(NLĐO)- Được làm từ bột gạo tẻ cùng hành khô, mộc nhĩ, thịt heo xay, bọc trong lá chuối xanh, bánh răng bừa – một món ăn dân dã từng là sản vật dùng để tiến vua ở vùng đất cổ Lam Kinh của xứ Thanh – rất được ưa chuộng dịp Tết.
Bánh răng bừa, mới nghe cái tên đã thấy tò mò. Cũng chẳng biết nó có từ bao giờ, nhưng với người dân nông thôn Thanh Hóa thì chiếc bánh này gắn liền với cuộc sống bình dị của họ từ thời xa xưa.
Bánh răng bừa, món ăn dân dã của xứ Thanh
Ngày nay, nếu có dịp về Thanh Hóa vào những ngày lễ, cưới xin, hay những ngày Tết, mọi người thường thấy bánh răng bừa có trong các bữa ăn. Tuy nhiên, loại bánh này được làm ngon nhất, biết tới nhiều nhất ở vùng đất Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Theo người dân, chiếc bánh ra đời gắn liền với sự kiện vua Lê Đại Hành xuống đồng cày ruộng trong những ngày đầu năm mới.
Người dân nơi đây đã chắt lọc những hạt gạo ngon nhất để làm nên những chiếc bánh với hương vị riêng để dâng lên các vị vua. Chiếc bánh có hình răng bừa gắn liền với một công cụ lao động của người dân xứ Thanh thời xưa, đây cũng là hình tượng từ những thành quả lao động cần cù của họ.
Làm bánh răng bừa tại Cơ sở của bà Hoàng Thị Ngà
Bánh răng bừa là loại bánh truyền thống thường được làm vào ngày rằm, ngày giỗ, ngày Tết Nguyên đán hay những khi nhà có công việc. Ngày nay, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều làm bánh răng bừa và được làm quanh năm để phục vụ ngày lễ, Tết, phục vụ du khách khi về với xứ Thanh.
Bà Hoàng Thị Ngà, chủ một cơ sở bánh răng bừa ở thị trấn Quảng Xương (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa), cho biết cơ sở của bà mỗi năm cho ra lò hàng vạn chiếc bánh răng bừa. Tuy nhiên, tháng nhiều đơn đặt hàng nhất thường rơi vào thời điểm cưới xin hay những ngày cận Tết. “Thường ngày cơ sở làm bánh phục vụ các trường học, nhà hàng và đám cưới, còn những ngày cận Tết, nhu cầu của người dân tăng cao hơn”- bà Ngà cho hay.
Bánh sau khi gói xong sẽ được đem đi luộc hoặc hấp cho tới lúc chín
Theo bà Ngà, để làm những chiếc bánh thơm ngon, người làm rất vất vả từ khâu chuẩn bị đến khi hình thành những chiếc bánh. “Gạo để làm bánh phải là gạo tẻ, dẻo và ngon nhất. Gạo phải ngâm trong nước lạnh khoảng 2-3 giờ rồi đem xay thành bột. Sau đó, bột được đặt lên bếp nấu, dùng tay khuấy liên tục sao cho bột không bị vón cục, không quá chín. Đến khi nồi bột gạo đặc sền sệt thì bắc ra ngoài để bắt đầu gói bánh”- bà Ngà chia sẻ.
Sau công đoạn làm bột, tiếp đó người làm bánh sẽ gói bánh, thường lá gói bánh là lá chuối tươi cắt ở vườn nhà hoặc lá dong rừng, rửa sạch đã được hơ qua lửa nhằm tăng độ dẻo cho lá và khỏi rách. Nhân bánh lá răng bừa gồm hành khô, thịt ba chỉ băm (hoặc xay) nhỏ, mộc nhĩ trộn với hạt tiêu, muối.
Món ăn dân dã đậm hồn quê
Bánh gói xong, công đoạn cuối cùng là cho bánh lên nồi rồi đổ nước đun sôi luộc cho tới khi chín bánh. Bánh răng bừa ăn ngon miệng nhất là khi đang còn nóng, ăn vào những ngày đông giá rét. Bánh nóng sẽ dậy mùi thơm của hành mỡ, mềm ngon, vừa miệng và nước chấm không thể thiếu là nước mắm cốt.
Ngày Tết, khi người dân thường đi lại thăm hỏi, chúc Tết việc uống nhiều bia rượu, ăn các thực phẩm nhiều chất đạm thì việc trong mâm cơm có thêm những chiếc bánh răng bừa sẽ giúp bữa ăn thêm hấp dẫn, mâm cơm sẽ bớt ngán.