Bố mẹ tôi là người Hà Nội, nhưng tôi được sinh ra và lớn lên tại TP.HCM. Ra Hà Nội vào tháng cuối năm, những ngày trời đông giá rét thì tuyệt biết chừng nào!
Hàng nào cũng vậy, mỗi hàng dường như đều có vị ngon riêng của món bánh trôi Tàu. Đứng nhìn cô chủ hai má đỏ hồng hồng luôn tay ngắt bột viên bánh từ chậu bột nếp dẻo quẹo, khay đậu xanh được nắm sẵn từng nắm nhỏ xếp đều cạnh những viên vừng đen giã dẻo thì chẳng muốn cất bước.
Nắm bột nếp được dàn mỏng trong lòng bàn tay xinh xắn, một viên đậu xanh đặt vào giữa rồi nắm lại cho liền. Gọi là viên bánh trôi nhưng không phải vo tròn đều như trong Nam, mà họ làm dèn dẹt, dài chút cho dễ ăn, dễ xắn.
Cô chủ luôn tay viên bánh, thả bánh vào nồi nước đang sôi, chốc chốc lại lấy muôi vớt những chiếc bánh đã chín nổi lên trên để thả sang nồi nước đường vàng sánh nóng hừng hực và thơm nức mùi gừng cạnh bên… Đơn giản có thế, nhưng không phải dễ làm cho ngon, dẻo đâu!
Nếp phải là nếp Bắc chính hiệu mới dẻo. Nếp vo sạch, ngâm qua một đêm. Sáng sớm đem xay hai lượt rồi cho vào bao vải buộc chặt, để ráo. Chiều tầm hai ba giờ xem bột ráo là được, khô quá bánh sẽ cứng. Tuyệt đối không làm bằng bột nếp trong túi mua sẵn ở chợ. Đậu xanh cũng ngâm kỹ, đãi vỏ, nấu mềm, nhân mới thơm ngon.
Thật thế, chiều đông rét mướt, được bát bánh trôi Tàu với nước đường gừng nóng ngọt vừa phải thì thú vị biết chừng nào. Một chén như vậy có hai chiếc bánh, một chiếc nhân đậu xanh, một chiếc nhân vừng đen. Cầm chiếc thìa con, xắn nhẹ chiếc bánh nóng dẻo, thêm chút nước đường gừng vào đầu thìa rồi nhẹ nhàng đưa vào miệng… Sự dẻo của lớp bột nếp quyện với nhân đậu xanh nấu khéo, tán nhuyễn làm người ta như đê mê… Lại xắn qua chiếc bánh nhân vừng đen thơm dẻo kia nữa thì quên mất cả Sài Gòn!… Ăn chén thứ nhất còn thòm thèm lại xin thêm chén thứ hai rồi mới muốn đứng lên đi dạo tiếp. Lúc ấy đã ấm lòng lắm!
|
Nguồn: https://thanhnien.vn/banh-troi-tau-pho-co-ha-noi-1851082573.htm