Với bằng tốt nghiệp THPT VN, học sinh được nhiều trường ĐH nước ngoài xét tuyển thẳng và có cơ hội nhận học bổng lên đến toàn phần, điều 'không tưởng' nếu so với các thập niên trước.
TỰ TIN BẢNG ĐIỂM "MADE IN VN"
Hoạt động du học của học sinh (HS) VN đã bắt đầu "thành hình" từ khoảng cuối những năm 1990 và bắt đầu bùng nổ từ 2006 trở đi. Trong khoảng thời gian đó, theo các chuyên gia, bằng cấp của VN hầu như chưa được xem trọng và các trường nước ngoài thậm chí còn lập danh sách các trường VN họ chấp nhận bằng cấp, dù chương trình học là như nhau trên cả nước. "Đó là thời điểm rất thiệt thòi cho người Việt", tiến sĩ Lê Bảo Thắng, Giám đốc Công ty tư vấn giáo dục quốc tế OSI Vietnam, nhận định. Tuy nhiên, sự phân biệt hầu như đã không còn trong khoảng 5 năm trở lại đây. Không chỉ chấp nhận tuyển sinh dựa trên bằng tốt nghiệp THPT từ tất cả, một số đơn vị còn tuyển thẳng HS và trao học bổng dựa trên điểm học bạ (GPA), năng lực ngoại ngữ, thay vì bắt buộc người học trải qua một số kỳ thi chuẩn hóa hay học một năm dự bị ĐH.Học sinh VN nghe tư vấn từ đại diện các trường Úc trong một hội thảo du học
ẢNH: NGỌC LONG
DU HS VIỆT HƯỞNG NHIỀU LỢI ÍCH
Chuyên nghiên cứu về giáo dục quốc tế, tiến sĩ Trần Thị Lý, giáo sư tại Khoa Giáo dục, ĐH Deakin (Úc), cho biết người Việt ngày càng thuận lợi trong việc ứng tuyển vào các chương trình ngắn hạn lẫn chính quy tại nhiều trường ĐH nước ngoài. Điều này đến từ một số yếu tố chính, như tiềm năng của VN trong việc cung cấp nguồn sinh viên, nhu cầu đa dạng hóa quốc tịch của các trường, gia tăng quan hệ ngoại giao, hợp tác ở cả cấp quốc gia và cấp trường giữa VN và một số nước có nền giáo dục phát triển... "Vị thế của bằng tốt nghiệp THPT VN cũng là một trong số những nhân tố ảnh hưởng", tiến sĩ Lý nhận định. Cũng theo cô Lý, vị thế bằng tốt nghiệp THPT VN kết hợp cùng các yếu tố khác như chất lượng của hệ thống giáo dục phổ thông nước nhà, năng lực của HS VN... đã thúc đẩy nhiều ĐH hàng đầu xét tuyển thẳng. "Đặc biệt, sự thay đổi như trên đến từ việc các ĐH lớn trên thế giới ngày càng có nhiều dữ liệu cho thấy nhiều HS tốt nghiệp THPT tại VN đã sẵn sàng cả về mặt học thuật và tiếng Anh để vào học trực tiếp khóa cử nhân của trường họ", tiến sĩ Lý phân tích. Tiến sĩ Lê Bảo Thắng thì bình luận việc nước ngoài ngày càng "mở cửa" tạo cơ hội cho nhiều gia đình không có điều kiện tài chính tốt vẫn tiếp cận được nền giáo dục quốc tế. "Có nhiều HS giỏi từ VN đến học còn giúp nâng cao vị thế và xếp hạng của trường, nên đây là mối quan hệ cùng có lợi", ông Thắng nhận xét và nói thêm rằng ở các trường hàng đầu thế giới, vì tỷ lệ cạnh tranh cực kỳ cao nên ngoài GPA, HS phải đáp ứng nhiều tiêu chí khác như điểm thi chuẩn hóa, hoạt động ngoại khóa, bài luận, thư giới thiệu hoặc trải qua thêm vòng phỏng vấn... để chứng minh tiềm năng của mình vượt trội so với ứng viên khác. Ngoài bậc cử nhân, xu hướng chào đón du HS Việt cũng diễn ra tương tự ở bậc thạc sĩ. Ví dụ khi muốn du học Mỹ, trước đây thí sinh phải trải qua các bài thi chuẩn hóa như GRE, GMAT thì nay có thể tự do ứng tuyển. "Điều kiện bắt buộc duy nhất chỉ là trình độ tiếng Anh của các bạn, thường là 6.5 đến 7.0 IELTS. Tuy nhiên, ở một số ngành đặc thù như luật hay y khoa, người Việt vẫn cần hoàn thành các bài thi liên quan", tiến sĩ Thắng cho hay.Du học sinh Việt Nam ở New Zealand
ẢNH: NGỌC LONG
ĐỂ ĐƯỢC CÔNG NHẬN RỘNG RÃI…
Tại New Zealand, từ 2021, tất cả các trường ĐH nước này đã chấp nhận xét tuyển thẳng HS VN dựa trên GPA và kết quả thi tốt nghiệp THPT. Và hồi đầu tháng 8 vừa qua, một số trường ra quy định mới cởi mở hơn, chỉ xét GPA lớp 12 thay vì phải đợi đến khi có kết quả đậu tốt nghiệp. Ở cả hai trường hợp, GPA được yêu cầu là từ 8 trở lên, không phân biệt trường chuyên hay thường. Ông Ben Burrows, Giám đốc Cơ quan Giáo dục New Zealand khu vực châu Á, nói các cơ chế mới phản ánh sự linh hoạt của các trường. Nhưng đây không phải là quyết định được đưa ra một cách nhẹ nhàng, nhanh chóng, mà đã được cân nhắc kỹ dựa trên nhiều năm đối sánh học lực thực tế của HS tại VN và sau khi đến học ở New Zealand. "Các bạn đã thể hiện tốt đến mức chúng tôi ra quyết định tuyển thẳng", ông Burrows chia sẻ. Đồng tình, tiến sĩ Mark A. Ashwill, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Capstone VN, nguyên Giám đốc Viện Giáo dục quốc tế tại VN, nói rằng hầu hết các trường sau trung học có trải nghiệm tích cực với du HS Việt. "Các bạn đã chứng tỏ mình có thể thành công tại các trường CĐ, ĐH nước ngoài. Đây chính là nguyên nhân HS cùng bằng tốt nghiệp THPT VN nhìn chung đang được đánh giá cao", ông Ashwill khẳng định.Du học sinh Việt Nam học tập ở Mỹ
ẢNH: NVCC
HƠN 230.000 người Việt du học trên toàn cầu
Theo dữ liệu Thanh Niên tổng hợp từ các nguồn chính thức, ước tính có 230.827 người Việt du học ở các nước, vùng lãnh thổ vào năm học 2022-2023, nhiều nhất ở bậc cử nhân. Trong đó, du HS Việt đứng thứ nhất về số lượng tại Đài Loan (27.491 người), xếp thứ 2 ở Hàn Quốc (43.361), thứ 3 tại Nhật Bản (36.339), đồng hạng 6 ở Úc (32.948) và Mỹ (31.310). Bên cạnh đó, du HS người Việt cũng chiếm tỷ lệ đáng kể tại các quốc gia: Trung Quốc (23.500), Canada (17.175), Pháp (5.254), Đức (5.844), Anh (3.240), New Zealand (1.736), Hà Lan (1.289), Malaysia (740) và Hungary (600).Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/bang-tot-nghiep-thpt-vn-duoc-khang-dinh-tren-truong-quoc-te-185240901222118002.htm
Bình luận (0)