Cuộc so tài với đội tuyển nữ Đức lúc 23 giờ 15 hôm qua (24.6) được xem như đề bài “tốt nghiệp”, giúp ban huấn luyện đội tuyển nữ Việt Nam đánh giá tổng thể sự tiến bộ của cầu thủ sau chuyến tập huấn ở châu Âu kéo dài 3 tuần qua.
Đó là bài kiểm tra khó nhằn, bởi đội tuyển nữ Đức đứng thứ hai trên bảng xếp hạng FIFA, có 2 lần vô địch World Cup và 8 lần lên đỉnh cao EURO. Trong lịch sử bóng đá nữ Việt Nam, các cầu thủ chưa từng gặp đối thủ nào mạnh như vậy. Ngay cả khi ra sân với đội hình xáo trộn và thi đấu với tinh thần thử nghiệm, Đức cũng ở đẳng cấp cao hơn nhiều so với thầy trò ông Mai Đức Chung.
Tuy nhiên trên sân Berberer Berg (Offenbach, Đức), Hải Yến cùng đồng đội đã có trận đấu xuất sắc. Không có 2 trụ cột Huỳnh Như và Chương Thị Kiều, đội tuyển nữ Việt Nam đã chơi với sơ đồ 5-4-1 mà ông Mai Đức Chung huấn luyện đặc biệt cho học trò, nhằm để dành cho sân chơi World Cup. 5 hậu vệ đá giăng ngang để bảo vệ trung lộ, 4 tiền vệ tích cực lùi về tạo ưu thế quân số để tranh chấp, trong khi tiền đạo cắm Hải Yến đá trên cùng, nhưng liên tục hỗ trợ đồng đội triển khai bóng khi giành lại quyền kiểm soát.
Nếu 1 năm trước, đội tuyển nữ Việt Nam bị ngợp dẫn đến vỡ trận ở cuộc so tài với Pháp (thua 0-7 chung cuộc), thì trận đấu tại Offenbach đã diễn ra theo chiều hướng khác. Dù cũng thủng lưới sớm, nhưng các học trò của HLV Mai Đức Chung đã tổ chức bọc lót, giữ cự ly đội hình tốt. Đây cũng là điểm tiến bộ của đội tuyển nữ Việt Nam sau quãng thời gian tập huấn tại châu Âu và trau dồi chuyên môn với đối thủ mạnh. Bên cạnh cải thiện sức rướn và khả năng tranh chấp, các cầu thủ cũng đọc tình huống tốt hơn, thi đấu khôn khéo hơn trước đối thủ mạnh vượt trội về thể hình.
Hệ thống phòng ngự phản công của đội tuyển nữ Việt Nam đã hoạt động nhịp nhàng, khiến hàng tấn công của đội tuyển nữ Đức bế tắc trong suốt hiệp 1. Bên cạnh phòng ngự tốt, đội bóng áo đỏ còn tạo ra cơ hội rõ ràng từ những pha dàn xếp tấn công chất lượng, trong đó đáng kể nhất là cú sút xa khiến thủ môn Đức phải bay người hết cỡ để cứu thua của Dương Thị Vân.
Ngay trước đó, Thúy Hằng đã di chuyển kéo hậu vệ đối thủ rồi nhả lại cho đồng đội xử lý. Đó là những mảng miếng đội tuyển nữ Việt Nam cần có ở World Cup 2023, bởi khi thua kém đối thủ về sức mạnh và tốc độ, các cầu thủ cần tận dụng sự linh hoạt và khéo léo để làm nên chuyện.
Pha phản công dẫn đến bàn thắng của Thanh Nhã ở phút bù giờ là bài tấn công chuẩn mực của đội tuyển nữ Việt Nam, khi trừng phạt hàng thủ đội tuyển nữ Đức chỉ với một đường chuyền xuyên tuyến. Bàn thắng của tiền đạo sinh năm 2001 rất ấn tượng, khi Thanh Nhã đánh bại thủ môn Merle Frohms (từng 2 lần vô địch Champions League) bằng cú sút chân trái quyết đoán vào góc xa. Dù vậy, cần nhớ trước khi Thanh Nhã ghi bàn, đội tuyển nữ Việt Nam đã có hai tình huống đối mặt gần tương tự, khác biệt ở chỗ Tuyết Dung và Vũ Thị Hoa đều không tận dụng thành công.
Những pha phản công của đội tuyển nữ Việt Nam đều xuất hiện khi Đức đẩy cao đội hình, dẫn đến sơ hở trong phòng ngự. Nhưng quan trọng là để tung được đòn phản kích, các học trò của ông Chung đã gồng mình chịu đựng áp lực và bình tĩnh dàn xếp tấn công khi có cơ hội. Đó là khác biệt của đội tuyển nữ Việt Nam hiện tại so với trước đây, ở những trận thua gần như “cam chịu” trước Pháp, Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Việc không choáng ngợp trước danh tiếng của đối thủ, thi đấu sòng phẳng và hóa giải áp lực, đó là điểm cộng trong lễ trưởng thành của đội tuyển nữ Việt Nam.
Trước đây, các học trò của HLV Mai Đức Chung được khen ngợi là “những cô gái kim cương”, với bản lĩnh vững vàng cùng năng lực vượt khó. Tuy nhiên, mấu chốt để làm nên chuyện trong bóng đá vẫn phải là yếu tố chuyên môn. Đội tuyển nữ Việt Nam đã chơi hợp lý, có chiến thuật phù hợp, đấu pháp đúng đắn để biến sức mạnh tinh thần thuần túy thành màn trình diễn giá trị thực sự.
Cố gắng thôi là chưa đủ, mà còn cần cố gắng đúng cách. Đó là chỉ dẫn quen thuộc của HLV Mai Đức Chung dành cho học trò. Trận đấu đầy nỗ lực trước đội bóng mạnh như Đức cho thấy, đội tuyển nữ Việt Nam đã sẵn sàng cho World Cup 2023.