(NADS) – Sáng ngày 10/12, tại căn nhà 145 Đường Trần Quang Khải, Quận 1, TP Hồ Chí Minh, Ban Tổ chức Công trình sách “Ký ức người lính” đã có buổi làm việc với Ban Chủ nhiệm Khối Vũ trang Biệt động Sài Gòn – Gia Định để triển khai sách Ký Ức Người Lính Biệt động Sài Gòn.
Cuốn sách này sẽ được thực hiện nhằm tri ân những anh hùng liệt sỹ, những người con ưu tú của đất nước trong lực lượng Biệt động thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của toàn Dân tộc và chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
Công trình sách “Ký ức Người lính” do Đại tá Nguyễn Thanh Truyền, Trưởng Ban TC; Đại tá Nguyễn Đức Xê (Ba C), Phó ban phụ trách phía Nam; Nguyễn Văn Thành, Chủ Tịch HĐQT, TGĐ Tổng Cty Toàn cầu xanh; NB Nguyễn Khang và một số thành viên cùng tham dự.
Ban Chủ nhiệm Khối Vũ trang Biệt động Sài Gòn – Gia Định có: ông Nguyễn Quốc Độ, phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ khối Vũ trang – Biệt động Quân khu Sài Gòn – Gia Định; Ông Trần Vũ Bình, Người sáng lập Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định, Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam Tòa án nhân dân tối cao (con trai đồng chí Trần Văn Lai, Biệt động Sài Gòn – Gia Định).
Để ghi lại các câu chuyện có thật trong chiến đấu của lực lượng Biệt động SG – GĐ trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Công trình sách “Ký ức Người lính” phối hợp với Ban Chủ nhiệm Khối Vũ trang Biệt động Sài Gòn – Gia Định sẽ in và xuất bản riêng cho Biệt động Sài Gòn – Gia Định nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất tổ quốc (30/4/1975 – 30/4/2025).
Bảo tàng Biệt động 3 tầng được xây dựng từ năm 1963 ở 145 Đường Trần Quang Khải, Quận 1, là nơi hoạt động bí mật của Biệt động dưới sự quản lý của ông Trần Văn Lai (Tức Năm Lai). Sau năm 1975 Chủ nhà chia làm 3 căn để bán cho những người khác, hiện gia đình đã mua lại một phần tầng trệt và 2 tầng còn lại để xây dựng Bảo tàng, ông Trần Vũ Bình con trai của ông Trần Văn Lai cho biết… Bảo tàng xây dựng sưu tập hiện vật từ năm 2019, hiện nay có khoảng 300 hiện vật về quá trình hình thành và phát triển của lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định.
Căn nhà được giữ nguyên kiến trúc xây dựng, nơi đây từng là nơi thực hiện các nhiệm vụ bí mật như hội, họp, trao đổi thư từ tài liệu, cung cấp tiền vàng, thuốc men ra chiến khu. Lối lên các tầng là một thang máy cổ có từ khi xây dựng ngôi nhà. Bảo tàng còn lưu giữ các hiện vật theo chủ đề, vũ khí, xe cộ, vật dụng sinh hoạt, thiết bị thông tin liên lạc phục vụ cho chiến đấu của lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định trong chiến tranh trước năm 1975.
Chúng tôi thế hệ sau đã và đang ngồi tại căn phòng mà trước đây các chiến sỹ Biệt động Sài Gòn – Gia Định đã bàn các kế hoạch chiến đấu trong nội đô SG, thì giờ đây Công trình sách “Ký ức Người lính” cũng tại căn phòng này đã bàn bạc cụ thể, chi tiết và có trách nhiệm với thế hệ mai sau không được phép lãng quên những chiến công thầm lặng mà đã làm cho đế quốc Mỹ và cả thế giới ngưỡng mộ chiến công của các anh làm nên lịch sử giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất Tổ quốc ngày 30/4/1975.
(Một số hình ảnh buổi làm việc).
Nguồn: https://nhiepanhdoisong.vn/ban-to-chuc-cong-trinh-sach-ky-uc-nguoi-linh-lam-viec-voi-ban-chu-nhiem-khoi-vu-trang-biet-dong-sai-gon-gia-dinh-15619.html