần nhuyễn yêu cầu của những sản phẩm báo chí giải pháp sẽ là người chuyển đổi nhanh nhất tư duy làm báo của cả đơn vị. “Chúng ta đã thấy được hiệu quả của rất nhiều toà soạn, xin lấy ví dụ từ báo giaoduc.net. Ở Đài Tiếng Nói Việt Nam, trong vài năm trở lại đây chúng tôi cũng đang hướng về chuẩn bị các kết luận giao ban, định hướng sản xuất của các loại hình báo chí, gợi mở các vấn đề cần bàn, cần ưu tiên thảo luận khi các điểm nóng về chính trị, kinh tế xã hội trong nước và thế giới xuất hiện”, ông Hùng cho biết.
Thứ hai, trình độ của phóng viên, biên tập viên và những người trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất nội dung. Theo ông Phạm Mạnh Hùng, không nên hiểu hoặc đánh đồng những tác phẩm báo chí có tính giải pháp với các công trình nghiên cứu khoa học, các bài luận khô khan. Báo chí suy cho cùng vẫn là những câu chuyện có thật được trình bày một cách hấp dẫn. Một tác phẩm báo chí cũng không nên có tham vọng giải quyết được tất cả các vấn đề, các nhà báo chỉ là những người trình bày, gợi mở những hướng ra từ kết quả thu thập xử lý thông tin, phỏng vấn các nhân vật.
Thứ ba là nguồn lực tài chính, công nghệ.
Thứ tư là chính sách, vấn đề bản quyền.
Cuối cùng, theo ông Phạm Mạnh Hùng, để báo chí giải pháp phát triển cần giải quyết vấn đề cơ chế, tài chính. Trong đó, có cơ chế đặt hàng, đấu thầu, Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Báo chí giải pháp giúp các cơ quan báo chí tạo sự cân bằng, hài hoà
Tiếp theo phần tham luận, ông Phùng Công Sưởng – Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho biết, trước sự phát triển không ngừng của các phương tiện truyền tải thông tin, nhất là mạng xã hội, báo chí giải pháp chính là cách thức giúp các cơ quan báo chí cân bằng, hài hòa giữa yêu cầu thông tin thời sự “nhanh nhất”, “mới nhất”, thu hút nhiều bạn đọc nhất với thông tin mang tính hiến kế, kiến giải, góp phần giải quyết vấn đề theo chiều hướng tốt đẹp hơn, giá trị hơn, nhân văn hơn.
“Báo chí giải pháp không né tránh tin tức tiêu cực, mà phản ánh tiêu cực theo hướng kết hợp giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là nền tảng, đặt lợi ích của bạn đọc, của xã hội lên trên hết, trước hết. Cách thông tin này, giúp báo chí tạo dựng được niềm tin với công chúng, sự đồng hành với chính quyền và doanh nghiệp trong việc giải quyết các vấn đề, các thách thức đặt ra”, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong nhận định.
Tổng biên tập Phùng Công Sưởng cho biết, thực hiện báo chí giải pháp, các tòa soạn và phóng viên sẽ mất nhiều công sức hơn, kể cả về thời gian và tiền bạc để tạo ra sự hấp dẫn, sinh động, thu hút được bạn đọc. Báo chí giải pháp đòi hỏi các phóng viên, nhà báo phải có tâm, khách quan, trung thực; có tinh thần đồng hành vì sự phát triển, vì lợi ích của xã hội. Cùng với đó, báo chí giải pháp cũng đòi hỏi các nhà báo phải có kiến thức, khả năng phân tích và đánh giá các vấn đề.
Ông Phùng Công Sưởng cũng nhìn nhận, nhiều cơ quan, đơn vị còn né tránh báo chí, chưa thực sự chủ động trong việc cung cấp thông tin, bảo đảm yếu tố khách quan, kịp thời. Ví dụ: Khi xảy ra một vụ việc cụ thể, nếu cơ quan bị phản ánh cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan, chính xác sẽ giúp các phóng viên nhìn nhận vụ việc một cách tổng thể hơn, hướng đến yếu tố giải pháp. Ngược lại, nếu các cơ quan, đơn vị né tránh, không cung cấp thông tin một cách đầy đủ, dẫn đến bài viết chỉ có yếu tố phản ánh vụ việc một cách đơn thuần.
Tuy nhiên, cũng theo Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, việc thực hiện báo chí giải pháp ở Tiền Phong ngoài thuận lợi cũng gặp những khó khăn nhất định, cần tiếp tục nghiên cứu để tháo gỡ. Trong đó, nhấn mạnh đến ý trí chính trị của người đứng đầu, định hướng sang loại hình báo chí mới là rất quan trọng. Để làm được điều này cần rất nhiều về nguồn lực, đặc biệt là đào tạo con người.
Bên cạnh đó, ông Phùng Công Sưởng nhấn mạnh đến việc các cơ quan Nhà nước cần tăng cường cơ chế hỗ trợ, cơ chế đặt hàng các cơ quan báo chí trong lĩnh vực truyền thông chính sách, xây dựng chính sách; đặt hàng các sản phẩm báo chí chất lượng cao để không chỉ tuyên truyền, định hướng mà còn hướng đến các giải pháp để giải quyết những vấn đề cấp thiết mà thực tiễn đang đặt ra trong các lĩnh vực quản lý.
Phát biểu chỉ đạo, ông Phan Xuân Thuỷ – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, báo chí giải pháp, báo chí xây dựng, báo chí kiến tạo là những nội dung được công chúng và các cơ quan quản lý Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Thời gian tới, từ sự định hướng của các cơ quan chỉ đạo báo chí, quản lý báo chí, các cơ quan báo chí cần nâng cao vai trò, phát huy thế mạnh và phát triển báo chí giải pháp, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn.
Tại Diễn đàn, ông Phan Xuân Thuỷ cũng khen ngợi, động viên Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhà báo và Công luận đã tổ chức Diễn đàn Tổng Biên tập qua hằng năm và đây là lần thứ 6 ông được tham dự. Nhiều nhiều vấn đề nóng bỏng trong lĩnh vực báo chí đã được mổ xẻ giúp cơ quan quản lý báo chí, cơ quan Nhà nước nhìn nhận, rà soát để sửa đổi chính sách, giúp báo chí phát triển.
Nhóm PV
Nguồn: https://www.congluan.vn/bao-chi-giai-phap-la-co-hoi-de-cac-co-quan-bao-chi-khang-dinh-vai-tro-dinh-hinh-va-thuc-day-su-phat-trien-xa-hoi-post313295.html