Nợ thuế phát sinh trước khi thành lập ban
Ngày 6.6, trao đổi với Báo Lao Động, đại diện Ban Quản lý dự án chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (gọi tắt là Ban) cho biết, đã có nhận quyết định của cơ quan thuế về việc cưỡng chế, ngừng sử dụng hóa đơn.
Theo ông Trần Văn Tấn – Trưởng phòng Hành chính – Kế toán, đây là khoản tiền thuế chậm nộp nhưng còn đang vướng mắc, vụ việc đã được Ban báo cáo UBND tỉnh, và hiện nay đang được Thanh tra Sở Nội vụ tổng hợp hồ sơ để tìm hướng giải quyết.
Ông Tấn cho biết, khoản tiền này phát sinh từ trước khi thành lập Ban vào năm 2017. Sau đó được chuyển giao cho Ban phụ trách giải quyết, nhưng bị vướng mắc từ trước đó kéo dài đến nay nên chưa thể giải quyết dứt điểm.
Quá trình giải quyết kéo dài làm phát sinh thêm thuế chậm nộp hàng trăm triệu đồng mỗi năm và tiếp tục cộng dồn. Đơn cử như vào năm 2022, số tiền thông báo là hơn 12 tỉ đồng, thì đến năm 2024 số tiền thông báo nợ thuế là hơn 13 tỉ đồng. Và do chưa giải quyết được nên mỗi năm đơn vị đều nhận thông báo và quyết định cưỡng chế của cơ quan thuế.
“Trên thực tế, Ban chỉ quản lý về mặt hành chính nên không có giao dịch cần phải xuất hóa đơn. Cũng không sản xuất, kinh doanh nên không phát sinh tiền thuế trong quá trình hoạt động”, ông Tấn giải thích thêm.
Để giải quyết vấn đề trên, Bà Rịa – Vũng Tàu đã có văn bản báo cáo Tổng Cục Thuế xin ý kiến. Ngày 20.5.2024, Tổng Cục Thuế có văn bản mới nhất trả lời, đề nghị Bà Rịa – Vũng Tàu liên hệ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn thực hiện.
Phát sinh khoản chậm nộp thuế như thế nào?
Trước đây, dự án thu gom và xử lý nước thải TP Bà Rịa được đầu tư bằng nguồn vốn ODA Chính phủ Thụy Sĩ và vốn ngân sách tỉnh có tổng vốn 720,56 tỉ đồng. Dự án chia làm 5 gói thầu, trong đó Công ty Alpha Umelttechnik AG (gọi tắt là nhà thầu A – Thụy Sĩ) thực hiện. Lúc này nhiệm vụ chủ đầu tư là Công ty Thoát nước và Phát triển đô thị – Busadco (nay là Công ty CP Khoa học Công nghệ Việt Nam).
Quá trình triển khai dự án, phía Việt Nam (là Busadco) có trách nhiệm nộp các khoản thuế phát sinh theo pháp luật Việt Nam theo thỏa thuận. Từ năm 2014, đơn vị này đã tiến hành nhưng không thực hiện được vì ngành Thuế đã cấp mã số thuế cho nhà thầu A.
Đến 22.10.2018, Ban nhận nhiệm vụ chủ đầu tư theo quyết định của UBND tỉnh. Đến lúc này, tổng cộng nhà thầu A đã phát hành 2 hóa đơn thanh toán cho Busadco. Và phát sinh vấn đề đơn vị nào có trách nhiệm nộp thuế.
Đến ngày 17.9.2019, Kiểm toán Nhà nước khu vực IV có thông báo nội dung: Ban kê khai, nộp thuế GTGT cho nhà thầu nước ngoài. Tháng 5.2020, UBND tỉnh đồng ý cho phép nộp khoản thuế GTGT hơn 3 tỉ đồng từ nguồn chi phí khác trong tổng mức đầu tư dự án.
Quá trình này liên tục phát sinh các thông báo về tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp… Dù được UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết, song khi triển khai lại bị Kho bạc tỉnh từ chối vì không đảm bảo nguyên tắc kiểm soát, thanh toán… và sau đó có nhiều phát sinh khác.
Hiện nay, tổng số tiền hơn 13,2 tỉ đồng bao gồm: tiền thuế thu nhập doanh nghiệp gần 4,48 tỉ đồng; tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 4,89 tỉ đồng; và tiền chậm nộp thuế GTGT.
Theo ông Trần Thanh Tịnh – Giám đốc Ban, vấn đề trên đang được các cơ quan chức năng tìm hướng giải quyết, tháo gỡ. Nhưng việc bị cơ quan Thuế liên tục có thông báo nợ thuế, cưỡng chế ít nhiều làm ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị nói riêng và Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung.
Đồng thời, bản thân ông Tịnh cũng bị ảnh hưởng, khi nhiều lần nhận được thông tin bị tạm hoãn xuất cảnh với lý do nợ thuế. Dù trước đây từng báo cáo UBND tỉnh để xử lý, giải quyết với ngành Thuế, nhưng đến nay sự việc vẫn tái diễn…
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/ban-quan-ly-o-ba-ria-vung-tau-ly-giai-so-tien-no-thue-dan-den-bi-cuong-che-1349486.ldo