Hà cảm nhận được rất rõ nỗi trăn trở trong lòng mẹ. Đã mấy lần mẹ quay mặt về phía Hà toan nói điều gì đó nhưng thấy cô nằm im nên lại thôi. Tiếng thở dài của mẹ bật ra, đứt đoạn, khiến trái tim bé nhỏ của Hà như đang bị một bàn tay bóp chặt, đau đớn. Cô nằm im không dám trở mình, cố dỗ giấc ngủ mà không được. Nước mắt cô lặng lẽ rơi trong đêm tối, nóng hổi, mặn chát. Chưa bao giờ Hà lại thấy bóng đêm hữu ích đến vậy…
Tờ giấy báo trúng tuyển vào đại học vẫn nằm im trong ngăn tủ cũ kỹ. Không cần mở ra, Hà cũng có thể đọc thuộc tất cả thông tin ghi trên đó: Bộ Giáo dục và Đào tạo… Giấy báo nhập học… Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học X. trân trọng thông báo anh (chị) Nguyễn Thị Hà. Sinh ngày… Địa chỉ … Kính mời anh (chị) có mặt tại Trường Đại học X. để làm thủ tục nhập học. Thời gian nhập học từ ngày… Hà và mẹ đã xem đi xem lại không biết bao nhiêu lần tờ giấy báo ấy. Mẹ khóc vì sung sướng, tự hào. Hà khóc vì ước mơ trở thành sinh viên của cô cuối cùng cũng thành sự thực. Hàng xóm cũng khóc vì mừng cho hai mẹ con Hà. Bác Đào nói vui rằng ở cái làng này chắc chỉ có tờ giấy báo nhập học của Hà là thấm nhiều nước mắt nhất. Nhưng khi giọt nước mắt hạnh phúc chưa kịp ráo thì bao nhiêu lo lắng đã chen nhau xô tới. Sự bế tắc khiến Hà bỗng chốc như thấy lại hình ảnh cô bé lớp 10 năm nào rúm ró, sợ hãi ngồi chờ mẹ bên ngoài phòng phẫu thuật. Chẳng bao giờ Hà quên được thời khắc đó – giây phút cánh cửa phòng bật mở, bác sĩ bước ra thông báo cuộc phẫu thuật đã thành công, Hà òa khóc nức nở. Cho đến lúc ấy cô bé mới tin mẹ không đi theo ba về miền xa thẳm như nhiều năm trước đó. Chỉ cần còn có mẹ ở bên, dẫu mẹ bị mất sức lao động sau tai nạn ở nhà máy cũng có hề gì. Hà sẽ nghỉ học, đi làm kiếm tiền để chăm lo cho mẹ. Cô bé hạ quyết tâm như thế. Lần ấy, thầy giáo chủ nhiệm cùng các thầy cô khác và cả tập thể lớp 10B ra sức động viên, giúp đỡ rất nhiều nên cuối cùng Hà đã quay trở lại ghế nhà trường. Một buổi đi học, một buổi phụ việc ở quán cơm, Hà nỗ lực gấp mấy lần bạn bè cùng trang lứa để có thể vừa đi học vừa gồng gánh cuộc sống của hai mẹ con. Cô bé khát khao đến cháy bỏng sự bình yên trong ngôi nhà nhỏ. Cô sớm hiểu chỉ con đường học vấn mới có thể mang lại cho mẹ con cô sự ổn định lâu dài.
Nhưng giờ đây, khi cánh cửa vừa mở ra trước mắt thì Hà lại rơi vào cái bế tắc đời thường không thoát ra được. Tờ giấy báo nhập học thông báo các con số rất cụ thể về các khoản thu nộp: tiền học phí, tiền bảo hiểm sức khỏe, tiền ở ký túc xá… Hà nhẩm tính sơ sơ, và con số gần 10 triệu như một cú nổ ầm vang lên trong đầu khiến cô xây xẩm cả mặt mày. Mười triệu, với hai mẹ con Hà thì đó là cả một gia tài. Rồi tiền ăn hằng ngày, tiền thuốc thang cho mẹ… Hà đi học, ai sẽ là người chăm sóc mẹ lúc trái gió trở trời? Hay là từ bỏ? Câu hỏi đó trở đi trở lại trong đầu Hà nhưng cô không đành lòng buông bỏ. Cho đến khi Hà thấy mẹ đi gặp mụ Hoa béo chuyên cho vay nặng lãi ở cuối làng… Cô dứt khoát đem cất tờ giấy báo nhập học vào tủ. Hà cầm tay mẹ, nói ngắn gọn nhưng tha thiết:
– Mẹ đừng vay tiền, con không đi học đâu. Vài hôm nữa bác Tiến về, con sẽ nhờ bác ấy xin cho con vào làm ở xưởng may công nghiệp ở làng bên. Con đủ tuổi lao động rồi nên họ sẽ nhận hồ sơ mẹ ạ.
– Mẹ thật có lỗi vì không lo được cho con… – Giọng mẹ nghẹn lại.
– Con không sao mà mẹ. Mẹ cứ nói vậy thì con sẽ buồn lắm – Hà an ủi mẹ.
Bà Sinh im lặng. Hà vừa xoa bóp tay chân cho mẹ vừa kể chuyện vui để mẹ không nhận ra nỗi buồn đang xâm chiếm lấy cô. Thôi, đành vậy…
2. Trưa. Trời nắng như đổ lửa. Hà về muộn hơn so với mọi ngày. Hôm nay quán có khách đặt cơm. Những ngày như vậy công việc sẽ vất vả hơn nhưng Hà rất vui vì ngoài số tiền công được nhận thì bác chủ quán còn cho Hà mang về khá nhiều thức ăn dư thừa. Chỗ thức ăn ấy đủ cho hai mẹ con mấy ngày…
Về đến đầu ngõ, Hà nghe có tiếng nói chuyện trong nhà. “Khách nào mà đến vào giờ này nhỉ?”, Hà băn khoăn tự hỏi. Cô đi vòng ra sau nhà để xuống bếp cất gói thức ăn rồi mới bước lên. Mẹ vẫn nằm trên giường, còn người khách ngồi trên chiếc ghế duy nhất trong nhà. Hà giật mình khi thấy bóng lưng quen thuộc. Vừa lúc ấy, vị khách quay người lại. Hà lúng túng chào:
– Em chào thầy ạ!
– Hà về rồi à con? – Mẹ nói – Thầy Minh đợi con lâu rồi đấy.
Nhìn thấy đứa học trò mà mình thương như con gái, thầy Minh vẫy tay bảo cô lại gần. Thầy ấn vào tay Hà chiếc phong bì, nhỏ nhẹ nói:
– Chỗ này không nhiều nhưng cũng vừa đủ tiền để em làm thủ tục nhập học. Thầy vừa trao đổi với mẹ em rồi. Từ nay, mỗi tháng lĩnh lương thầy sẽ trích ra một triệu để cho em ăn học. Số tiền này cứ xem như thầy cho em vay, khi nào ra trường có công việc ổn định rồi trả lại cho thầy cô sau. Quyết định như thế nhé?
Hà ngơ ngác, cô không biết mình có nghe nhầm không. Khi ngước mắt lên bắt gặp ánh nhìn trìu mến của thầy, cô bật khóc…
3. Đêm. Gió thổi vù vù từng cơn, len lỏi qua khe cửa vào phòng làm không khí lạnh buốt. Hôm nay gió mùa đông bắc tràn về. Hà ngồi co ro sát lại cây đèn bàn, chút hơi ấm ít ỏi từ bóng đèn sợi đốt chẳng làm cô đỡ lạnh đi chút nào. Hà cố tập trung vào trang sách để quên đi cái đói, cái rét và cả nỗi lo sợ phập phồng khi nghĩ về mẹ ở quê nhà. Cứ mỗi khi trời trở rét, ngoài căn bệnh hen suyễn và thấp khớp hành hạ, mẹ còn chịu nỗi đau do di chứng vết thương sau tai nạn. Hồi còn ở nhà, tằn tiện chi tiêu, tiền làm thêm của cô cũng đủ lo sinh hoạt cho hai mẹ con và cắt cho mẹ dăm thang thuốc. Còn bây giờ… Hà co gối, ôm mặt thở hắt ra, cố xua đi những suy nghĩ ảm đạm trong đầu.
Kể từ ngày trở thành sinh viên đến nay đã năm tháng trôi qua nhưng Hà chưa trở về thăm nhà lần nào. Nhớ mẹ da diết, nhưng nghĩ đến khoản tiền xe cả đi lẫn về đủ để ăn tiêu cả tháng thì Hà lại cố ép mình lại. Cô vẫn chưa xin được việc làm thêm. Sau mỗi cái lắc đầu của một chủ quán, Hà lại cảm thấy bước chân của cô nặng nề hơn. Giá bây giờ có thật nhiều tiền… Có tiền, chắc chắn mẹ sẽ khỏe, cô cũng không cần nhận hỗ trợ từ gia đình thầy. Hà biết, thầy Minh thương cô, nhưng vợ chồng thầy đều là giáo viên, đồng lương không phải dư dả, lại thêm hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học và bà mẹ già…
4. – Hà ơi, mở cửa cho chị với.
Là tiếng chị Hạnh. Hà mở cửa. Chị Hạnh nhanh nhẹn lách người vào trong, theo sau đó là luồng gió lạnh bên ngoài cũng ào cùng với mùi rượu phả ra từ chị khiến cô run rẩy. Cô vội đóng cửa lại rồi rót cho chị Hạnh một cốc nước ấm. Chị áp cả hai bàn tay vào thành cốc nóng rẫy rồi xoa xoa úp tay lên mặt. Được một lúc chừng như tay đỡ cóng, chị uống từng ngụm nước nhỏ, gương mặt chị bắt đầu hồng hào trở lại. Chợt nhớ ra điều gì, chị Hạnh kéo cái túi xách lấy ra một ổ bánh mì vẫn còn ấm đưa cho Hà. Nhìn chiếc bánh, bụng Hà bắt đầu biểu tình, nhưng cô nén lại nhẹ nhàng từ chối:
– Thôi, chị để mà ăn. Em không quen ăn đêm.
– Cầm lấy, chị mua cho mày đấy. Cứ ngày hai bữa mì tôm, một tuần mới ăn một bữa cơm lại còn thức khuya thế thì sức đâu cho lại. Hay là mày chê chị?
Nghe ngữ điệu lời nói của chị vừa có vẻ gay gắt vừa thương yêu, biết không thể từ chối nữa, Hà cầm lấy chiếc bánh ăn nhỏ nhẻ từng miếng. Chị Hạnh vừa thay bộ quần áo ngủ vừa gọi Hà lại ngủ chung để ủ ấm giúp chị. Hà biết, chị nói thế để cô rời khỏi chiếc giường của mình sang nằm chung đệm êm chăn ấm của chị. Hơi ấm quả thật dễ chịu nhưng Hà chẳng ngủ được, cứ nhắm mắt là cô lại thấy hình ảnh mẹ nằm một mình trong căn nhà nhỏ trống gió. Sợ chị Hạnh mất ngủ, Hà nằm im nén tiếng thở dài. Chợt chị Hạnh hỏi nhỏ:
– Không ngủ được à?
– Vâng, em lo cho mẹ chị ạ – Hà thở hắt ra. Im lặng một lúc, Hà quay sang thì thầm:
– Chị, hay là chị xin cho em đi làm chỗ chị nhé?
– Hả? – Chị Hạnh giật mình nói to. Rồi chị hạ giọng – Sao tự nhiên lại đòi đi làm chỗ chị?
– Em cần tiền. Từ lúc em đi học, mẹ uống thuốc thất thường lắm. Mà trời lại rét như thế này, em sợ… – Hà ngập ngừng.
– Chỗ ấy phức tạp lắm em ạ, không phù hợp với những đứa như mày đâu – Giọng chị Hạnh chùng xuống. Ngừng một lúc như suy nghĩ điều gì, chị nói tiếp – Thôi, để chị bảo đứa bạn nhường cho mày một cua mà dạy tạm đã rồi tính tiếp.
– Nhưng như thế liệu có ảnh hưởng gì đến chị ấy không ạ? – Hà rụt rè hỏi.
– Không sao đâu, nhà nó khá giả lắm, đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm ấy mà. Thôi đừng suy nghĩ nữa, ngủ đi.
Dứt lời, chị Hạnh vòng tay ôm lấy Hà, chỉ một lúc sau bên tai cô đã nghe hơi thở đều đều của chị. Căn phòng im lặng, chỉ còn tiếng thạch sùng tặc lưỡi trong đêm. Hà cuộn mình trong vòng tay ôm ấm áp của chị Hạnh, lòng khấp khởi hy vọng. Bên tai cô văng vẳng lời thầy dặn trước ngày nhập học: Chỉ cần chính mình không từ bỏ thì đường đi có gian khổ thế nào cũng nhất định sẽ tới đích.
5. Hà trở về sau một chuyến công tác ở miền núi. Sau nửa tháng vừa đi kêu gọi sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm vừa xông xáo tham gia trực tiếp vào dự án “Bếp ăn yêu thương” dành cho một điểm trường mầm non của huyện Đồng Văn, Hà gầy đi trông thấy nhưng trên gương mặt cô sáng bừng niềm vui.
Vừa đặt va li xuống, Hà đã nghe tiếng cô chủ nhà gọi ngoài cửa:
– Hà ơi, sáng nay bé Hiền tới. Cháu không có nhà nên con bé gửi cho cháu cái túi này này.
Hà đưa hai tay đón lấy chiếc túi, cảm ơn cô chủ nhà. Quay vào, Hà mở túi ra xem, trong đó có chục chiếc bánh mật gói lá chuối và một tờ giấy nhắn: “Chị ơi, hôm qua em về thăm nhà, mẹ biết chị thích ăn bánh mật nên gói một ít gửi ra cho chị. Chị ăn ngon miệng nhé. Em Hiền”. Hiền chính là cô bé sinh viên năm nhất mà cô tình cờ gặp ngoài quán ăn. Hôm đó, cô bé chỉ gọi một bát cơm trắng và xin thêm chút nước mắm ăn cơm. Thấy cảnh đó, Hà như thấy lại bản thân mình mười năm trước. Cô bước lại gần, đưa cho cô bé địa chỉ một trung tâm gia sư mà cô vẫn luôn hỗ trợ. Con bé nhìn Hà như nhìn một vị cứu tinh. Hà mỉm cười khẽ nói: “Cố gắng lên, chị tin là em làm được”.
Hà mở rộng cửa sổ. Làn gió se lạnh lùa vào mang theo hương hoa sữa thoang thoảng. Cầm chiếc bánh mật trên tay, mùi lá chuối khô quyện với hương hoa và vị ngọt của bánh, Hà có cảm giác cả căn phòng được ướp hương…
Nguồn: https://thanhnien.vn/ban-tay-tang-hoa-luu-lai-mui-huong-truyen-ngan-du-thi-cua-chu-thi-minh-thuy-thanh-hoa-185240622190640591.htm