Những hạn chế về tài chính, nhân lực và yếu tố bảo dưỡng khiến ban tổ chức Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Ất Tỵ 2025 khó kéo dài thời gian mở cửa quá 7 ngày theo kỳ vọng của nhiều người.
Kể từ lần thực hiện đầu tiên vào năm 2004, Đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2025 đã bước sang tuổi 22.
Được xem như biểu trưng văn hóa ngày Tết, công trình độc đáo này do Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) chủ trì tổ chức thực hiện, phối hợp với các sở, ban ngành cùng sự đồng hành của các doanh nghiệp, dưới sự chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Nhiều người mong kéo dài thời gian phục vụ của đường hoa
Theo kế hoạch, Đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2025 đóng cửa vào lúc 21h ngày 2-2 (mùng 5 Tết). Nhiều người tiếc nuối và mong kéo dài thời gian phục vụ của đường hoa so với mốc thời gian 7 ngày như hiện nay.
Trước ý kiến này, chiều 2-2, đại diện ban tổ chức cho biết Đường hoa Nguyễn Huệ được thực hiện hoàn toàn bằng nguồn vốn xã hội hóa. Các doanh nghiệp tài trợ không chỉ đóng góp chi phí quảng bá thương hiệu mà còn gánh thêm nhiều khoản chi khác.
Mỗi ngày đường hoa mở cửa, ban tổ chức phải chi trả nhiều khoản phí phát sinh như hoa tươi, bảo vệ, duy tu, điện, nước… Điều này đặt ra bài toán kinh phí, buộc ban tổ chức phải tính toán tối ưu để đảm bảo chất lượng và tính hiệu quả của sự kiện.
Ngay từ khâu thiết kế kỹ thuật, Saigontourist Group - đơn vị tổ chức - đã làm việc chặt chẽ với các đối tác để có mức chi phí hợp lý nhất cho từng hạng mục.
Việc thi công đại cảnh được thương thảo để có mức giá tốt, trong khi phần lớn tiểu cảnh do Làng du lịch Bình Quới (thuộc Saigontourist Group) thực hiện. Ngoài ra, nhóm thiết kế còn phải cân nhắc kỹ số lượng, chủng loại hoa và tiến hành đặt hàng sớm nhằm tránh lãng phí.
Áp lực bảo dưỡng
Với số lượng hơn 100.000 giỏ hoa được sử dụng xuyên suốt thời gian 7 ngày, ban tổ chức nhấn mạnh rằng việc duy trì hoa tươi trong thời gian dài là thách thức lớn. Không phải loại hoa nào cũng có thể bảo quản lâu dài, trong khi yếu tố thời tiết có thể ảnh hưởng đến độ bền của hoa.
Nếu hoa nở sớm hoặc tàn sớm ngoài dự tính, chi phí thay thế sẽ đội lên đáng kể, gây áp lực lớn cho ngân sách sự kiện.
Trong những năm gần đây, đường hoa đã được mở cửa đến đêm cuối cùng của kỳ nghỉ Tết, nhằm tạo điều kiện tối đa cho người dân tham quan.
Theo ban tổ chức, phần lớn người dân TP.HCM đều đã trở về thành phố vào thời điểm này để chuẩn bị cho công việc, học tập, do đó vẫn có đủ thời gian để thưởng lãm đường hoa trước khi bế mạc lúc 21h ngày cuối cùng.
Một yếu tố quan trọng khác được ban tổ chức đề cập là thời gian nghỉ ngơi của những người trực tiếp tham gia vào quá trình vận hành đường hoa.
Trong suốt dịp Tết, đội ngũ công nhân, bảo vệ, nhân viên kỹ thuật đã làm việc không ngừng nghỉ để duy trì hoạt động của đường hoa. Việc kéo dài thời gian mở cửa đồng nghĩa với việc họ phải hy sinh thêm thời gian nghỉ Tết ít ỏi của mình.
"Với những lý do trên, chúng tôi khẳng định việc duy trì thời gian hoạt động 7 ngày là phương án hợp lý nhất để vừa đảm bảo chất lượng đường hoa, vừa đáp ứng nhu cầu của người dân mà không tạo áp lực quá lớn về tài chính và nhân sự", đại diện ban tổ chức khẳng định.
Đường hoa Nguyễn Huệ lần thứ 22, với chủ đề "Non sông gấm hoa, vui xuân thái hòa", mở cửa phục vụ nhu cầu du xuân, thưởng ngoạn của người dân thành phố và du khách từ 19h ngày 27-1-2025 (tức 28 Tết) đến 21h ngày 2-2-2025 (tức mùng 5 Tết).
Đây không chỉ là sự kiện văn hóa đặc sắc chào đón năm mới mà còn là công trình biểu tượng của TP.HCM năng động, sáng tạo, hiện đại, nghĩa tình vào mỗi độ Tết đến xuân về.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ban-to-chuc-neu-ly-do-khong-keo-dai-thoi-gian-mo-cua-duong-hoa-nguyen-hue-20250202180806651.htm
Bình luận (0)