Đáng chú ý là ý kiến của đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TPHCM). Bà nói, bán thuốc online có thể tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, đặc biệt là nguy cơ thuốc giả, thuốc kém chất lượng, rất khó phát hiện và xử lý trên không gian mạng.
Trong khi dự án luật đang trình Quốc hội, đại biểu Lan nói “các nội dung của dự thảo luật về bán thuốc qua sàn giao dịch điện tử còn rất đơn giản và rời rạc, chưa đủ tính khả thi”.
Vấn đề nữa là, vẫn biết “mặt bằng bến bãi” trên sàn thương mại điện tử luôn thấp, rẻ hơn mặt bằng bến bãi ở trên đường phố – nơi các nhà thuốc truyền thống bán hàng nên giá thuốc luôn rẻ hơn là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, rẻ hơn ở một mức độ nào đấy thì còn hiểu được. Nhưng “rẻ quá” thì lại đâm gây nghi ngại, nghi ngờ về việc kiểm soát chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm thuốc bán trên các sàn thương mại điện tử của cơ quan chức năng. Và dự án luật thì chưa giải đáp được sự nghi ngờ này bằng các quy định chặt chẽ để quản lý.
Tiếp đến, quản lý quảng cáo hiện là trách nhiệm của nhiều cơ quan. Nhưng riêng với thuốc, dự án luật cũng cần quy định rõ trách nhiệm Bộ Y tế trong việc phát hiện, xử lý quảng cáo thuốc giả mạo trên mạng xã hội; cung cấp cho cơ quan chức năng điều tra và thông tin cho người dân biết để phòng tránh.
Điều này, trước hết không chỉ để xóa bỏ ám ảnh kinh hoàng từ những video quảng cáo “nhà tôi ba đời bán thuốc, uống cái khỏi ngay”. Mà còn giúp người dân, trong bối cảnh “có bệnh thì vái tứ phương” đỡ phải “tiền mất tật mang” khi tin vào các quảng cáo bán thuốc sai sự thật đang đầy rẫy trên mạng.
Không chỉ quảng cáo sai sự thật, nhiều người còn giả danh bác sĩ để bán thuốc kê đơn. Đến mức đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) phải “la làng” là bản thân ông không có ngày nào không có người dân gọi đến hỏi “thuốc này có phải do anh quảng cáo, anh sử dụng không mà người ta sử dụng hình ảnh anh để bán trên mạng rất nhiều”.
Còn nhớ hồi đầu năm nay (ngày 19.2), khi chủ trì họp nghe báo cáo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án Luật Dược, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có nhấn mạnh một ý rất quan trọng: Mục tiêu cuối cùng của việc sửa đổi dự luật là để người dân tiếp cận thuốc tốt nhất, an toàn nhất, giá rẻ nhất…
Tuy vậy, khi nghe kỹ các ý kiến góp ý trên diễn đàn Quốc hội mấy hôm nay về dự án luật này, ở phần bán thuốc kê đơn trên sàn thương mại điện tử, lại có cảm giác lo lắng, bất an.
Bán thuốc trên các sàn thương mại điện tử là xu thế tất yếu nên không thể cấm được và thực tế cũng đã và đang diễn ra trong âu lo của những người có trách nhiệm.
Vậy nên, nếu luật không đủ tính khả thi và không quản lý chặt, thì không những các mục tiêu mà Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đưa ra rất khó đạt được mà chúng ta còn có nguy cơ rơi vào cảnh “thả gà ra đuổi”.
Lúc đó thì sự khó khăn do sự chủ quan của chúng ta gây ra, chắc chắn sẽ bị trả giá bằng chính sức khỏe, tính mạng người dân!
Nguồn: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/ban-thuoc-ke-don-tren-san-thuong-mai-dien-tu-coi-chung-tha-ga-ra-duoi-1358588.ldo