Khi các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, những người làm báo cũng ưu tư, trăn trở, đồng cảm, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phản ánh, đề xuất nguyện vọng, kiến nghị để tháo gỡ vướng mắc…
Quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội phức tạp là lý do khiến Dự án Lê Thành – Tân Kiên của Công ty Lê Thành bị “đứng hình” nhiều năm |
1.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành – doanh nghiệp chuyên phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM – không ít lần “khước từ” trả lời phỏng vấn của tôi về những vấn đề xoay quanh câu chuyện phát triển nhà ở xã hội, chủ đề rất “nóng” hiện nay. Không phải do ông Nghĩa kiệm lời, hay ngại xuất hiện trên báo chí, mà bởi, ông đã kiến nghị quá nhiều, nhưng tình hình vẫn chưa có nhiều tiến triển.
Theo quy định hiện hành, dự án nhà ở xã hội được ưu đãi tăng 1,5 lần về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất so với nhà ở thương mại. Song, không ít dự án nhà ở xã hội được chuyển từ dự án nhà ở thương mại, nên không phù hợp với quy hoạch. Muốn phù hợp để hưởng ưu đãi, thì phải điều chỉnh lại quy hoạch 1/2.000 và quy hoạch 1/500. Tuy nhiên, việc điều chỉnh quy hoạch vô cùng gian nan.
Chủ đầu tư muốn làm dự án nhà ở xã hội phải thực hiện các thủ tục liên quan tới xác định giá đất, tiền sử dụng đất, thuê đất để làm hồ sơ xin miễn các loại tiền này. Đây là điểm khiến nhiều chủ đầu tư gặp vướng mắc lâu nay, bởi thủ tục xin miễn tiền thuê, sử dụng đất thường kéo dài. Đó cũng là lý do khiến dự án của Công ty Lê Thành phải “đứng hình” suốt nhiều năm liền.
Thỉnh thoảng, trên đường đi làm, ngang qua dự án nhà ở xã hội tại huyện Bình Chánh mà Công ty Lê Thành đang xây dựng, nhìn cảnh công trường im lìm, kín cổng cao tường, tôi không khỏi xót xa.
Xót là bởi, Chính phủ đang thúc đẩy mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 – 2030, nhưng thiếu nguồn cung nhà ở xã hội vẫn là đề tài nóng mà các cơ quan báo chí khai thác, trong khi những dự án gặp vướng mắc chưa được tháo gỡ như dự án của Công ty Lê Thành thì nhiều vô kể.
Tham dự những phiên họp đối thoại giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương, chúng tôi cũng khấp khởi mừng thầm, vì dự án của doanh nghiệp với những vướng mắc cụ thể đã được lãnh đạo chính quyền “chỉ mặt, đặt tên”, hồi hộp chờ đợi giải quyết vướng mắc, rồi lại… bức xúc cùng doanh nghiệp, bởi sau bao nhiêu năm, dự án vẫn chưa có tiến triển.
Tất nhiên, báo chí và doanh nghiệp cũng thấy rõ sự nỗ lực và quyết tâm của chính quyền địa phương trong việc tháo gỡ dứt điểm những vướng mắc, nhưng cũng thật khó hiểu, khi hồ sơ ra đến cơ quan chuyên môn thì… lại tắc.
Những vướng mắc này liên tục được Báo Đầu tư và nhiều cơ quan báo chí khác đề cập, thông qua các bài phản ánh, phóng sự, bình luận… Nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm cũng đã được tổ chức để bàn giải pháp tháo gỡ. Điều đáng mừng là, những tiếng nói từ thực tiễn đã được các cơ quan bộ, ngành ghi nhận. Những vướng mắc liên quan đến đất đai, thị trường bất động sản, dự án nhà ở… dần được gỡ vướng thông qua việc ban hành các luật mới (Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở) và sắp tới là các nghị định hướng dẫn.
Mới đây, gặp lại ông Nghĩa tại một sự kiện về bất động sản, tôi vẫn phỏng vấn ông bằng một câu hỏi… cũ, nhưng lần này, ông rất phấn khởi khi những chính sách mới được ban hành đã giảm tải nhiều thủ tục cho doanh nghiệp. Ví dụ, Luật Nhà ở năm 2023 quy định, miễn các thủ tục xác định giá, tiền sử dụng và thuê đất ngay từ đầu. “Đó là điểm rất quan trọng, giúp gỡ vướng cho chủ đầu tư”, ông Nghĩa nói.
Phóng viên Báo Đầu tư (bên phải) tìm hiểu thông tin, lắng nghe đại diện doanh nghiệp địa ốc chia sẻ về những khó khăn và kiến nghị gỡ vướng cho dự án |
2.
Sau hai năm chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, kế tiếp là các đợt khủng hoảng về vốn, đến nay, thị trường bất động sản dần ấm lên theo những chuyển động chính sách từ Chính phủ, từ những quyết sách quyết liệt tại nghị trường. Chính phủ đã có những biện pháp cụ thể, kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp, từ chính sách thuế ưu đãi, đến các gói hỗ trợ tài chính và các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng.
Nhưng, sự thay đổi ở cơ sở vẫn còn chậm chạp. Có cơ chế, chính sách dù đã được thông qua, nhưng khi triển khai lại gặp không ít trở ngại. Có văn bản pháp luật vẫn khá “cồng kềnh”, thiếu tính thực tiễn, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường. Bởi vậy, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ rơi vào vòng luẩn luẩn: chờ gỡ vướng dự án cũ, tìm dự án mới để phát triển và lại tiếp tục kiến nghị gỡ vướng…
Luật Đất đai mới quy định, dự án không triển khai, hoặc chậm triển khai sẽ chịu cơ chế thu hồi mà không được bồi hoàn. Theo ông Lê Hữu Nghĩa, đây là quy định rất khắt khe để tránh tình trạng doanh nghiệp đầu cơ, nhưng cần có hướng dẫn thật rõ trong các nghị định, để doanh nghiệp không “chết oan”, vì có nhiều trường hợp bất khả kháng: doanh nghiệp không triển khai được dự án do chậm thủ tục liên quan đến cơ quan chức năng.
Trong những trường hợp như vậy, báo chí cần phải lên tiếng.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhấn mạnh, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay, báo chí không chỉ là kênh cung cấp thông tin, lan tỏa những góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp…, mà còn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hình và phát triển thị trường bất động sản.
“Thời gian qua, báo chí đã hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình xây dựng chính sách, là cầu nối các chủ thể hoạt động trong thị trường với Nhà nước”, ông Đính nhận xét.
Theo đó, báo chí là kênh phản ánh ý kiến và nguyện vọng của công chúng đối với cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực bất động sản, từ đó tác động đến việc hoạch định, điều chỉnh chính sách của Chính phủ. Bên cạnh đó, báo chí còn tổ chức, phối hợp tổ chức các hội thảo, hội nghị, diễn đàn thảo luận giữa các chuyên gia, nhà đầu tư và Chính phủ về vấn đề liên quan đến bất động sản, góp phần xây dựng thị trường lành mạnh, bền vững; đóng góp tích cực trong việc hoàn thiện, sửa đổi các bộ luật, văn bản dưới luật liên quan đến thị trường bất động sản.
3.
Doanh nghiệp, qua kênh báo chí, đã có cơ hội bày tỏ những nguyện vọng, mong muốn về một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Báo chí đã giúp những tiếng nói đó đến được với các nhà hoạch định chính sách, tạo nên những thay đổi tích cực.
Tất nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng chia sẻ câu chuyện của mình với công chúng. Thông thường, doanh nghiệp chia sẻ nhiều thông tin tại các cuộc họp, đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp, hay các cuộc hội thảo do cơ quan báo chí, hiệp hội ngành nghề tổ chức. Nhưng, “nhiều” chưa hẳn là “đủ”.
Trên thực tế, đâu đó vẫn xảy ra tình trạng nhũng nhiễu trong tác nghiệp của số ít phóng viên, nên không ít lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản có tâm lý e ngại, thậm chí dè chừng khi chia sẻ với phóng viên, vì sợ “lỡ miệng”. Họ e ngại rằng, việc chia sẻ thông tin có thể mang lại những rủi ro không đáng có, hoặc gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh doanh nghiệp…
Bản thân tôi trong quá trình tác nghiệp cũng không ít lần bị từ chối chia sẻ thông tin. Công bằng mà nói, chỉ khi đủ thân thiết và xây dựng được niềm tin đủ lớn, thì doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp mới sẵn sàng chia sẻ thông tin, thậm chí cả những câu chuyện “hậu trường”.
Cách đây không lâu, tôi rất vui và có chút bất ngờ khi đọc tin, tại nghị trường, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim dẫn thông tin đăng trên Báo Đầu tư để thể hiện sự bức xúc với những ách tắc trong khâu định giá đất, khiến không ít dự án ngưng trệ. Đó là bài báo với tiêu đề: “Thông báo 29 lần, TP.HCM vẫn chưa tìm được đơn vị định giá khu đất 4.400 m2” của tôi, đăng trên Báo Đầu tư.
Để có được thông tin cho bài báo này, mỗi ngày, tôi phải đọc hàng chục thư mời chào giá cạnh tranh do Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đăng tải. Trước đó, cơ quan này có một bản báo cáo nêu những vướng mắc và kiến nghị cơ chế tháo gỡ khó khăn cho hoạt động định giá đất. Việc đọc kỹ nội dung các thư mời chào giá cạnh tranh cũng là một cách để thẩm định những vấn đề mà cơ quan này nêu ra, đồng thời thể hiện trách nhiệm theo sát hơi thở thị trường của nhà báo.
Ngoài việc được đại biểu Quốc hội trích dẫn để nêu kiến nghị, thông tin từ bài báo của tôi sau đó đã được hàng loạt cơ quan báo chí sử dụng để viết bài phân tích, không chỉ đối với những vướng mắc trong quy định hiện hành, mà còn góp ý cho các bản dự thảo nghị định đang lấy ý kiến. Nói như ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, đây là thời điểm “chạy nước rút” để hoàn thiện chính sách, nên trách nhiệm góp ý là trách nhiệm của toàn dân, để hướng đến một thị trường bất động sản phát triền lành mạnh, bền vững.
Nguồn: https://baodautu.vn/batdongsan/bao-chi-dan-than-cung-thi-truong-doanh-nghiep-bat-dong-san-d218153.html