Bán tháo trên diện rộng, hàng trăm mã đua nhau giảm sàn
Phiên chứng khoán 26/10 đã trở thành “ngày Thứ năm đen tối” ngay từ giờ mở cửa khi sắc đỏ hoàn toàn chiếm ưu thế. Nhà đầu tư tranh nhau bán tháo khiến VN-Index có một vài thời điểm giảm hơn 50 điểm.
Đáng chú ý, đầu phiên chứng khoán 26/10, dù hoạt động bán tháo diễn ra mạnh nhưng lực cầu bắt đáy cũng khá nên nhiều thời điểm VN-Index hạn chế được đà giảm và tạo kỳ vọng lấy được sắc xanh cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, tới giữa phiên sáng, dòng tiền bất ngờ “hãm phanh” khiến VN-Index tiếp nối đà “đổ đèo”. Có thời điểm, toàn sàn TP.HCM có khoảng 150 mã giảm sàn.
Đóng cửa phiên chứng khoán 26/10, dù không còn giảm 50 điểm nhưng VN-Index vẫn duy trì vùng điểm thấp nhất trong ngày khi đóng cửa ở mức 1.055,45 điểm sau khi giảm 46,21 điểm, tương đương 4,19%; VN30-Index giảm 48,37 điểm, tương đương 4,34% xuống 1.064,95 điểm.
Thanh khoản trên sàn TP.HCM tăng hơn gấp đôi so với phiên chứng khoán 25/10 nhưng vẫn chưa đạt tỷ đô. Sàn TP.HCM ghi nhận gần 1,2 tỷ cổ phiếu, tương đương 23.244 tỷ đồng được giao dịch thành công. Nhóm VN30 có 330 triệu cổ phiếu, tương đương 9.237 tỷ đồng được chuyển nhượng.
Nhóm VN30 ghi nhận có tới 6 blue-chips giảm sàn. Các mã này chủ yếu thuộc họ bất động sản, xăng dầu và bán lẻ. Không có bất cứ cổ phiếu vốn hóa lớn nào may mắn đóng cửa trong sắc xanh.
Toàn sàn TP.HCM chỉ có 24 mã tăng giá, 31 mã đứng giá và 505 mã giảm giá (123 mã giảm sàn).
Có thể thấy VN-Index và VN30-Index cùng nhau “rơi tự do” nhưng đà giảm hai chỉ số này vẫn thua xa HNX-Index và HNX30-Index. Trong đó, HNX30-Index có tốc độ “rơi” mạnh nhất thị trường chứng khoán châu Á và Châu Âu.
Cụ thể, đóng cửa phiên chứng khoán 26/10, HNX-Index giảm 12,03 điểm, tương đương 5,3% xuống 214,98 điểm; HNX30-Index giảm 36,46 điểm, tương đương 7,7% xuống 436,88 điểm. Thanh khoản trên sàn Hà Nội cải thiện mạnh so với hôm qua nhưng vẫn đứng ở mức thấp. Có 186 triệu cổ phiếu, tương đương 3.414 tỷ đồng được chuyển nhượng thành công.
Chứng khoán Á Âu đổ đèo
Trong phiên chứng khoán 26/10, không chỉ chứng khoán Việt Nam “sập sàn”, toàn thị trường Á Âu cũng chìm trong sắc đỏ.
Thị trường châu Á chứng kiến một đợt bán tháo trên diện rộng, trong đó các chỉ số chuẩn của Nhật Bản và Hàn Quốc dẫn đầu mức giảm trong khu vực, trong khi cổ phiếu Australia đóng cửa ở mức thấp chưa từng thấy trong hơn một năm.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 2,71% xuống 2.299,08, mức thấp nhất kể từ ngày 6 tháng 1, trong khi chỉ số Kosdaq giảm 3,5% xuống 743,85, mức thấp nhất kể từ ngày 31 tháng 1.
Điều này xảy ra khi cổ phiếu của nhà cung cấp chip Hàn Quốc SK Hynix giảm sau khi công bố khoản lỗ ròng 2,18 nghìn tỷ won (1,61 tỷ USD) trong quý 3, trái ngược với mức lãi ròng 1,11 nghìn tỷ won cùng kỳ năm trước.
Tổng sản phẩm quốc nội của Hàn Quốc tăng 0,6% trong quý 3 so với quý trước, cao hơn một chút so với dự kiến so với cuộc thăm dò của Reuters.
Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2,14% xuống 30.601,78 và chỉ số Topix giảm 1,34% xuống 2.224,25.
Tại Úc, chỉ số S&P/ASX 200 đóng cửa giảm 0,61% ở mức 6.812,30, chạm mức thấp nhất kể từ cuối tháng 10 năm 2022.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 0,35%, trong khi chỉ số CSI 300 chuẩn của Trung Quốc là chỉ số duy nhất nằm trong vùng tích cực, tăng 0,24%.
S&P 500 đóng cửa dưới mức quan trọng vào thứ Tư sau kết quả kinh doanh hàng quý đáng thất vọng từ Alphabet, công ty mẹ của Google và sự phục hồi của lãi suất.
Chỉ số chuẩn giảm 1,43%, đóng cửa ở mức 4.186,77, kết thúc ngày ở dưới mức 4.200 đang được các nhà phân tích biểu đồ theo dõi rộng rãi. Đây là lần đầu tiên S&P 500 đóng cửa dưới ngưỡng này kể từ tháng 5.
Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones giảm 105,45 điểm, trong khi Nasdaq Composite mất 2,43%.
Thị trường chứng khoán châu Âu mở cửa giảm mạnh vào thứ Năm do sự chú ý vẫn dồn vào thu nhập quý 3 và lãi suất trái phiếu chính phủ.
Stoxx 600 khu vực đã giảm 1,1% lúc 8:14 sáng giờ London, với gần như tất cả các lĩnh vực đều chìm trong sắc đỏ. Cổ phiếu ô tô giảm 3,45% do kết quả đáng thất vọng, trong khi cổ phiếu du lịch giao dịch thấp hơn 1,7%.
Standard Chartered đã giảm hơn 12% vào đầu phiên giao dịch trước khi giảm nhẹ mức lỗ xuống còn 10%. Ngân hàng Anh đã báo lỗ lớn về lợi nhuận khi tiết lộ khoản lỗ 1 tỷ USD do tiếp xúc với lĩnh vực ngân hàng và bất động sản Trung Quốc.