Theo đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm nay, chắc chắn ngành hàng rau, quả sẽ có kỷ lục mới, dự kiến sẽ thu về từ 7,1 – 7,2 tỷ USD.
Xuất khẩu rau, quả – những con số ấn tượng
Tháng 11/2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam giảm, trong đó có sầu riêng do Tây Nguyên vào cuối vụ thuận, còn Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ vào vụ nghịch. Theo ước tính, xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 11/2024 đạt 500 triệu USD, giảm 3,8% so với tháng trước, nhưng vẫn tăng tới 34,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta đạt khoảng 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, kết thúc 11 tháng năm 2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã đạt con số ấn tượng. Sự tăng trưởng vượt bậc của sản lượng các loại trái cây chủ lực, kết hợp với việc khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc, đã giúp xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong thời gian qua.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, đóng góp phần lớn vào tốc độ tăng trưởng chung toàn ngành trong 10 tháng năm 2024 là mặt hàng sầu riêng, tỷ trọng chiếm 49,11% tổng kim ngạch, đạt trên 3 tỷ USD, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu nhiều chủng loại rau quả khác tăng, gồm: dừa (tăng 60,6%); chuối (tăng 26,8%); xoài (tăng 43,5%); mít (tăng 21,3%); hạt dẻ cười (tăng 40,4%); hạnh nhân (tăng 58,2%); dưa hấu (tăng 53,7)… Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu thanh long và chanh leo giảm lần lượt 18,1% và 24,1%.
11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta đạt khoảng 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, các thị trường khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hong Kong,… chiếm khoảng gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành rau, quả; 20% còn lại sẽ xuất khẩu đến thị trường châu Âu, Mỹ, Trung Đông,… Do đó, các chuyên gia cho rằng, thị trường khu vực Đông Bắc Á rất quan trọng đối với ngành rau, quả Việt Nam.
Để thâm nhập vào các thị trường này, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, chúng ta cũng cần nâng cao chất lượng, không để xảy ra các vi phạm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Khi đó, chúng ta sẽ chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu.
Cùng với sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do, nghị định thư,… khi đó, kim ngạch xuất khẩu rau, quả sẽ gia tăng. Bằng chứng cho thấy, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu đi sau Thái Lan gần 10 năm, nhưng đến nay, chúng ta cũng đã vượt lên gần bằng Thái Lan. Hay với mặt hàng chuối, trước đây, chúng ta chỉ đứng hàng thứ hai, thứ ba khi xuất khẩu sang Trung Quốc, nay đã vươn lên vị trí thứ nhất. Vị trí địa lý thuộc Đông Nam Á, bờ biển Đông dài 3.260km cùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với lượng mưa lớn hàng năm là những điều kiện thuận lợi cho ngành trồng trọt, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về sản xuất và xuất khẩu rau, hoa, quả nhiệt đới trên thị trường khu vực và quốc tế.
Triển vọng thị trường vẫn “sáng”
Theo đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm nay, chắc chắn ngành hàng rau, quả sẽ có kỷ lục mới. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau, quả chỉ đạt 3,3 tỷ USD. Năm ngoái, chúng ta đã có kỷ lục 5,6 tỷ USD, dự kiến năm nay sẽ thu về từ 7,1 – 7,2 tỷ USD. Trong “bức tranh” chung của xuất khẩu rau, quả, đều ghi nhận sự tăng trưởng về kim ngạch đối với từng nhóm mặt hàng so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, tăng trưởng nhiều nhất là mặt hàng sầu riêng. Dự kiến, năm nay, xuất khẩu mặt hàng này sẽ thu về trên 3,2 tỷ USD. Nhờ xuất khẩu sầu riêng tăng 1 tỷ USD so với năm ngoái đã đẩy kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành tăng trên 7 tỷ USD.
Riêng với những mặt hàng như chanh leo, bưởi, dừa tươi, sầu riêng đông lạnh, đây là những mặt hàng mới mở cửa thị trường, các doanh nghiệp còn đang loay hoay trong vấn đề xin mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, thiết lập quan hệ với các đối tác nước ngoài. Hay nói cách khác, hiện các doanh nghiệp đang trong quá trình chuẩn bị. Một số mặt hàng như trái bưởi, trái dừa đã xuất khẩu những chuyến hàng đầu tiên nhưng chưa nhiều. Sang năm, những mặt hàng này mới có thể phát huy được lợi thế.
Dự báo xuất khẩu rau quả trong tháng cuối năm sẽ đối mặt với những thách thức nhất định do nguồn cung một số loại trái cây chủ lực giảm. Tuy nhiên, nhu cầu thị trường thế giới tăng cao, đặc biệt là Trung Quốc, cùng với các Hiệp định thương mại sẽ là động lực hỗ trợ xuất khẩu.
Ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, xuất khẩu rau quả Việt Nam vẫn còn nhiều “cửa sáng” và kỳ vọng con số xuất khẩu sẽ tăng cao hơn trong những năm tới. Trước đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu xuất khẩu rau, quả đến 2025 sẽ đạt con số 5 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2023, chúng ta đã ghi nhận con số 5,6 tỷ USD và năm nay dự kiến thu về trên 7 tỷ USD.
Nguồn: https://danviet.vn/ban-sau-rieng-dua-chuoi-mit-ca-hat-de-cuoi-ra-the-gioi-viet-nam-chac-thu-7-ty-usd-20241216163928985.htm