Đây là món được chuộng để ăn nhẹ, ăn xế hoặc làm món quà vặt cho du khách mua về ăn trong ngày.
Bánh quai vạc Phan Thiết thường gắn với hình ảnh các cô, các dì bán dạo, nhiều nhất là ở các bãi biển hay khu vực Đồi Cát Mũi Né. Bánh được cho sẵn vào hộp chất đầy hai bên quang gánh hàng rong.
Món bánh bình dân này cũng dễ được tìm thấy ở các khu chợ hoặc hàng quán địa phương.
Có lúc bánh quai vạc Phan Thiết cũng xuất hiện tại buffet sáng của các nhà hàng, khách sạn để du khách có thể trải nghiệm được hương vị địa phương.
Tại Phan Thiết, mỗi phần bánh quai vạc thường có giá trên dưới 25.000 đồng.
Còn ở TP.HCM, nhiều hội, nhóm chợ online cũng rao bán món đặc sản Phan Thiết này. Bánh thường được bán theo ký, có giá khoảng 150.000 đến 190.000 đồng/ký.
Bánh quai vạc Phan Thiết: đa tầng hương vị
Bánh quai vạc Phan Thiết là loại bánh lọc trần, mỗi cái hình bán nguyệt nhỏ chừng đầu ngón tay cái, nổi bật với lớp nhân tôm màu đỏ bắt mắt có thể nhìn thấu từ lớp vỏ trong suốt bọc ngoài.
Món bánh có màu sắc bắt mắt, thường được xếp chồng từng lớp đầy ụ bày bán trên mâm, phủ thêm lớp hành lá xắt nhỏ xanh mát, hành phi nâu giòn, điểm xuyết bên hũ mắm ớt nấu kẹo.
Vỏ bánh được làm từ bột năng nhồi cùng nước sôi cho dẻo và đạt độ chắc nhất định, rồi nặn thành từng chiếc vỏ bánh nhỏ gói vừa vặn phần nhân tôm thịt rim gia vị vừa ăn ở bên trong.
Tùy theo người làm mà con tôm nhỏ trong bánh có thể còn vỏ hay bỏ vỏ.
Bánh sau khi nặn xong sẽ được cho vào nồi nước sôi để luộc (thường cho thêm chút dầu cho đỡ dính) đến khi phần vỏ chín trong lại, đạt độ dai và trong suốt đặc trưng.
Miếng bánh dai sật lớp vỏ, đậm vị phần nhân, thêm thật nhiều hành phi, và đặc biệt nước mắm ăn kèm được xem là “hồn cốt” không thể thiếu của món ăn.
Nước mắm ăn kèm bánh quai vạc Phan Thiết là mắm ớt nấu kẹo hơi sền sệt. Những người không thích ăn ngọt có thể “dội” với loại nước mắm này bởi nó có vị khá ngọt.
Tuy nhiên, khi họ đã vượt qua được “thử thách” này, thì một muỗng bánh đầy ụ phủ hành phi lại đẫm nước mắm chua ngọt sẽ là một đãi ngộ vị giác bất ngờ, miếng đầu tiên trôi tuột xuống họng rồi chỉ muốn ăn tiếp miếng thứ hai.
Hành phi cũng là thành phần quan trọng không kém giúp làm nên hương vị độc đáo của bánh quai vạc Phan Thiết. Hành phi nhất định phải tươi, mới, ráo dầu, ăn vừa giòn vừa thơm, chứ lỡ ăn trúng hành cũ, ỉu, thì món ăn dở hơn bội phần.
Sự đa tầng hương vị ấy khiến bánh quai vạc Phan Thiết trở thành một món ngon khó cưỡng, khiến người ta ăn xong cứ nhớ hoài miếng bánh dai dai càng nhai càng ghiền.
Lần tới nếu đến Mũi Né, Phan Thiết, hãy chắc rằng bánh quai vạc nằm trong danh sách những món địa phương bạn sẽ không bỏ lỡ, bên cạnh mì quảng Phan Thiết, “bún bò dơ”, bánh flan Mộng Cầm, răng mực, gỏi cá mai, bánh tráng mắm ruốc, bánh căn, bánh xèo…
Nguồn: https://tuoitre.vn/banh-quai-vac-phan-thiet-cang-nhai-cang-ghien-20240905161827835.htm