21/06/2023 06:05
Trong bối cảnh tiếng nói, chữ viết của đồng bào các DTTS trong cả nước nói chung, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh nói riêng có nguy cơ bị mai một, đồng bào DTTS hoặc ít sử dụng ngôn ngữ dân tộc mình, rồi pha trộn, lai tạp giữa các ngôn ngữ hoặc biết nói nhưng không biết đọc, biết viết thì việc Báo ảnh Kon Tum (ấn phẩm dành cho đồng bào DTTS) tăng kỳ xuất bản, tăng ngôn ngữ được xem là một giải pháp quan trọng góp phần bảo tồn, gìn giữ chữ viết – bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh.
Kon Tum có 43 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 7 DTTS tại chỗ và đồng bào DTTS chiếm 54% dân số toàn tỉnh. Với nhiều dân tộc cùng quần cư sinh sống đã tạo nên sự phong phú về văn hóa nói chung và sự đa dạng về tiếng nói, chữ viết nói riêng.
Dễ dàng nhận thấy cùng với các yếu tố khác như trang phục, lễ hội, ẩm thực…, tiếng nói và chữ viết là một trong những yếu tố tạo nên bản sắc văn hóa mỗi dân tộc, là cơ sở để nhận ra sự khác biệt giữa dân tộc này và dân tộc khác. Tuy nhiên, trong giai đoạn hội nhập với sự phát triển của internet và sự giao lưu văn hóa mạnh mẽ giữa các dân tộc như hiện nay, không ít người- đặc biệt là thanh thiếu niên người DTTS dần ít sử dụng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình, rồi tình trạng sử dụng pha trộn giữa các ngôn ngữ, hay nói được nhưng lại không biết viết, không biết đọc (mặc dù dân tộc có chữ viết). Và tất nhiên khi mà tiếng nói, chữ viết ít được sử dụng làm phương tiện giao tiếp trong cuộc sống thì lâu dần sẽ bị thu hẹp, suy yếu, thậm chí bị mai một.
|
Như đã nói tiếng nói, chữ viết là yếu tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Bởi vậy, bảo tồn, gìn giữ, phát huy tiếng nói, chữ viết của các DTTS trên địa bàn tỉnh là vấn đề cấp thiết, không chỉ từ mỗi người DTTS nỗ lực trau dồi, gìn giữ tiếng “mẹ đẻ” mà rất cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội.
Trong nỗ lực chung của các cấp, các ngành và toàn xã hội để gìn giữ, bảo tồn chữ viết của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh phải kể đến vai trò của Báo Kon Tum với ấn phẩm Báo ảnh Kon Tum dành cho đồng bào DTTS. Nếu như từ tháng 1/2023 trở về trước, ấn phẩm Báo ảnh Kon Tum dành cho đồng bào DTTS xuất bản 3 kỳ/tháng với 3 ngôn ngữ (tiếng Việt, Ba Na, Xơ Đăng) thì từ tháng 2/2023 đến nay, được sự thống nhất, quan tâm, tạo điều kiện của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đã tăng kỳ xuất bản lên mỗi tuần một số với 5 ngôn ngữ (tiếng Việt, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Giẻ Triêng).
Là ấn phẩm dành cho đồng bào DTTS nên trên cơ sở thông tin tiếng Việt (ngôn ngữ sử dụng chung trong cả nước) đã được đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Kon Tum chọn lọc, biên tập, đội ngũ biên dịch viên (Phòng các thứ tiếng dân tộc, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh) biên dịch ra thành 4 thứ tiếng (Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Giẻ Triêng). Và sau khi các thông tin được biên dịch ra các thứ tiếng theo tiêu chí sát nghĩa, hạn chế sử dụng từ vay mượn, đội ngũ cán bộ, biên tập viên, kỹ thuật viên Báo Kon Tum lại bắt tay thực hiện các khâu như dàn trang, chấm morat để kịp thời xuất bản, phát hành vào thứ 6 hằng tuần. Chưa bàn đến nội dung, hình thức, với thực trạng lớp trẻ người DTTS dần ít sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình trong giao tiếp, sử dụng pha trộn, lai tạp các ngôn ngữ khác nhau, hay nói được nhưng không đọc được và không viết được thì ấn phẩm Báo ảnh Kon Tum gồm 5 thứ tiếng không chỉ là một kênh cung cấp thông tin hữu ích có tác dụng tuyên truyền, giáo dục, định hướng mà còn góp phần bảo tồn, gìn giữ chữ viết của các DTTS trên địa bàn tỉnh.
Thực tế cho thấy gìn giữ, bảo tồn ngôn ngữ (tiếng nói, chữ viết) của các DTTS trên địa bàn tỉnh rất cần được chú trọng như một hình thức bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, những nét đặc sắc của mỗi cộng đồng dân tộc trong tư duy, suy nghĩ được biểu biện qua tiếng nói, chữ viết. Bởi vậy, cùng với chương trình dạy tiếng DTTS trong các trường học, dạy tiếng DTTS cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, các chương trình phát thanh, truyền hình bằng các thứ tiếng dân tộc thiểu số của Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, các tác phẩm văn học nghệ thuật (truyện cổ, ca dao, sử thi) được biên dịch ra các thứ tiếng, ấn phẩm Báo ảnh dành cho đồng bào DTTS của Báo Kon Tum có thể xem là “bộ tài liệu” để đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh truyền tay nhau đọc, học và trau dồi vốn chữ viết mẹ đẻ của mình, góp phần gìn giữ, bảo tồn ngôn ngữ (tập trung là chữ viết) của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Nguyên Phúc