IsraelHộp sọ người và các vật dụng khác trong hang Te’omim được cho là dùng để chiêu hồn – giao tiếp với người chết – vào thời La Mã.
Các nhà khoa học phát hiện 3 hộp sọ người, 120 chiếc đèn dầu, lưỡi rìu và giáo cổ đại giấu trong hang Te’omim gần Jerusalem, Live Science hôm 17/7 đưa tin. Đây là những bằng chứng cho thấy vào thời La Mã, nơi này từng được sử dụng để thực hiện thuật chiêu hồn (nói chuyện với người chết). Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Harvard Theological Review. Dựa trên kiểu dáng của các đồ tạo tác, nhóm nghiên cứu cho rằng nghi lễ được thực hiện trong hang vào giai đoạn thế kỷ 2 – 4.
Hầu hết những người Do Thái sống trong vùng đã bị đế chế La Mã tiêu diệt hoặc đuổi đi sau cuộc nổi dậy Bar Kokhba của người Do Thái vào năm 132 – 136, theo tác giả nghiên cứu Boaz Zissu, nhà khảo cổ tại Đại học Bar-Ilan, Israel. Người La Mã sau đó định cư tại đây với người dân từ những nơi khác thuộc đế chế, có thể từ Syria, Anatolia và Ai Cập. “Họ mang theo những quan niệm mới, phong tục mới và có vẻ cả thuật chiêu hồn”, Zissu nói.
Chiêu hồn được coi là xấu xa và thường bị cấm trong đế chế La Mã. Tuy nhiên, nhiều thành phố cổ đại nằm gần các địa điểm “tiên tri” bí mật, nơi người xưa tin rằng mình có thể nói chuyện với người chết. Hang Te’omim là một nơi như vậy.
Đèn, sọ người và các mảnh vũ khí được đặt vào những khe nứt trong chiếc hang lớn, thường sâu đến mức nhóm nghiên cứu phải dùng gậy dài với móc ở đầu để lấy ra. Zissu cho biết, có thể người xưa cũng dùng gậy để đặt chúng vào đó.
Các khe nứt quá sâu khiến đèn dầu không thể phát ra nhiều ánh sáng. Ban đầu, nhóm chuyên gia cho rằng chúng là đồ vật dùng cho việc thờ cúng thần linh ở thế giới bên kia. Nhưng các hộp sọ, cũng được lấy ra từ khe nứt, cho thấy mục đích thực sự của nghi lễ là cố gắng nói chuyện với người chết – được cho là có khả năng báo trước tương lai. Theo nhóm nghiên cứu, xương người đôi khi được sử dụng để liên lạc với người đó sau khi chết, ngọn lửa bập bùng cũng được hiểu là lời nhắn nhủ từ thế giới bên kia.
“Hang động này cung cấp bằng chứng quan trọng về sự đa dạng của tập tục tôn giáo thời La Mã, về sự tương phản rõ rệt giữa các hang động được người theo thuyết đa thần thời La Mã sử dụng cho mục đích tôn giáo với các nhà thờ hang động Cơ Đốc giáo sớm nhất ở Đất Thánh”, nhà khảo cổ Ken Dark tại Đại học King’s London, cho biết.
Thu Thảo (Theo Live Science)