Phê duyệt phương án tổ chức đấu giá băng tần 2.300-2.400MHz
Băng tần 2.300-2.400MHz là băng tần tầm trung, có giá trị thương mại cao được Bộ TT&TT quy hoạch dành cho phát triển mạng và dịch vụ 4G. Theo các quy định của pháp luật, băng tần này được cấp phép cho doanh nghiệp theo hình thức đấu giá. Hiện nay để cung cấp dịch vụ 4G tới khách hàng, các nhà mạng Viettel, VNPT/VinaPhone, MobiFone đã triển khai trên băng tần 1.800MHz, 2.100MHz dành cho 2G và 3G.
Trước đây, các nhà mạng nhiều lần kiến nghị về việc băng tần không đủ cho phát triển thuê bao 4G. Ngoài thực hiện giải pháp triển khai 4G trên tần số của các công nghệ khác thì năm 2022, Viettel đã tiên phong tổ chức tắt 35.000 trạm 3G trên toàn quốc để dành nguồn lực tần số phát triển 4G. Như vậy, việc Bộ TT&TT công bố phương án đấu giá băng tần 4G có ý nghĩa quan trọng với nhà mạng.
Theo đó, ngày 21-2, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long đã ký ban hành Quyết định số 219/QĐ-BTTTT về việc phê duyệt phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2.300-2.400MHz. Đáng chú ý, giá khởi điểm với một khối băng tần (30MHz) là trên 5.798 tỷ đồng. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Cùng với việc ban hành quyết định này, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng phê duyệt phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2.300-2.400MHz cho hệ thống thông tin di động mặt đất theo tiêu chuẩn IMT.
Điều kiện tham gia đấu giá được quy định tại Điều 11 Nghị định số 88/2021/NĐ-CP ngày 1-10-2021 của Chính phủ quy định về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần.
Doanh nghiệp tham gia đấu giá băng tần 2.300-2.400MHz có thể triển khai mạng và dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ IMT-Advanced (4G) hoặc IMT-2020 (5G), theo nguyên tắc triển khai công nghệ nào sẽ áp dụng yêu cầu triển khai mạng viễn thông với công nghệ tương ứng (IMT-Advanced, IMT-2020).
Có 3 khối băng tần được đấu giá, gồm: A1 (2.300-2.330MHz), A2 (2.330-2.360MHz), A3 (2.360-2.390MHz). Riêng khối băng tần 2.390-2.400MHz được quy hoạch làm băng tần bảo vệ, không đấu giá lần này. Doanh nghiệp trúng đấu giá được cấp giấy phép sử dụng băng tần với thời hạn 15 năm.
Giá khởi điểm được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 88/2021/NĐ-CP. Giá khởi điểm của cả 3 khối băng tần A1: 2.300-2.330MHz; A2: 2.330-2.360MHz; A3: 2.360-2.390MHz đều là trên 5.798 tỷ đồng/khối. Bước giá với cả 3 khối là 10 tỷ đồng/khối.
Các khối băng tần được đấu giá lần lượt theo thứ tự khối A1, khối A2 và khối A3. Doanh nghiệp đã trúng đấu giá một khối băng tần thì không được tham gia đấu giá các khối băng tần tiếp theo.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đưa ra yêu cầu thời hạn triển khai mạng 4G và 5G sử dụng băng tần 2.300-2.400MHz. Đáng chú ý, yêu cầu với nhà mạng triển khai mạng 5G sau 2 năm kể từ ngày được cấp phép: Phủ sóng tối thiểu 200 địa bàn hành chính cấp huyện và tối thiểu 1.000 địa bàn hành chính cấp xã; triển khai tối thiểu 15.000 trạm BTS 5G đến hết thời hạn của giấy phép…
Hết năm 2023 sẽ hoàn thành đấu giá
Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, dự kiến quý II-2023, việc đấu giá được tổ chức để sớm cấp phép cho nhà mạng sử dụng băng tần này cung cấp dịch vụ 4G tới khách hàng.
Ông Đào Xuân Vũ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, tập đoàn đã sẵn sàng để khi Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đấu giá, phải đạt được mục tiêu có tần số để triển khai dịch vụ 5G. Dự kiến, Viettel sẽ triển khai 5.000 trạm 5G, bên cạnh việc mạng 4G tiếp tục được đầu tư, triển khai mở rộng và trở thành mạng chủ đạo trong giai đoạn đến năm 2025 với các băng tần số sẽ được bổ sung và sắp xếp lại theo thứ tự.
Trong khi đó, Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT Nguyễn Nam Long cho rằng, công nghệ 5G là một trong những công nghệ cốt lõi cho hạ tầng số và quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ viễn thông và dịch vụ số của Việt Nam trong thời gian tới. Năm 2023, VNPT sẽ tiếp tục thử nghiệm công nghệ 5G, hướng tới sẵn sàng phủ sóng 5G trên toàn quốc trong giai đoạn tới năm 2025.
Như vậy, với quyết định này, cơ quan quản lý nhà nước có căn cứ để sớm tổ chức đấu giá, cấp phép băng tần 2.300-2.400MHz – được quy hoạch cho dịch vụ 4G, để các nhà mạng trong nước có thêm tần số cung cấp dịch vụ 4G, 5G bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu khách hàng; đồng thời giải quyết thực trạng thiếu băng tần cho phát triển mạng 4G, 5G hiện nay.
Hết năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cho các nhà mạng thử nghiệm 5G tại 40 tỉnh, thành phố. Trong năm 2022, Bộ khuyến khích các nhà mạng tiếp tục thử nghiệm các ứng dụng của 5G, đánh giá nhu cầu của thị trường và phương án kỹ thuật để xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả nhất khi được cấp phép chính thức. Hiện nay, 5G được triển khai phủ sóng dưới hình thức thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông.
|
VĂN PHONG – THÁI KHANG