Tại buổi báo cáo dự án liên môn “Dấu ấn rồng bay”, ngay khi đến phần biểu diễn thời trang, sân Trường THPT Lê Quý Đôn đã rộn ràng những tiếng reo hò, cổ vũ của học sinh, phụ huynh, giáo viên.
Em Anh Thư – một học sinh lớp 12 của trường – nói rằng:
“Em thấy các em thực hiện bộ trang phục quá đẹp mắt, dù bằng vật liệu tái chế. Các em rất thần thái khi biểu diễn thời trang và khiến em cảm thấy thực sự bị hút vào như đang xem biểu diễn thời trang ở một sân khấu chuyên nghiệp”.
Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn, nhận xét ngoài việc các em mang đến những sản phẩm thời trang độc đáo, thầy còn bị ấn tượng bởi các video có chiều sâu mà học sinh đã thực hiện. “Đó là những thước phim có chất liệu học tập quý giá” – thầy Du nhận xét.
Cô Bùi Minh Tâm, hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM, cho biết buổi trình diễn thời trang tái chế thân thiện môi trường của học sinh khối 11 Trường THPT Lê Quý Đôn diễn ra trong lễ báo cáo dự án liên môn toán, văn, hóa, sinh, địa lý, lịch sử, ngoại ngữ có tên “Dấu ấn rồng bay”.
Đây là các sản phẩm lấy cảm hứng từ các hoạt động học tập tìm hiểu về vùng đất Hà Nội – Ninh Bình – Quảng Ninh trong chuyến tham quan vài ngày ở miền Bắc và tìm hiểu về di sản văn hóa ở vùng đất này.
Vì thế, bên cạnh trình diễn trang phục, các lớp tham gia phải tự chọn nhạc, đạo diễn và tạo video thuyết trình về bộ trang phục liên quan về vùng đất nói trên và những vấn đề đang thực hiện trong dự án học tập Dấu ấn rồng bay.
Trình diễn thời trang là 1 trong 500 sản phẩm của dự án
Dự án Dấu ấn rồng bay của Trường THPT Lê Quý Đôn bắt đầu bằng việc học sinh tham quan vùng đất Hà Nội – Ninh Bình – Quảng Ninh, sau đó các em thực hiện các sản phẩm theo chỉ dấu tìm dấu ấn rồng.
Dự án có 1.000 học sinh tham gia, 50 giáo viên hướng dẫn và làm ra 500 sản phẩm.
Đây là dự án liên môn đầu tiên giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Các sản phẩm thời trang và việc học sinh trình diễn thời trang là một trong số những sản phẩm của dự án.