Chiều 20/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.
Tại hội trường, các đại biểu tán thành với chủ trương đầu tư dự án với tinh thần bàn làm chứ không bàn lùi, bởi đây là xu thế phát triển đất nước.
Đường sắt cao tốc là đột phá chiến lược
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) nhấn mạnh, đây là xu thế phát triển đất nước, là bước chuẩn bị, đột phá chiến lược để nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển.
Về tổng thể quy hoạch, đại biểu đề nghị cân đối có sự hài hòa giữa các loại hình giao thông đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bộ. Khi xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam thì cần tính toán việc khai thác các cảng hàng không, đường bộ và đường thủy không bị lãng phí.
Đại biểu cũng nhấn mạnh cần có phương án triển khai, khai thác thực sự hiệu quả từ khâu lựa chọn công nghệ cho đến phân kỳ phù hợp. Đặc biệt, cần chú ý khâu tổ chức thực hiện để tránh đội vốn, bù lỗ sau này; không để đầu tư thì lớn mà khai thác không hiệu quả, phải bỏ tiền ra bù lỗ.
Từ thực tiễn một số dự án quan trọng của quốc gia sau khi được Quốc hội thông qua đã phát sinh nhiều vấn đề dẫn đến phải xin điều chỉnh chủ trương, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) đề nghị Chính phủ cần quan tâm, xem xét các vấn đề của dự án này để bảo đảm tính khả thi.
Trong đó, sự đồng bộ trong quy hoạch, nhất là quy hoạch rừng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch mạng lưới giao thông, quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc phân bổ, khoanh vùng đất đai cho dự án tại các quy hoạch tỉnh có dự án đi qua phải bảo đảm kết nối đồng bộ để việc gom và giải tỏa hàng hóa được thuận lợi, phát huy hiệu quả kết nối giữa các phương thức giao thông, giảm chi phí. Lựa chọn công nghệ hiện đại nhưng phải bảo đảm tính phổ quát nhằm nâng cao tính cạnh tranh trong lựa chọn đối tác cung cấp sản phẩm và sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.
Về hướng tuyến, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị bổ sung các phương án so sánh để bảo đảm hướng tuyến thẳng nhất có thể nhưng đồng thời cũng tránh đi qua phần lớn diện tích rừng, lúa và bảo đảm tính kết nối giữa tuyến đường sắt tốc độ cao với mạng lưới đường sắt trong khu vực, quốc tế và hệ thống giao thông khác.
Về các nhà ga, theo hồ sơ dự án ga hành khách tại một số địa phương được bố trí cơ bản không nằm trong các vị trí trung tâm đô thị, trong khi các vị trí ga cần được bố trí thuận lợi thu hút được nhiều hành khách nhất. Đại biểu đề nghị làm rõ lý do chọn vị trí các ga của dự án, nhất là tính kết nối giữa các phương tiện và đánh giá kỹ lưỡng.
Về nguồn vốn thực hiện dự án, nhiều đại biểu đề nghị tập trung huy động ở trong nước, vay ưu đãi nước ngoài, hạn chế vay ODA. Một số ý kiến lưu ý việc đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam phải thực hiện theo phương thức chuyển giao công nghệ để chúng ta làm chủ quá trình đầu tư và phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước.
Từ bài học kinh nghiệm khi chúng ta triển khai thành công tuyến đường dây 500kV mạch 3 với thời gian hoàn thành thần tốc, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) tin tưởng doanh nghiệp trong nước đủ năng lực để nhận chuyển giao công nghệ đường sắt và tiếp tục nghiên cứu cải tiến, phát triển cao hơn.
“Làm được như thế, chúng ta không chỉ có được tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam mà nước ta còn phát triển được ngành công nghiệp đường sắt của riêng mình. Do vậy, việc chọn nhà cung cấp không cần quan tâm là nước nào, mà cần quan tâm lựa chọn công nghệ nào để có nhiều nhà cung cấp cạnh tranh sẵn sàng chuyển giao công nghệ” – đại biểu Hoàng Văn Cường chia sẻ.
Nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát
Cũng trong phiên chiều nay, Quốc hội làm việc phiên toàn thể tại hội trường nghe các báo cáo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Về giám sát của Quốc hội, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát; tiêu chí để lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, vấn đề được giải trình tại phiên giải trình của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; phương thức, trình tự, thủ tục, thời gian, thời hạn thực hiện hoạt động giám sát;…
Đồng thời, dự thảo Luật bổ sung 3 điều quy định: Xem xét việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề bằng hình thức chất vấn; Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.
Các ý kiến nhấn mạnh một số yêu cầu cần quán triệt, tổ chức thực hiện đồng bộ trong quá trình xây dựng, ban hành Luật như: Bám sát chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát; nội dung sửa đổi, bổ sung phải dựa trên kết quả tổng kết thực tiễn, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải hoặc chồng chéo; Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các giải pháp đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, không luật hóa những nội dung không thuộc thẩm quyền của Quốc hội, những nội dung cần linh hoạt để phù hợp với yêu cầu thực tiễn…