Doanh thu 1.500 tỷ đồng/năm
Được xem là điểm sáng trong việc đa dạng nguồn thu báo chí trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, Đài PTTH Vĩnh Long có doanh thu đến 1.500 tỷ đồng/năm. Trong năm 2023, Đài truyền hình Vĩnh Long đã nộp ngân sách cho tỉnh 780 tỷ đồng và được Youtube trả 4 triệu USD.
Nói về các nguồn thu tại cơ quan, ông Lê Thanh Tuấn – Giám đốc Đài PTTH Vĩnh Long cho biết, nguồn thu từ hoạt động quảng cáo chiếm khoảng 85% – 90% trong tổng nguồn thu của Đài.
Đối với quảng cáo trên phát thanh, đây là hình thức quảng cáo được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong những năm 2000 – 2010, với nhiều hình thức như quảng cáo spots xen các chương trình phát thanh trực tiếp như ca nhạc, tin tức…hoặc tài trợ qua các chương trình tư vấn sức khỏe, tư vấn giáo dục, tư vấn tuyển sinh,…
“Hiện nay, nguồn thu này vẫn có một vai trò nhất định và theo chúng tôi, phát thanh vẫn là kênh quảng cáo có tiềm năng phát triển”, ông Lê Thanh Tuấn cho hay.
Để tạo nguồn thu trên phát thanh, theo ông Tuấn hiện nay, Đài thực hiện nhiều chương trình trực tiếp và livestream, các bản tin thời sự đầu giờ thông tin nhanh nhất các sự kiện vừa diễn ra, nhằm nỗ lực tiếp cận và thu hút công chúng ở nhiều nền tảng khác nhau trên không gian mạng.
Trên sóng truyền hình, từ năm 2014, Đài PTTH Vĩnh Long bắt đầu thực hiện hoạt động liên kết sản xuất chương trình. Trung bình mỗi năm, Đài liên kết sản xuất 40- 50 chương trình. Các chương trình liên kết này rất đa dạng về thể loại: từ chương trình truyền hình thực tế, gameshow đến phim ngắn, phim thiếu nhi và chương trình khoa giáo,…
“Qua hoạt động liên kết, Đài đã huy động được các nguồn lực xã hội để đầu tư vào sản xuất chương trình, góp phần thu hút tài trợ và quảng cáo, đóng góp đáng kể vào nguồn thu và ổn định nguồn thu của Đài”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Cecilia Campbel – Giám đốc tiếp thị tại United Robots – Nội dung tự động được các nhà xuất bản hàng đầu tin cậy cho biết: “Dự báo là các cơ quan báo chí địa phương sẽ nắm bắt những cơ hội mà công nghệ đem lại để mở rộng chủ đề và tăng số lượng độc giả nhiều hơn. Những lợi ích của AI có thể giúp các cơ quan báo chí địa phương độc lập và địa phương quy mô nhỏ tiết kiệm nhiều thời gian và công sức. Họ có thể nhanh chóng thu thập tài liệu, hướng dẫn, gợi ý và nhiều yếu tố liên quan tới nội bộ, tự động tóm tắt cuộc họp và tài liệu công khai, tạo ra những tweet và bài viết trên mạng xã hội … Đây có lẽ sẽ là yếu tố mang tính thay đổi cuộc chơi cho các cơ quan báo chí đang bị kẹt nhân sự hay nguồn lực”.
Về nguồn thu trên nền tảng số, Giám đốc Đài PTTH Vĩnh Long nhận định, xuất phát từ tình hình thực tế là sự dịch chuyển quảng cáo từ báo chí truyền thống sang các nền tảng số và mạng xã hội, Đài đã từng bước mở rộng phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện, nỗ lực khai thác mạng xã hội để đưa nội dung đến khán giả, tạo doanh thu, ổn định nguồn thu quảng cáo.
“Hạ tầng nền tảng số của Đài hiện có trang Thông tin điện tử, Ứng dụng xem truyền hình miễn phí trên internet THVLi, Ứng dụng nghe phát thanh miễn phí trên internet THVLaudio. Các nền tảng mạng xã hội gồm: 48 kênh YouTube, 23 Fanpage Facebook, 4 kênh Tiktok, 1 kênh Instagram, 1 kênh X, 5 kênh Zalo, 1 kênh Threads, 6 kênh Myclip, 5 kênh Dailymotion. Bước đầu, Đài cũng thu được một số kết quả. Lượng khán giả số của Đài PTTH Vĩnh Long không ngừng tăng qua từng năm; đồng thời, góp phần mang về nguồn thu mới cho Đài”, Giám đốc Lê Thanh Tuấn cho biết.
Tạo ra hướng đi riêng biệt với “đặc sản” livestream
Mới đây, tại cuộc hội đàm giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo Thái Lan, ông Chavarong Limpattamapanee – Chủ tịch Hội đồng Báo chí Quốc gia Thái Lan, Cố vấn cấp cao Hội Nhà báo Thái Lan đã dành rất nhiều lời khen có cánh cho Báo Tuyên Quang trong việc thực hiện livestream về Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị toà soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức vào năm ngoái. “Một cơ quan báo chí địa phương nhưng thực hiện việc sản xuất livestream mang tầm quốc tế”, ông Chavarong đánh giá.
Chia sẻ về hành trình áp dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong toà soạn, nhà báo Mai Đức Thông – Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang cho biết, trước bối cảnh công nghệ số, Ban Biên tập báo Tuyên Quang đã đề ra mục tiêu quyết tâm phải thực hiện chuyển đổi số. Theo đó phải chuyển đổi từ tư duy, nhận thức của cán bộ, phóng viên đến quản trị tòa soạn, sản xuất nội dung.
“Chúng tôi có một cuộc “cách mạng” thay đổi nhận thức và cách làm”, nhà báo Mai Đức Thông nhấn mạnh và cho hay, về đổi mới báo in theo hướng chuyên sâu, báo bắt đầu từ việc thay đổi cách thể hiện từng tác phẩm, từng trang báo, số báo. Còn đổi mới điện tử được bắt đầu từ việc sáng tạo các tác phẩm đa phương tiện.
Báo đã ứng dụng AI vào xử lý hình ảnh trên báo in, thiết kế đồ họa, đọc các tin đa phương tiện trên báo điện tử, các bản tin Podcast, tin hình; ứng dụng ChatGPT để tìm đề tài, hỗ trợ xây dựng kịch bản và các công việc khác của toàn soạn. Việc ứng dụng AI đã rút ngắn thời gian sản xuất các sản phẩm đa phương tiện, có nhiều gợi ý và tìm kiếm được đề tài phong phú.
Theo nhà báo Việt Hoà – Trưởng phòng điện tử Báo Tuyên Quang, từ năm 2020 đến nay, Báo Tuyên Quang đã thực hiện được hơn 200 cuộc truyền hình trực tiếp, hơn 200 cuộc livestream.
“Với phương châm “độc giả ở đâu, Báo Tuyên Quang ở đó”, bên cạnh việc phát hành báo theo phương thức truyền thống qua Bưu điện, chúng tôi đã đẩy mạnh việc phát hành Báo Tuyên Quang trên các nền tảng xã hội như Facebook, Tiktok, Youtube, Zalo, tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ, khẳng định được vị thế của Báo Tuyên Quang trong lòng độc giả”, nhà báo Việt Hoà chia sẻ.
Ông Việt Hoà cho biết, trước đây khi nói đến truyền hình trực tiếp, người ta chỉ nghĩ đến nhiệm vụ của các Đài Phát thanh – Truyền hình, với các trang thiết bị hiện đại, đồ sộ như “xe màu”, xe phát tín hiệu vệ tinh có trị giá hàng chục tỷ đồng, kèm theo hàng chục cán bộ, kỹ thuật viên, phóng viên đi kèm. Nhưng đối với Báo Tuyên Quang, việc thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp được tối giản hơn rất nhiều.
Với bộ thiết bị trị giá khoảng 500 triệu đồng, kết hợp với các camera, bàn trộn âm thanh sẵn có, tối thiểu 6 người gồm đạo diễn, kỹ thuật và phóng viên, Báo đã tổ chức các chương trình từ đơn giản đến phức tạp. “Các chương trình được truyền trực tiếp trên nền tảng web của báo và các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube. Truyền hình trực tiếp trên các nền tảng số đã trở thành “đặc sản” mang thương hiệu cho Báo Tuyên Quang”, ông Hoà nói.
Chất lượng nguồn nhân lực và đa dạng hoá phương thức cung cấp nội dung
Nhìn nhận nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những thách thức lớn nhất trong tiến trình chuyển đổi số, nhà báo Mai Đức Thông – Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang cho biết, Báo Tuyên Quang còn thiếu kỹ sư trình độ cao về công nghệ thông tin để làm công tác quản trị mạng, quản trị dữ liệu, phát triển nền tảng số. Đôi khi trong một số trường hợp, các phóng viên, biên tập viên cảm thấy bất lực khi phải phụ thuộc vào kỹ thuật viên để giải quyết công việc; việc thay đổi từ hình thức làm việc offline sang làm việc online hoặc làm việc đa nền tảng đã khiến nhiều phóng viên, biên tập viên chưa theo kịp.
Báo Tuyên Quang mời các nhà báo giàu kinh nghiệm từ các trường đào tạo báo chí, từ VTV, VOV và TTXVN tập huấn cách làm phóng sự truyền hình, podcast, sản xuất video bằng thiết bị thông minh, làm các chương trình tọa đàm, thực hiện nội dung chuẩn SEO cho báo điện tử, đặc biệt là ứng dụng công nghệ AI vào sáng tạo tác phẩm, cách làm chương trình truyền hình trực tiếp trên nền tảng số.
“Sau mỗi nội dung tập huấn, BBT đều giao chỉ tiêu cụ thể cho phóng viên thực hiện, cùng bàn cách làm. Trong đó, đặc biệt chú trọng vai trò người đứng đầu của mỗi bộ phận”, Tổng biên tập Báo Quyên Quang nói. Cùng với đó, Báo đề nghị với tỉnh bổ sung trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng phát triển báo điện tử theo xu hướng đa phương tiện, đa nền tảng, ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
“Luôn lắng nghe, tìm hiểu thị hiếu và nhu cầu khán giả, từ đó hoạch định nội dung, bố trí chương trình phù hợp với yêu cầu của khán giả” là yếu tố quan trọng dẫn tới thành công mà ông Lê Thanh Tuấn – Giám đốc Đài PTTH Vĩnh Long nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, để thu được những kết quả ấn tượng đó, Đài luôn chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình, vừa đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan báo chí vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Ngoài các chương trình tự sản xuất, Đài Vĩnh Long đã phát huy hiệu quả của việc xã hội hóa, có cơ chế hợp tác linh hoạt, hiệu quả. Và khi chương trình thu hút được khán giả thì các doanh nghiệp sẽ vào để quảng bá sản phẩm.
“Chúng tôi xây dựng chính sách thu hút quảng cáo hợp lý nhằm giữ vững khách hàng truyền thống và khai thác khách hàng tiềm năng”, Giám đốc Lê Thanh Tuấn cho biết.
Giám đốc Đài PTTH Vĩnh Long nhấn mạnh đến yếu tố có vai trò rất quan trọng là đổi mới về công nghệ trong sản xuất chương trình, lưu trữ, tìm kiếm và phát sóng cũng như truyền tải đến người xem đa nền tảng, trong đó có giải pháp đa dạng hoá phương thức cung cấp nội dung, đưa nội dung các chương trình phát thanh, truyền hình của Đài lên các nền tảng số nhằm mở rộng thị phần khán giả trong nước và cho cả bà con kiều bào.
Hoà Giang
Nguồn: https://www.congluan.vn/bao-chi-dia-phuong-nam-bat-co-hoi-va-thay-doi-cuoc-choi-post309428.html