ANTD.VN – Chỉ còn vài ngày nữa là đến hạn toàn bộ các cửa hàng xăng dầu phải áp dụng phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn ngồn ngộn khó khăn, vướng mắc, xin được gia hạn thời gian áp dụng.
Doanh nghiệp than như “người mù đi trong đêm”
Theo ông Văn Tấn Phụng – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dầu khí Đồng Nai, sau 2 năm đại dịch, cộng 2 năm xung đột tại Ukraine, các doanh nghiệp phân phối xăng dầu đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc kinh doanh, hoàn toàn thua lỗ.
Việc triển khai hóa đơn điện tử là phải thực hiện, nhưng muốn làm được phải có hạ tầng cho tương thích. Ông Phụng cho rằng những doanh nghiệp như Petrolimex việc triển khai dễ dàng hơn, do có vốn đầu tư của Nhà nước, được thừa hưởng những vị trí đắc địa. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở vùng sâu, vùng xa, bán sơn địa, hải đảo… rất khó khăn, hạ tầng bất cập, cơ sở kinh doanh không đồng bộ, không tương thích chuyển đổi số, do đó, việc xuất hóa đơn cho từng lần bán hàng như vậy rất khó khăn.
Do đó, đại diện doanh nghiệp này kiến nghị cơ quan thuế cần có lộ trình áp dụng, thành phố làm trước, nông thôn làm sau, miền núi, hải đảo làm sau cuối…
Ngoài ra, ông Phụng cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần thống nhất phần mềm để giới thiệu cho doanh nghiệp.
“Sau khi có chỉ đạo thì hàng loạt công ty cung cấp giải pháp, phần mềm vào, công ty chúng tôi tiếp mấy chục doanh nghiệp rồi, nhưng chúng tôi chưa biết làm ai, chưa có doanh nghiệp nào của Tổng cục Thuế hay Cục Thuế chỉ đạo. Ông A bán gói này, mai kia ông không bán nữa tôi phải mua ông B. Ông kia đắt không làm được, ông này rẻ có tốt không, mai kia nó sụp thì ông nào chịu trách nhiệm…
Các nhà hoạch định chính sách phải thấy thực trạng này để doanh nghiệp có thể thực thi tốt, không cho giải pháp làm sao chúng tôi làm, chúng tôi như thằng mù đi trong đêm, làm sao biết mà làm” – đại diện doanh nghiệp này đặt vấn đề.
Việc áp dụng công nghệ đang là một trở ngại với nhiều doanh nghiệp xăng dầu ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn |
Cũng nêu thực trạng khó khăn, ông Đặng Hoài Phương – Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Phương Nam Lâm Đồng cho biết, trước đây, chi phí bình quân về việc xuất hóa đơn của một cửa hàng khoảng 1 triệu đồng/năm. Hiện tại, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhận báo giá của các công ty phần mềm, cung cấp hóa đơn điện tử với chi phí từ 100 – 165 triệu đồng/năm.
Mức đầu tư này cao gấp hơn 100 lần so với hóa đơn mà doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang sử dụng dẫn đến làm đội chi phí, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
Tương tự, ông Hoàng Trung Dũng – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Phụ gia và Sản phẩm dầu mỏ (APP) cho rằng, để thực hiện việc xuất hóa đơn thì mỗi cửa hàng xăng dầu phải đầu tư từ 400 – 700 triệu cho phần cứng, chưa nói đến phần mềm và các chi phí khác liên quan. Tất cả các khoản đầu tư đó, hiện doanh nghiệp bán lẻ không biết lấy từ đâu ra?
Cơ quan thuế muốn doanh nghiệp đồng hành
Trước những phản ánh của doanh nghiệp, ông Mai Sơn – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng: Luật Quản lý thuế (số 38/2019/QH14) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2020. Trong quá trình xây dựng luật, cũng như xây dựng Nghị định 123 về hóa đơn điện tử, cơ quan soạn thảo cũng đều lấy ý kiến rộng rãi từ người dân, các bộ ngành, và cả các cộng đồng doanh nghiệp chịu tác động.
Quy định về triển khai hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng được triển khai rộng rãi trên toàn quốc kể từ ngày 1/7/2022, theo ông Mai Sơn, như vậy là đã có 2 năm chuẩn bị về mặt pháp luật.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, việc xuất hoá đơn điện tử theo từng lần mang lại nhiều lợi ích.
Ở góc độ doanh nghiệp, sẽ giúp các đơn vị thay đổi công nghệ quản lý, quản trị, nâng cao thương hiệu, uy tín khi kinh doanh minh bạch. Việc chuyển đổi số, theo ông, thậm chí sau này còn giảm chi phí chứ không phải tăng chi phí, vì khi mình minh bạch rồi thì không ai có thể bắt bẻ được.
Với người tiêu dùng, việc lấy hóa đơn khi mua hàng là một thông lệ quốc tế, đây là một chứng từ quan trọng mà sau này chúng ta có thể đổi trả, xác nhận số lượng, chất lượng hàng hóa, dịch vụ được cung cấp. Đó là quyền lợi của người tiêu dùng.
Còn với quản lý Nhà nước, đương nhiên sẽ giảm thiểu những hành vi gian lận thuế, nếu có, đồng thời, góp phần hưởng ứng chuyển đổi số của Chính phủ…
“Chúng ta phải đi rồi mới đến được. Nhưng đi thì có thể có những trục trặc, mong doanh nghiệp đồng hành, chia sẻ với cơ quan quản lý Nhà nước. Về câu chuyện hoá đơn, nếu nhiều thì sẽ có giá 20 – 60 đồng, ít thì 100 đồng/hoá đơn. Càng xã hội hoá thì mức độ cạnh tranh sẽ lớn, xã hội hoá mang lại nhiều lợi ích hơn”, ông Sơn nói
Ông Mai Sơn cũng cho biết sẽ ghi nhận khó khăn của doanh nghiệp để báo cáo các cơ quan thẩm quyền. Tuy nhiên, theo ông, hóa đơn điện tử áp dụng với xăng dầu cũng như các hóa đơn bán các mặt hàng khác.
“Nếu có vướng mắc trong quá trình sử dụng, có trục trặc đến đâu chúng tôi sẽ cùng với các nhà cung cấp giải pháp và các đơn vị trung gian, tiếp nhận thông tin và sẽ xử lý kịp thời ngay. Chúng tôi có đường dây nóng, có trung tâm công nghệ với các giải pháp vận hành để xử lý tất cả các vấn đề liên quan, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, không để chậm trễ. Hệ thống hóa đơn điện tử khá hiện đại, có phương án dự phòng nên có khả năng hạn chế và tránh được các nguy cơ nghẽn mạng, sập mạng hạn chế ảnh hưởng đến các doanh nghiệp” – ông Mai Sơn cho biết.