Bán hàng kiểu đặc biệt
Tháng 5, tháng 6, vải thiều chín phủ một màu đỏ rực khắp các khu vườn đồi ở Hải Dương, Bắc Giang,… Nông dân tất bật thu hái. Vải chín được chất đầy lên xe thồ nối đuôi nhau ra chợ. Hoạt động mua bán diễn ra nhộn nhịp. Từ đây, vải theo những chiếc xe tải, xe container tỏa đi khắp cả nước tới các ngõ chợ, lên quầy kệ siêu thị; vải còn lên máy bay, xuống tàu biển đi sang nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Cứ như vậy, những năm gần đây, trái vải thiều đã nổi danh toàn cầu, không đi buôn chuyến. Nhà vườn trồng vải ở Bắc Giang và Hải Dương đều đặn thu gần chục ngàn tỷ đồng mỗi năm, đồng thời thoát khỏi tình trạng “được mùa rớt giá”, hay điệp khúc “giải cứu”.
Song song với trồng vải bán quả, người nông dân ở các thủ phủ vải thiều bắt đầu bước vào “cuộc đua” mới để gia tăng giá trị.
Dẫn khách vào khu vườn vải thiều chín đỏ được bao quanh bởi dòng sông thơ mộng ở tiểu khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn, xã Thanh Khê (Thanh Hà, Hải Dương), trên tay cầm chùm vải thiều mời du khách, chị Phạm Thị Liêm tươi cười kể về câu chuyện tạo ra thứ quả thơm ngon, ngọt lịm, chất chứa tấm chân tình của người nông dân nơi đây.
Đây là năm thứ hai chị Liêm mở cửa đón khách du lịch vào tham quan và trải nghiệm hái vải thiều tươi tại vườn nhà mình.
Du khách tới vườn được ngồi thuyền đi trên dòng sông uốn lượn, ngắm những cây vải đỏ rực trái chín. Thuyền cập bến, họ đi len lỏi dưới tán cây xanh mát, tự tay hái những chùm vải chín và thưởng thức hương vị ngọt thơm của loại trái cây đặc sản này.
Chỉ 30.000 đồng một vé vào chụp ảnh, 50.000 đồng một vé du lịch trải nghiệm hái vải thiều ăn tại vườn. Mùa vải thiều năm ngoái, chị đón 6.000-7.000 lượt du khách nội địa và quốc tế. Khách ra về người nào cũng mua 5-20kg vải chín, chị không còn phải đem hàng ra chợ bán như trước.
“Từ đầu tháng 6 đến nay, vườn vải nhà tôi ngày nào cũng đón hàng trăm du khách. Cuối tuần, lượng khách du lịch đổ về tới 400-500 người”, chị nói.
Tại thủ phủ vải thiều Bắc Giang, lão nông Trần Văn Hành ở thôn Chão (Giáp Sơn, Lục Ngạn) cũng là một trong những người tiên phong xây dựng mô hình du lịch vườn vải thiều.
Giữa tháng 3 mùa hoa vải bung nở, vườn chính thức mở đón khách. Ông Hành liên kết với doanh nghiệp lữ hành, hàng ngày đón các đoàn khách vào vườn tham quan, chụp ảnh, cắm trại. Đích thân ông, hoặc hướng dẫn viên du lịch, kể tường tận về quy trình trồng và chăm sóc vườn suốt 30 năm qua để tạo ra quả vải thiều chất lượng cao nhất.
Tính đến nay, vườn nhà ông đã đón khoảng 4.000 lượt du khách đến tham quan, giá vé 100.000 đồng/người. Khách trải nghiệm ăn vải và mua vải tại vườn.
Điều khiến ông vui mừng hơn, một số du khách còn đặt mua cả cây vải thiều với giá từ 10-10,5 triệu đồng/cây.
“Họ mua vì trân trọng quá trình người nông dân làm ra trái vải, muốn một lần tự tay hái quả chín ăn”, ông nói. Trong vườn, dưới gốc cây đều được cắm biển tên người sở hữu. Khi quả chín, họ có thể lên vườn tự tay hái vải, hoặc ông thu hái và đóng thùng gửi tới địa chỉ được yêu cầu.
“Tôi muốn làm nông nghiệp đa giá trị, không chỉ đơn thuần là trồng vải bán quả mà bán cả câu chuyện trên đồi vải. Tôi đang trồng thử nghiệm loại vải thiều cho chất lượng đặc biệt, hướng tới phân khúc cao cấp”, ông Hành tiết lộ.
Ngoài để bán ăn theo cân, nhiều nhà vườn còn làm vải chất lượng cao, đóng vào hộp với bao bì nhãn hiệu sang trọng, có chỉ dẫn địa lý rõ ràng để đưa vào phân khúc quà biếu tặng.
Ví như thương hiệu vải trứng Phù Cừ (Hưng Yên) có giá bán lên tới 180.000-200.000 đồng/kg, một hộp 5kg giá 880.000-920.000 đồng vẫn “cháy hàng”.
Chạm tới cảm xúc của người tiêu dùng
Nói về câu chuyện tiêu thụ nông sản, nhiều lần Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan nhắc tới xu hướng tiêu dùng nay đã thay đổi. Người dân giờ không chỉ ăn no mà còn cần ăn ngon. Họ không chỉ mua ăn mà còn mua làm quà biếu tặng nên chuộng những mặt hàng chất lượng có câu chuyện, có yếu tố văn hóa, lịch sử…
Thế nên, nếu nông dân bán xoài ở Đồng Tháp chỉ biết bán xoài thì chưa giàu được, tương tự người trồng sầu riêng ở Tây Nguyên nếu không biết bán hình ảnh, bán chữ tín của mình cũng không thể làm giàu. Nông dân ngày nay không chỉ bán quả xoài hay sầu riêng, mà là bán chữ tín, bán hình ảnh của mình, ông nhấn mạnh.
Đầu tháng 6 này, tới thăm mô hình vườn vải du lịch sinh thái tại xã Giáp Sơn (Lục Ngạn), Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ cảm xúc: “Quá tuyệt vời!”. Ông đã đặt mua cả cây vải thiều tại vườn của gia đình ông Nguyễn Văn Sơn ở xã Quý Sơn (Lục Ngạn) vì quá ấn tượng với mô hình “Cây vải vườn nhà”.
Theo Bộ trưởng Hoan, mô hình vườn vải du lịch sinh thái chính là kênh tiêu thụ nông sản tại chỗ rất hiệu quả. Đây cũng là kênh tiêu thụ rất đặc biệt khi du khách đến có thể trực tiếp trải nghiệm và cảm nhận được chất lượng trong từng trái vải, cảm nhận được trách nhiệm cao của người nông dân.
Ông nhấn mạnh, đây là con đường chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp mà đơn giản là tạo ra giá trị nhiều hơn, cao hơn, bằng cách tiếp cận đa mục tiêu để nhận lại đa giá trị. Nông nghiệp du lịch là một gợi mở thú vị.
Theo Bộ trưởng, tầng đầu tiên là kinh tế hàng hoá, sản xuất và mua bán đơn thuần. Tầng tiếp theo quan tâm thương mại hóa, đến dịch vụ, để tạo ra giá trị tăng thêm. Tầng cao nhất của nấc thang giá trị là kinh tế trải nghiệm, đem đến sự độc đáo, nét khác biệt, bằng cách “chạm” đến cảm xúc của khách hàng, của người tiêu dùng một cách tự nhiên và gần gũi.
Từ những tour trải nghiệm ở vườn vải thiều sẽ lan toả giá trị mới, giá trị của sinh thái, tự nhiên. Từ Giáp Sơn, rồi cả miền Lục Ngạn và phủ khắp Bắc Giang, Hải Dương. Từ những vườn vải sẽ tạo hiệu ứng tích cực lan toả đến các vườn cây ăn quả và các ngành hàng nông sản khác. Để giống như những nhà vườn trồng vải thiều, nông dân ở nhiều nơi có thể chạm tới giá trị cao nhất của nông sản.