Bạn trẻ tham gia sinh hoạt tập thể, hoạt động xã hội để tăng vốn sống, học hỏi cách ứng xử và tự tin giao tiếp từ những hoạt động thực tế. |
(VLO) Năng nổ, tự tin nói chuyện qua các dòng tin nhắn, nhưng khi đối diện trực tiếp với người khác lại im lặng, rụt rè… là tình trạng khá phổ biến trong giao tiếp của không ít bạn trẻ hiện nay.
Gặp “rào cản” khi nói chuyện trực tiếp
Với chiếc điện thoại trên tay, bạn trẻ có thể nói chuyện ở mọi lúc, mọi nơi, với nhiều người cùng một lúc. Thế nhưng sự tiện lợi mà công nghệ mang đến lại đang dần tạo ra bức tường ngăn cách bạn trẻ với thế giới xung quanh.
Là sinh viên ngành Du lịch nhưng bạn Phạm Hoàng Ngân gặp phải khó khăn khi trò chuyện trực tiếp với người đối diện. Hoàng Ngân cho hay, em thích trao đổi với mọi người qua tin nhắn hay email, vì có thể kiểm soát được từ ngữ, lời nói trước khi gửi.
“Khi nói chuyện trực tiếp, không hiểu sao em thấy ngại lắm, không biết phải nói gì. Nếu không phải tình huống cần thiết, bắt buộc phải trò chuyện trực tiếp thì em chọn cách “chat chit” trên mạng xã hội”- cô sinh viên năm hai chia sẻ.
Tương tự, bạn Lê Trần Ngọc Minh- sinh viên ngành Kế toán, cho biết bản thân thích giao tiếp trực tuyến hơn trực tiếp. Bởi theo Ngọc Minh, có những chuyện không dễ nói ra nhưng sẽ can đảm hơn nếu nhắn tin. Thêm nữa, thời gian dịch COVID-19 kéo dài, em ở nhà trò chuyện qua mạng xã hội nên quen.
Tuy nhiên, Ngọc Minh cũng nhận thấy việc giao tiếp như thế quá nhiều đã khiến bạn trở nên sống khép kín, nhút nhát và ngại tạo dựng mối quan hệ với những người xung quanh.
Ngọc Minh cho hay, lúc học trực tuyến, em vô cùng tự tin thuyết trình qua màn hình. Nhưng đến khi quay lại học trực tiếp tại trường, dù đã chuẩn bị rất kỹ nhưng phải thuyết trình trước tập thể thì em cứ lóng ngóng, bập bẹ từng chữ vì lo lắng…
Ngọc Minh cho biết: “Hiện em đang cố gắng cải thiện khả năng giao tiếp bằng cách quan sát bạn bè xung quanh, nhất là người lớn để có thể nói chuyện chuẩn mực hơn. Em cũng theo dõi các xu hướng để có thể hòa nhập các cuộc trò chuyện cùng bạn bè”.
Thực tế, hiện nay có không ít bạn trẻ quen giao tiếp thông qua bàn phím, điện thoại nên khi gặp gỡ, trao đổi trực tiếp thường ngại ngùng, lúng túng, diễn đạt thiếu logic…
Điều đó làm cho các bạn khó hòa nhập, dần dần bị tách biệt với người xung quanh, gặp những bất lợi trong công việc lẫn cuộc sống hàng ngày.
Mặc dù có thành tích học tập khá tốt nhưng bạn Nguyễn Hồng Nhung- sinh viên năm 3 ngành Luật, rất tự ti về khả năng giao tiếp của mình. Bạn hay bị nhận xét là “đứa khó gần”, còn bạn bè thì cho rằng bạn không hòa đồng, thân thiện…
Hồng Nhung lý giải vì có thời gian dài chỉ giao tiếp thông qua mạng xã hội nên tâm lý không thoải mái khi đối mặt với người khác, rất ngại nói chuyện trực tiếp.
“Dù không ít lần gặp người quen, mình đã tìm đủ mọi cách để bắt chuyện nhưng khi mở lời thì lại… lắp bắp không nên câu. Nhiều khi cố gắng dữ lắm thế nhưng cuộc nói chuyện vẫn không thể kéo dài được”- Hồng Nhung bộc bạch.
Vượt qua bệnh “ngại”
Từng rơi vào tình trạng rất hoạt ngôn trên mạng nhưng khi gặp mặt người khác lại quá hồi hộp mà chả nói được gì, bạn Nguyễn Minh Huy- sinh viên ngành Công tác xã hội, phải cố gắng rất nhiều để khắc phục. Với Minh Huy những cuộc trò chuyện trên mạng dù có kéo dài đến đâu thì ấn tượng đối với người khác vẫn là lần đầu gặp mặt.
Để có thể tự tin trò chuyện ngoài đời, Minh Huy đã phải cố gắng khắc phục trong thời gian dài. Ngoài việc nói chuyện ít hơn trên mạng xã hội, Minh Huy cũng đọc sách hướng dẫn về kỹ năng giao tiếp, tìm hiểu thêm sở thích của bạn bè, người thân và chủ động gợi ý các chủ đề liên quan đến cuộc sống, các câu chuyện hài hước, tích cực trong những lần gặp gỡ…
Minh Huy vui vẻ chia sẻ: “Và một điều mình cho là chìa khóa để cuộc nói chuyện trở nên thoải mái, thú vị hơn, đó là tránh đặt các câu hỏi đóng cho đối phương. Đừng hỏi mấy câu vô nghĩa như: bạn ăn cơm chưa, bạn có thích uống cà phê không?…”.
Minh Huy cho biết thêm, trên mạng xã hội, chúng ta thường có cảm giác được là chính mình, bộc lộ rõ con người mình hơn so với ngoài xã hội.
Tuy nhiên cần hiểu rõ mạng xã hội cũng chỉ là công cụ và chúng ta không nên quá phụ thuộc, hãy bước ra ngoài và làm những điều mới mẻ để cuộc sống thực của chúng ta trở nên đầy màu sắc hơn.
Không viết hay lại không muốn chăm chăm vào điện thoại, anh Phan Duy Anh- kỹ sư Xây dựng, quyết định sử dụng phương thức giao tiếp “truyền thống”.
Theo anh, giao tiếp là một phần quan trọng trong cuộc sống. Chúng ta không thể duy trì các mối quan hệ tốt đẹp nếu như không giao tiếp với nhau thường xuyên. Và chúng ta sẽ nhận được nhiều giá trị hơn khi giao tiếp trực tiếp.
Mỗi khi nói chuyện trực tiếp với khách hàng, anh luôn bắt đầu bằng lời chào lịch sự, luôn lắng nghe và chia sẻ ý kiến tích cực… Từ đó, công việc và các mối quan hệ của anh ngày càng phát triển hơn. “Cởi mở, giao tiếp tốt thì tự nhiên sẽ có nhiều cơ hội đến với mình, xét về mọi khía cạnh trong cuộc sống”- anh chia sẻ.
Thiếu tự tin và ngại giao tiếp chính là rào cản trên hành trình đi đến thành công của các bạn trẻ. Giảng viên trẻ Lê Mỹ Trang cho rằng, để vượt qua rào cản ấy, bạn trẻ phải đối mặt với chính nó.
Bạn trẻ không nên sống trong thế giới ảo quá nhiều, phải năng động, thường xuyên giao lưu, chủ động trò chuyện với người khác, tích cực tham gia các CLB, đi làm thêm… Đừng ngần ngại thay đổi để hòa nhập, để hoàn thiện bản thân theo hướng tích cực hơn.
Bài, ảnh: PHƯƠNG VY