Quan tâm tới báo chí cách mạng chính là sự quan tâm tới sự nghiệp cách mạng. Bởi vì sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Mà báo chí là cầu nối giữa Đảng và quần chúng. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta luôn có sự quan tâm đặc biệt tới báo chí cách mạng.
Báo chí cách mạng ra đời năm 1925 thì 5 năm sau Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, 20 năm sau cách mạng thành công. Điều đó nói lên tầm quan trọng và tính đi trước của công tác thông tin tuyên truyền-một bộ phận của công tác tư tưởng. Báo chí cách mạng cách mạng ở chỗ tiên phong.
Chỉ thị số 7/CT-TTg ngày 21-3-2023 của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, truyền thông chính sách là một chức năng của chính quyền các cấp và vì vậy, chính quyền các cấp phải tổ chức bộ máy và bố trí ngân sách thường xuyên để làm công tác truyền thông, đặt hàng các cơ quan báo chí. Trước đây, chúng ta coi công tác truyền thông là việc của báo chí, trong khi báo chí chỉ là một trong các phương tiện truyền thông. Thay đổi nhận thức này về làm công tác truyền thông có ý nghĩa rất quan trọng, sẽ làm thay đổi căn bản công tác truyền thông chính sách của chính quyền các cấp. Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đang sửa các văn bản pháp luật liên quan để hoàn thiện cơ chế đặt hàng báo chí, nhất là các nghị định, thông tư về nhuận bút, về định mức kinh tế-kỹ thuật, sao cho phù hợp với thị trường. Các cơ quan báo chí hãy cùng làm với Bộ TT-TT, chỉ có như vậy thì mới sát với cuộc sống.
Các đại biểu tham quan gian trưng bày Khối Báo chí Quân đội tại Hội Báo toàn quốc 2023. Ảnh: TRUNG VIỆT |
Báo chí của chúng ta gần trăm năm nay tập trung vào làm nội dung, tập trung vào cây bút, trang giấy mà ít khi phải lo đến vấn đề công nghệ. Nhưng công nghệ số đã trở thành lực lượng sản xuất cơ bản của hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là báo chí. Công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên, mạnh mẽ nhất và sâu rộng nhất là tới lĩnh vực báo chí, truyền thông. Việc sử dụng công nghệ số để làm báo đã trở thành vấn đề sống còn của báo chí.
Ngày 6-5-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Chuyển đổi số báo chí. Để thực thi chiến lược này, Bộ TT-TT đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí, trực thuộc Cục Báo chí. Có khó khăn gì, cần hỗ trợ gì, các cơ quan báo chí hãy liên hệ với trung tâm này. Bộ TT-TT đã, đang và sẽ huy động các doanh nghiệp viễn thông, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hỗ trợ một cách toàn diện, cả về hạ tầng, nền tảng công nghệ và nhân lực công nghệ thông tin. Bộ TT-TT cũng sẽ chủ trì xây dựng một số nền tảng số dùng chung cho các cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan báo chí nhỏ, hạn chế về các nguồn lực. Cơ quan báo chí lớn thì có thể đầu tư, phát triển công nghệ, cơ quan báo chí nhỏ thì nên thuê dịch vụ.
Trước đây, báo chí của chúng ta độc quyền về cả nội dung và kênh phân phối. Nhưng với sự xuất hiện của truyền thông xã hội thì không như vậy nữa. Một cá nhân trên mạng xã hội có thể ảnh hưởng lớn như một tờ báo. Thông tin đến với người dân qua rất nhiều nền tảng số khác nhau, có thể là trang web, có thể là mạng xã hội. Vậy báo chí sẽ phải làm gì? Báo chí cách mạng phải trở thành dòng chủ lưu trên không gian mạng, dẫn dắt thông tin trên không gian mạng. Dòng chủ lưu không phải là nhiều bài viết hơn mà là cần những bài viết có giá trị cao để dẫn dắt thông tin. 5% tin, bài của báo chí cách mạng phải dẫn dắt được 95% còn lại. Mỗi cơ quan báo chí phải trở thành nền tảng để người dân tham gia viết, sáng tạo nội dung. Làm chủ nền tảng là làm chủ dòng chính.
Phóng viên Báo Quân đội nhân dân tác nghiệp tại sự kiện động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: ANH MINH |
Trước đây, với báo chí, chúng ta tập trung đầu tư vào con người thì nay phải thêm đầu tư vào công cụ. Công cụ trước đây là cây bút, trang giấy thì nay là công nghệ, là nền tảng số. Trước đây đầu tư vào hạ tầng truyền dẫn phát sóng thì nay phải đầu tư vào nền tảng số. Do đó, các cơ quan báo chí muốn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình cần được quan tâm đầu tư nói chung, trong đó đặc biệt quan trọng là đầu tư vào nền tảng công nghệ. Không có vũ khí thì không thể chiến đấu. Muốn báo chí mạnh thì phải đầu tư vào công nghệ cho báo chí.
Chuyển đổi số không chỉ là về công nghệ mà quan trọng nhất là thay đổi mô hình hoạt động. Bộ TT-TT đang làm việc với các cơ quan báo chí để đề xuất Chính phủ mô hình, cơ chế quản lý và hoạt động của cơ quan báo chí trong môi trường số, trong một hệ sinh thái mới.
Báo chí cách mạng thì cách mạng phải nuôi. Hiện nay, hằng năm, chi thường xuyên cho báo chí thông qua giao nhiệm vụ và đặt hàng là dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách nhà nước. Chi đầu tư cho báo chí cũng thấp, chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách nhà nước. Đặc biệt, một số cơ quan báo chí lớn lại không có hoặc có rất ít sự hỗ trợ hay đặt hàng từ ngân sách. Quan tâm tới báo chí cách mạng nước nhà thì phải cả về định hướng chính trị, con người và kinh tế báo chí. Bộ TT-TT đang tham mưu để Chính phủ chỉ đạo chính quyền các cấp tăng thêm 30% ngân sách đặt hàng báo chí, tăng từ dưới 0,5% lên ít nhất 0,65% chi ngân sách thường xuyên. Bộ TT-TT rất mong chính quyền các cấp coi truyền thông là việc của mình, là một chức năng của chính quyền, tổ chức bộ phận chuyên trách về truyền thông, bố trí ngân sách hằng năm cho công tác truyền thông để đặt hàng báo chí.
Nhân 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 / 21-6-2023), Bộ TT-TT xin chúc các cơ quan báo chí, các nhà báo, những người làm báo cả nước phát huy tinh thần báo chí cách mạng, giữ được những giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng, có tinh thần phụng sự, đổi mới nhiều hơn, nhất là đổi mới về công nghệ. Chúc các nhà báo sống được bằng nghề, tự hào về nghề báo và được xã hội tôn trọng.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/bao-chi-cach-mang-cach-mang-o-tinh-tien-phong-731324