(GLO)- Sau 10 năm kể từ khi tái lập, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, địa phương, sự chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ của Ban Nội chính Trung ương, cán bộ, công chức Ban Nội chính Tỉnh ủy Gia Lai đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao, khắc phục khó khăn, đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo được sự tin tưởng của cấp ủy, chính quyền, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Ngày 5-1-1966, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 133-NQ/TW về thành lập Ban Pháp chế Trung ương, là tổ chức tiền thân của Ban Nội chính Trung ương và toàn ngành Nội chính Đảng sau này. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), để đấu tranh ngăn chặn và làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, tăng cường xây dựng và bảo vệ pháp luật, Ban Bí thư chủ trương kiện toàn các cơ quan bảo vệ pháp luật từ trung ương đến địa phương.
Ngày 1-10-1980, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum quyết định thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy, là cơ quan chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, có nhiệm vụ tham mưu Tỉnh ủy về công tác nội chính trong toàn tỉnh nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Tỉnh ủy đúng đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước ở các ngành, các cấp. Đến tháng 7-1984, thực hiện Quyết định số 41-QĐ/TW ngày 5-4-1984 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tổ chức bộ máy biên chế các cơ quan Đảng, đoàn thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định giải thể Ban Nội chính Tỉnh ủy và thành lập Tổ nghiên cứu công tác nội chính trong Văn phòng Tỉnh ủy dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Tỉnh ủy.
Sau khi hoàn thành việc chia tách 2 tỉnh Gia Lai-Kon Tum vào năm 1991, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, ngày 31-10-1992, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai ban hành Quyết định số 54-QĐ/TU thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy do đồng chí Nguyễn Duy Khanh-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban. Đến năm 2000, Ban Nội chính Tỉnh ủy giải thể. Bên cạnh đó, ngày 6-11-2006, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Phòng-chống tham nhũng (PCNT) tỉnh nhằm tăng cường chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác PCTN trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh lễ công bố quyết định thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy ngày 3-6-2013 (ảnh đơn vị cung cấp). |
Thực hiện Kết luận Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Quy định số 183-QĐ/TW ngày 8-4-2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, ngày 16-5-2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 912-QĐ/TU về việc thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy trên cơ sở hợp nhất tổ chức bộ máy và cán bộ của Văn phòng Ban Chỉ đạo tỉnh về PCTN và Phòng Nội chính-Tiếp dân thuộc Văn phòng Tỉnh ủy. Đến ngày 28-6-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 591-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh.
Đây là những sự kiện có ý nghĩa quan trọng. Ban Nội chính Tỉnh ủy có tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ hoàn chỉnh, được xác định là cơ quan chuyên môn nghiệp vụ về công tác nội chính, PCTN, tiêu cực và cải cách tư pháp của Đảng; được giao 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu đó là: nghiên cứu, đề xuất; hướng dẫn, kiểm tra; thẩm định về công tác nội chính, PCTN, tiêu cực và cải cách tư pháp; tham gia về công tác cán bộ; thực hiện nhiệm vụ cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh và các nhiệm vụ khác do Thường trực Tỉnh ủy giao.
Sau 10 năm kể từ khi tái lập, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, sự phối hợp, giúp đỡ có hiệu quả của các cơ quan, ban, ngành, địa phương, sự chỉ đạo, hướng dẫn nhiệt tình về nghiệp vụ công tác nội chính Đảng của Ban Nội chính Trung ương, cán bộ, công chức của Ban Nội chính Tỉnh ủy đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực lớn, quyết tâm cao, khắc phục khó khăn, đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo được sự tin tưởng của cấp ủy, chính quyền, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác nội chính, PCTN, tiêu cực và cải cách tư pháp.
Một là, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, đề xuất Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận, chương trình, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực nội chính, PCTN, tiêu cực và cải cách tư pháp.
Hai là, chủ động phối hợp theo dõi, nắm chắc tình hình “từ xa, từ cơ sở”; qua đó dự báo, đánh giá, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; công tác đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội…; góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị-xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Ba là, chủ động, sáng tạo, bản lĩnh, quyết liệt, tham mưu có hiệu quả cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh, Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực. Nhiều vụ án tham nhũng đã được đưa ra xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Bốn là, công tác theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nội chính, PCTN, tiêu cực được quan tâm, ngày càng nền nếp, hiệu quả. Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập 6 đoàn kiểm tra việc khởi tố điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế và rà soát các cuộc thanh tra kinh tế-xã hội, việc thực hiện các kết luận của Kiểm toán Nhà nước tại 16 địa phương; kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện 3 dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh; đã phát hiện, chỉ đạo các cấp ủy xem xét chuyển cơ quan điều tra 7 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, làm rõ.
Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tiến hành kiểm tra, giám sát đối với 22 cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác nội chính, PCTN, tiêu cực. Qua đó, đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan thực hiện tốt hơn công tác nội chính, PCTN, tiêu cực và cải cách tư pháp; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; chỉ đạo, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Năm là, chủ động, tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các vấn đề đột xuất, nổi cộm, phức tạp liên quan đến an ninh trật tự trên địa bàn.
Quang cảnh tọa đàm kỷ niệm ngày truyền thống ngành Nội chính Đảng. Ảnh đơn vị cung cấp |
Sáu là, tích cực tham mưu đẩy mạnh cải cách tư pháp, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách tư pháp; đặc biệt là triển khai thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 5-5-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Qua đó, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tư pháp, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Bảy là, tổ chức, bộ máy của Ban Nội chính Tỉnh ủy được củng cố, kiện toàn; kinh nghiệm, kỹ năng làm việc và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên; sự tín nhiệm của cấp ủy, các cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân đối với Ban Nội chính Tỉnh ủy được nâng cao; vai trò, vị thế của Ban Nội chính Tỉnh ủy ngày càng được khẳng định.
Để đạt được những kết quả trên trong thời gian qua có thể rút ra một số vấn đề sau đây: Công tác nội chính, PCTN, tiêu cực và cải cách tư pháp là lĩnh vực rất quan trọng, nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm; do vậy, phải tranh thủ được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp và Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh, sự hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của Ban Nội chính Trung ương. Phải nắm vững chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, có phương pháp, cách làm khoa học, bài bản và phải đúng vai, thuộc bài, như Tổng Bí thư chỉ đạo. Phải phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ, kịp thời với các cơ quan, tổ chức có liên quan, nhất là các cơ quan trong Khối Nội chính tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Cùng với đó, thường xuyên xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy, coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh, có kiến thức, kinh nghiệm, khiêm tốn, cầu thị, gương mẫu, tâm huyết, giữ mình trong sạch, liêm chính, thường xuyên học hỏi nâng cao trình độ, tích lũy kinh nghiệm để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, thành quả đạt được của ngành Nội chính Đảng nói chung và của Ban Nội chính Tỉnh ủy nói riêng tuy còn khiêm tốn so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; song, là kết quả đáng khích lệ, là niềm vinh dự, tự hào, là động lực để Ban Nội chính Tỉnh ủy tiếp tục phấn đấu trong thời gian tới.
Với những đóng góp tích cực, quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển địa phương, nhiều thế hệ cán bộ, công chức của ngành đã trưởng thành và giữ những trọng trách quan trọng của tỉnh. Ban Nội chính Tỉnh ủy đã được Thủ tướng Chính phủ, Ban Nội chính Trung ương và UBND tỉnh tặng bằng khen, cờ thi đua; nhiều cá nhân được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng nhì, hạng ba, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen…