Ban Pháp chế HĐND tỉnh họp thẩm tra các nội dung trình kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh.
Tây Ninh được Ban Tổ chức Trung ương phê duyệt số biên chế cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính và biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2023 như sau: số biên chế cán bộ, công chức là 1.791 biên chế (bằng so với năm 2022); số biên chế viên chức là 17.011 biên chế (giảm 186 biên chế so với năm 2022).
Qua thẩm tra, Ban Pháp chế HĐND tỉnh cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo Nghị quyết giao biên chế cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước năm 2023. Ông Nguyễn Hồng Thanh đề nghị cơ quan tham mưu trình bổ sung làm rõ thêm nguyên tắc phân bổ biên chế, thực trạng biên chế sự nghiệp.
Sau khi giao biên chế, đề nghị UBND tỉnh thực hiện việc tuyển dụng biên chế đủ theo số lượng được phân bổ; việc giảm biên chế phải gắn với việc thực hiện đề án tự chủ đối với sự nghiệp công lập- kể cả lĩnh vực y tế và giáo dục.
Đối với dự thảo Nghị quyết quy định biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị bổ sung vào phần căn cứ ban hành: Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 4.4.2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.
Sau khi được HĐND tỉnh thông qua, đề nghị UBND tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ việc vừa phổ biến giáo dục pháp luật vừa nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hoà giải viên cơ sở trực tiếp làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu.
Lãnh đạo Sở Y tế phát biểu ý kiến tại cuộc họp.
Đối với dự thảo Nghị quyết quy định mức chi bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh, sau khi có chế độ chính sách này, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh triển khai, tuyên truyền, chỉ đạo cho UBND các cấp thực hiện đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế phát sinh; tăng cường công tác rà soát, nhất là rà soát những bất cập, khó khăn, chồng chéo trong quy định của pháp luật.
Đối với dự thảo Nghị quyết ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước thuộc lĩnh vực tư pháp trên địa bàn tỉnh, qua thẩm tra, Ban Pháp chế HĐND tỉnh cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo Nghị quyết. Trong quá trình tổ chức thực hiện, Ban đề nghị rà soát, đánh giá thực tế, kịp thời báo cáo Chính phủ để bổ sung danh mục.
Ông Thành Từ Dũ-Thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh phát biểu ý kiến.
Đối với báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Ban Pháp chế HĐND tỉnh cơ bản thống nhất với các giải pháp, nhiệm vụ đã đề ra và kiến nghị một số nội dung cần quan tâm thực hiện: tăng cường giải pháp phòng ngừa tham nhũng trong từng cơ quan, đơn vị, gắn với phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm hành vi vi phạm vì vụ lợi; UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng hệ thống lại công tác kiểm tra, thanh tra thời gian qua, nhất là những khuyết điểm, vi phạm thường xảy ra để thông báo, nhắc nhở thủ trưởng các cơ quan, đơn vị làm cơ sở để tự kiểm tra, tự sửa chữa, tự khắc phục, tự phòng ngừa.
Đối với báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Ban Pháp chế HĐND tỉnh cơ bản thống nhất với các giải pháp, nhiệm vụ đã đề ra, đồng thời kiến nghị trong 6 tháng cuối năm, UBND tỉnh chỉ đạo cho các địa phương đánh giá, rà soát đội ngũ làm công tác tiếp dân, tham mưu tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kịp thời thay thế những cán bộ không đáp ứng yêu cầu; sơ kết việc thực hiện Đề án nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân gắn với thực hiện cơ sở dữ liệu quốc gia trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại giai đoạn 2021-2025; thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất, nhất là đối với những nơi, địa phương để phát sinh đơn thư vượt cấp.
Giang Hà