Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhất trí về phạm vi sửa đổi luật, nhấn mạnh việc sửa đổi luật cần xem xét về tổng thể, đánh giá toàn diện những tồn tại, hạn chế để khắc phục các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện đầu tư công, nhằm phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công.
Sáng 29/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật này.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình dự án Luật |
Nhất trí về phạm vi sửa đổi và một số nội dung cụ thể
Theo Báo cáo thẩm tra, sau gần 5 năm thực hiện, Luật Đầu tư công năm 2019 đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, vướng mắc, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí về sự cần thiết nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật.
Chính phủ trình dự thảo Luật sửa đổi với nhiều nội dung quan trọng, bao gồm 5 nhóm vấn đề lớn, nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư; thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; đơn giản hóa trình tự, thủ tục và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí về phạm vi sửa đổi luật nhằm phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Tuy nhiên, số lượng các điều/khoản luật thay đổi nhiều, phạm vi sửa đổi lớn; nhiều nội dung thể chế hóa các cơ chế, chính sách đặc thù mới được thí điểm, triển khai thực hiện trong thời gian ngắn; đòi hỏi phải đánh giá kỹ về tác động chính sách và nghiên cứu, rà soát thận trọng để bảo đảm việc ban hành luật phù hợp với yêu cầu của thực tế.
Về một số nội dung cụ thể, liên quan đến phân cấp thẩm quyền quyết định việc phân bổ dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương, dự thảo Luật quy định theo hướng: Trên cơ sở đánh giá giữa kỳ về tình hình triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Quốc hội cho ý kiến việc sử dụng dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTW. Căn cứ quyết định tổng thể của Quốc hội, giao thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc phân bổ cho các nhiệm vụ, dự án khi bảo đảm nguồn vốn, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Quy định này bảo đảm thẩm quyền Quốc hội xem xét, quyết định đối với nguồn lực dự phòng chung, đồng thời, bảo đảm tính linh hoạt khi giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định phương án phân bổ cụ thể khi có nguồn lực bảo đảm. Vì vậy, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với dự thảo Luật.
Dự thảo Luật bổ sung quy định đối với số vốn còn lại chưa phân bổ (nếu có) của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTW, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với đề xuất của Chính phủ vì quy định này bảo đảm tính linh hoạt.
Về quy định danh mục dự án Chính phủ báo cáo Quốc hội để ban hành kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm là danh mục dự kiến, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với đề xuất sửa đổi của Chính phủ theo hướng quy định danh mục về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm báo cáo Quốc hội chỉ là danh mục dự kiến, việc điều chỉnh hoặc bổ sung danh mục dự án mới không làm thay đổi tổng mức vốn trung hạn đã được phân bổ cho các bộ, ngành và địa phương, giao Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh danh mục này để đáp ứng yêu cầu thực tế, tăng tính chủ động trong quá trình triển khai.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra |
Một số nội dung cần quy định chi tiết, chặt chẽ
Về việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách thống nhất với đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị quy định chặt chẽ tại các điều, khoản để đảm bảo công tác đền bù, tái định cư gắn với đầu tư hoàn thành dự án, không để hoang phí và tổng thời gian bố trí vốn thực hiện 02 dự án thành phần độc lập để hoàn thành các chương trình, dự án không được vượt quá quy định về thời gian thực hiện dự án.
Về quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ giao một UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng cần thiết và phù hợp. Tuy nhiên, các nội dung này mới được triển khai thực hiện trong thời gian ngắn, áp dụng cho một số công trình, dự án cụ thể, do vậy cần có báo cáo bổ sung, đánh giá kỹ tác động của chính sách để đại biểu Quốc hội, Quốc hội xem xét quyết định. Đồng thời, đề nghị quy định cụ thể trong dự thảo Luật về tiêu chí, điều kiện để lựa chọn địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án và quy định về trách nhiệm của các địa phương trong công tác đền bù, tái định cư của dự án.
Về phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc phân cấp cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý là thay đổi lớn. Hơn nữa, việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án là vấn đề quan trọng của địa phương, nên Luật Đầu tư công hiện hành giao HĐND quyết định chủ trương đầu tư dự án, UBND cùng cấp quyết định đầu tư dự án là một biện pháp để kiểm soát quyền lực, hạn chế việc lạm quyền. Vì vậy, đa số ý kiến đề nghị đối với dự án nhóm A do HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, phân cấp UBND các cấp quyết định đầu tư dự án nhóm B, C. Bên cạnh đó, đối với cấp huyện, cần bổ sung giao cho HĐND cấp huyện quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, phân cấp UBND cấp huyện quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm C.
Về bố trí vốn ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với đề xuất của Chính phủ. Để bảo đảm cơ sở áp dụng trong xây dựng chính sách tín dụng ưu đãi của địa phương nhằm bảo toàn vốn, tránh thất thoát, đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, tiêu chí, nguyên tắc bố trí vốn, về bảo toàn vốn ủy thác cho vay, thu hồi nợ, cơ chế cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý cho cơ quan được ủy thác.
Về phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giữa các bộ, ngành, địa phương được phân cấp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội như quy định của Luật hiện hành là phù hợp với chức năng của cơ quan dân cử.
Về nâng quy mô vốn đầu tư công, Chính phủ đề xuất điều chỉnh về tiêu chí mức vốn để xác định dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A, B, C. Trong đó, tiêu chí vốn để xác định dự án quan trọng quốc gia tăng 03 lần; Tiêu chí vốn đối với các dự án nhóm A, B, C tăng 02 lần so với quy định hiện hành.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án (thực chất là đẩy mạnh phân cấp) là cần thiết. Song việc điều chỉnh cần được tính toán theo một tỷ lệ thống nhất giữa các loại dự án. Đề nghị xem xét thêm mức tăng quy mô vốn của các nhóm dự án so với quy định hiện hành để phù hợp với mức tăng trưởng GDP, năng lực quản lý dự án của các bộ, ngành, địa phương và chỉ số giá xây dựng quốc gia đã được ban hành qua các năm.
Về vốn ODA, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc nghiên cứu, quy định rõ trình tự, thủ tục trong xây dựng, thực hiện kế hoạch ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, phù hợp với tính chất, đặc thù của nguồn vốn này là cần thiết, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh việc thực hiện giải ngân kế hoạch vốn. Tuy nhiên, về các nội dung sửa đổi cụ thể, cần rà soát để quy định phù hợp và bảo đảm tính thống nhất về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công tại Luật này và quản lý, sử dụng nợ công theo quy định tại Luật Quản lý nợ công năm 2017.
Về quy định hạn mức 20% đối với các dự án qua hai kỳ trung hạn, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí giữ quy định về hạn mức 20% đối với các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo khả năng cân đối nguồn lực cho giai đoạn sau; nhất trí áp dụng theo từng nguồn vốn ngân sách trung ương/ngân sách địa phương. Đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia và dự án quan trọng quốc gia, nhất trí thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, cần quy định rõ trong Luật về việc quyết định các dự án lớn phải đánh giá kỹ lưỡng về khả năng cân đối vốn, tác động đến nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia và khả năng trả nợ.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/bao-cao-tham-tra-du-an-luat-dau-tu-cong-sua-doi-157206.html