Điểm khác biệt của bánh canh tôm Quy Nhơn so với các vùng miền khác chính là nước dùng. Nồi nước lèo có đủ độ ngọt của xương hầm nhưng phải trong, không được có màu đục hoặc thêm bất cứ nguyên liệu nào như trứng, gạch cua… Sự trong trẻo mà không bị nhạt nhẽo này đã ghi điểm đặc biệt trong lòng thực khách gần xa.
Bánh canh tôm Quy Nhơn |
TÂM NGỌC |
Phần bột bánh có hai lựa chọn là gạo hoặc mì. Bánh không được nấu sẵn mà ăn lúc nào trụng bột lúc ấy. Sự tươi mới còn ở phần tôm nấu riêng. Tôm lột vỏ, giã nhuyễn, trộn ít gia vị hành tiêu, ớt rồi vo thành cục tròn nhỏ. Nước dùng được múc ra xoong nhỏ, nấu sôi lên, thả tôm vào rồi mới đổ ngay ra tô để giữ được vị tươi ngọt nhất của tất cả các nguyên liệu.
Người ta dễ phải lòng một tô bánh canh giản đơn như vậy từ cái nhìn trong trẻo, sau đó là mùi thơm hấp dẫn mời gọi. Mùi vị đó dễ khiến thực khách hồi tưởng về một ký ức đầm nước lợ chưa xa. Đó là những ngày Quy Nhơn còn nhiều rớ từ đầm đến biển. Ngư dân xóm chài thường giăng rớ vào chiều tối hôm trước và sáng sớm hôm sau họ chèo ghe ra thăm rớ để thu về mớ tôm mớ cá.
Đó là tiếng gõ mái chèo để dẫn dụ cá tôm. Là nhịp điệu cuộc sống vốn bình yên và thư thả. Chưa xa lắm, người ta vẫn nhớ những đầm nước lợ có hàng đước cắm rễ ngạo nghễ xuống bùn nước thẳng tắp. Chưa lâu lắm, người ta vẫn còn lưu luyến những đàn chim kéo về đầm kiếm ăn. Một phần lớn đầm nước lợ bây giờ đã thành các khu đô thị với những tòa nhà sầm uất. Nhưng thôi, bánh canh đã được dọn ra rồi, cứ vậy mà ăn đi.
Để tăng thêm phần phong phú, tô bánh canh tôm sẽ được bỏ thêm một ít chả cá chiên, cũng là một đặc sản địa phương nổi tiếng của Quy Nhơn. Khi mọi thứ trong một tô bánh canh được tính toán vừa vặn, hài hòa như vậy thì nó đủ sức thuyết phục thực khách ăn rồi, ăn nữa. Một chút bột bánh, một chút tôm, một chút chả và phần nước lèo gần đầy tô, thêm hành lá cắt nhỏ, rắc một ít tiêu… cứ vậy mà thưởng thức, mà tha hồ thương nhớ những ngày xưa.