Việc bà Sheikh Hasina, con gái của nhà lập quốc Bangladesh phải từ chức, vội vã bay sang lánh nạn tại Ấn Độ sau 15 năm làm Thủ tướng khiến đất nước 174 triệu dân ở Nam Á càng chìm sâu vào bất ổn.
Biểu tình bạo lực ở Bangladesh. (Nguồn: Tageschou) |
Các cuộc biểu tình bắt đầu bùng phát tại Bangladesh từ tháng Bảy sau khi Tòa án tối cao nước này khôi phục hạn ngạch dành riêng tới 30% việc làm của chính phủ cho người thân của những cựu chiến binh đã tham gia vào cuộc chiến giành độc lập từ Pakistan năm 1971.
Hệ thống hạn ngạch “đặc quyền” này do Thủ tướng lúc bấy giờ là Sheikh Mujibur Rahman thiết lập, cha của bà Sheikh Hasina, như một chính sách ghi nhớ công lao những người đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng đất nước.
Tuy nhiên, sau hơn 50 năm, con cháu của những cựu chiến binh đấu tranh giành tự do chỉ chiếm khoảng 0,12% đến 0,2% của 174 triệu dân trong khi có tới 18 triệu thanh niên thất nghiệp. Bởi thế, việc chính phủ của Thủ tướng Hasina đưa ra chính sách duy trì hạn ngạch như “giọt nước tràn ly”, khiến sự bất bình âm ỉ từ lâu trong xã hội, đặc biệt là trong thanh niên bùng phát thành bạo động lan rộng.
Cuộc khủng hoảng mang tên “Hạn ngạch viên chức” mang nhiều màu sắc giống như cuộc cách mạng “Mùa Xuân Arab” cách đây 14 năm tại một loạt quốc gia Arab Hồi giáo ở Trung Đông, Bắc Phi. Những người biểu tình lên án chính phủ sử dụng vũ lực quá mức đối với những người phản đối ôn hòa.
Theo Reuters, ít nhất 300 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình từ đầu tháng Bảy đến nay. Trong khi đó, chính phủ của Thủ tướng Hasina phủ nhận cáo buộc và cho rằng “những kẻ thực hiện bạo lực không phải là sinh viên mà là những kẻ khủng bố đang tìm cách gây bất ổn cho quốc gia”, càng làm dấy lên bất bình mạnh mẽ hơn trong sinh viên.
Trước làn sóng bạo động leo thang nghiêm trọng, chính phủ Bangladesh đã ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc từ 18h ngày 4/8. Ngày 5/8, Tổng tư lệnh quân đội nước này, Tướng Waker-Us-Zaman tuyên bố trên truyền hình rằng một chính phủ lâm thời sẽ được thành lập. Tối cùng ngày, Tổng thống Mohammed Shahabuddin đồng ý thành lập chính phủ lâm thời và cùng với những người đứng đầu Lục quân, Hải quân, Không quân, lãnh đạo các đảng phái chính trị và các thành viên các nhóm dân sự của Bangladesh họp bàn tìm giải pháp để ổn định tình hình.
Đến ngày 6/8, theo yêu cầu của lực lượng biểu tình, Tổng thống Mohammed Shahabuddin tuyên bố giải tán Quốc hội. Tổng thống quyết định trả tự do cựu Thủ tướng Khaleda Zia, Chủ tịch Đảng Dân tộc chủ nghĩa Bangladesh (BNP) cùng tất cả những người đã bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình trước đó. Ngày 7/8, Tiến sĩ Muhammad Yunus 84 tuổi, người được trao giải Nobel Hòa bình năm 2006 nhờ giúp hàng triệu người ở vùng quê Bangladesh thoát nghèo bằng các khoản vay nhỏ trị giá dưới 100 USD, được sự đồng thuận của các phe phái cử làm người đứng đầu chính phủ lâm thời của Bangladesh nhằm tạm xoa dịu tình hình.
Trong bối cảnh hỗn loạn hiện nay, quân đội Bangladesh đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm trật tự quốc gia, truy tìm và xét xử các đối tượng chịu trách nhiệm về cái chết của người biểu tình, cũng như hỗ trợ chính phủ lâm thời mới được lập ra tổ chức cuộc bầu cử mới. Tuy nhiên, lực lượng này sẽ không đóng vai trò điều hành chính phủ mới, như tuyên bố của Tổng tư lệnh Waker-Us-Zaman những ngày qua.
Với những gì đang diễn ra, tương lai của Bangladesh sẽ còn ảm đạm, tình hình bất ổn chính trị có thể còn kéo dài. Việc lựa chọn của người dân giữa một bên là chủ nghĩa dân tộc thế tục và một bên là chủ nghĩa dân tộc Hồi giáo trong cuộc bầu cử sắp tới sẽ quyết định tương lai chính trị của Bangladesh. Dù kịch bản nào xảy ra, điều có thể đoán định là bất ổn, khó khăn kinh tế sẽ tiếp tục đeo đuổi đất nước Nam Á này trong thời gian tới.
Nguồn: https://baoquocte.vn/bangladesh-giot-nuoc-tran-ly-281928.html