Ngày 10.8, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán phối hợp Viện Toán học VN tổ chức Hội thảo đánh giá công tác bồi dưỡng và kết quả thi học sinh (HS) môn toán quốc gia, quốc tế giai đoạn 2015 – 2024, nhân kỷ niệm 50 năm VN tham dự kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (IMO).
CẦN THAY ĐỔI CÁCH CHỌN ĐỘI TUYỂN
GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN, người có 11 năm đồng hành, dẫn đội tuyển VN thi IMO, cho biết nếu xếp hạng toàn thời gian, trong 48 lần tham gia IMO, VN giành 69 HCV (trung bình 1,44 HCV/năm), đứng vị trí thứ 8; còn nếu xếp hạng theo giai đoạn 2013 – 2024, VN giành 23 HCV (trung bình 1,92 HCV/năm), đứng vị trí thứ 5. Hầu hết HS thi IMO đến từ trường chuyên của các tỉnh, thành, kế đó là trường chuyên thuộc ĐH. Duy nhất Trường THPT Lê Hồng Phong (Phú Yên) là trường không chuyên có HS thi IMO.
“Liệu chúng ta cố gắng duy trì top 5 – 10, hay muốn cạnh tranh top 1 – 4?”. Đặt câu hỏi này, GS Vinh khẳng định việc chọn đội tuyển là quan trọng nhất quyết định thành tích đội tuyển.
Chia sẻ cách thức chọn đội tuyển của các nước mạnh nhất tham gia IMO (Trung Quốc, Mỹ, Nga, Hàn Quốc) với quy trình khá linh hoạt và trong thời gian khá dài, GS Vinh cho biết cách chọn đội tuyển của VN rất đơn giản. Cụ thể, khoảng tháng 8 – tháng 11 hằng năm tiến hành chọn đội tuyển địa phương; tháng 12 – tháng 1 năm sau, tổ chức kỳ thi chọn HS giỏi cấp quốc gia; tháng 3 tổ chức kỳ thi chọn đội tuyển dự thi quốc tế. So với 4 nước luôn đứng đầu IMO, VN còn khoảng cách khá lớn trong việc chọn đội tuyển. Do đó, GS Vinh cho rằng nếu chúng ta muốn cạnh tranh top đầu, có thể suy nghĩ, cải tiến thêm việc chọn đội tuyển.
Từ kinh nghiệm của một đơn vị nhiều năm đoạt thành tích cao tham gia IMO, thầy Nguyễn Vũ Lương, Chủ tịch Hội đồng khoa học đào tạo, nguyên Hiệu trưởng Trường chuyên Khoa học tự nhiên – Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhắc đến tầm quan trọng của việc phát hiện sớm được HS giỏi toán. Trường là đơn vị đầu tiên tổ chức mô hình học đội tuyển từ năm 1993. Trước thời điểm này, việc mời các thầy cô giỏi về dạy chủ yếu do các gia đình có điều kiện chủ động, không diễn ra ở quy mô các trường. Tuy nhiên, điều khiến thầy Lương quyết định ôn luyện đội tuyển là vì có HS từng gặp thầy, khóc vì bố mẹ không có điều kiện mời thầy giỏi để dạy. “Từ khi tổ chức học đội tuyển, không khí học tập tốt hơn, HS nghèo cũng có điều kiện được học thầy cô giỏi”, thầy Lương nói.
Thầy Lương cũng đề nghị cần cải tiến đề thi HS giỏi quốc gia cho gần hơn với thi quốc tế; nên lập một ủy ban Olympic về toán và quan tâm hơn đến chính sách khuyến khích, khen thưởng…
Thầy Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng khẳng định thành tích đội tuyển phụ thuộc rất nhiều vào việc chúng ta có chọn được đội tuyển thực sự tốt hay không. “Hiện nay, chúng ta mới chọn đội tuyển duy nhất từ kỳ thi nên đôi khi cũng có sự sai số”, thầy Dũng nói.
DẠY – HỌC TOÁN PHẢI TẠO HỨNG THÚ, HIỆU QUẢ
Tại hội thảo, ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nêu vấn đề: Bộ GD-ĐT luôn đề cao vai trò môn toán, từ phổ thông đến đào tạo ĐH, sau ĐH, trong nghiên cứu. Hiện nay, với sự phát triển của KH-CN, toán học càng trở nên quan trọng. Tuy nhiên, ông Sơn cũng nêu thực tế còn đâu đó trong trường ĐH, ở một số ngành, lĩnh vực có sự coi nhẹ đối với môn toán; có những chương trình, ngành học giảm thời lượng toán. Việc giảng dạy toán ngay trong nhiều trường kỹ thuật cũng giảm tính hấp dẫn; sinh viên học toán không nhiều hứng thú, đạt hiệu quả không cao…
Ông Sơn cũng nêu một thông tin mà theo ông là “đáng buồn”: tỷ lệ HS trường chuyên chọn các ngành đào tạo STEM ở ĐH chỉ hơn 25,6% trong khi trung bình HS toàn quốc là hơn 31%…
Để duy trì, nâng cao thành tích của đội tuyển toán VN, thúc đẩy dạy học toán, tăng hứng thú và học toán hiệu quả, theo Thứ trưởng Sơn, phải bắt đầu từ phổ thông, làm tốt hơn việc dạy và học toán ở phổ thông, nghiên cứu tốt hơn ở ĐH. Làm sao để toán học không những chiếm nhiều hơn trong chương trình đào tạo mà dạy – học toán phải tạo hứng thú, hiệu quả hơn cho người học.
LÀM SAO CÓ THỂ LÀM CHỦ KHI THỜI LƯỢNG MÔN TOÁN BỊ CẮT GIẢM?
Tham dự hội thảo, GS Ngô Bảo Châu khẳng định IMO vẫn là một sân chơi của môn thể thao trí tuệ là toán học, và phần nào là một thước đo để đánh giá năng lực phát triển giáo dục toán học của một quốc gia.
Theo GS Châu, những cựu HS IMO đã và đang là những nhà khoa học chuyên nghiệp, có uy tín quốc tế, tích cực đóng góp vào sự phát triển của toán học VN… Nhưng bên cạnh đó cũng vẫn còn những câu hỏi, làm sao để phong trào học toán được bền vững, sâu rộng hơn? Rộng hơn, làm sao để môn toán và các môn học cơ bản khác trở thành lựa chọn một cách tự nguyện của người trẻ?
“Chúng ta đang nói rất nhiều về đào tạo nhân lực cho trí tuệ nhân tạo, rồi bán dẫn – làm chủ được những công nghệ này. Nhưng làm sao có thể làm chủ được nếu như thời lượng các môn toán và có lẽ nhiều môn học cơ bản khác bị cắt giảm, cả ở bậc phổ thông lẫn ĐH? Trong thời đại bùng nổ thông tin, của trí tuệ nhân tạo, tôi cho rằng chúng ta cần tránh nhồi nhét thêm những kiến thức mới, mà cần trở về với những nền tảng cơ bản, với những nguyên tắc lập luận, tư duy cơ bản”, GS Ngô Bảo Châu nói, đồng thời cho rằng dù có ý kiến tại sao lại dùng ngân sách để đầu tư cho một nhóm nhỏ HS giỏi, nhưng đầu tư cho toán học, IMO, HS giỏi là đầu tư xứng đáng cho tương lai về phát triển KH-CN của đất nước.
Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH-CN, cho rằng đầu tư cho toán học là đầu tư dài hạn, nếu yêu cầu đầu tư cho toán học phải có kết quả kinh tế gì đó ngay lập tức thì rất khó.
271 huy chương sau 50 năm VN tham dự IMO
VN tham gia IMO từ năm 1974, đã 48 lần tham gia các kỳ thi IMO với 288 thí sinh (trong đó có 18 thí sinh nữ), đạt 271 huy chương (trong đó có 69 HCV, 117 HCB, 85 HCĐ), tỷ lệ HS được huy chương là 94%.
Trong 50 năm, đã có 10 HS xuất sắc đạt số điểm tuyệt đối, 10 HS được 2 HCV. Xét theo thành tích đồng đội không chính thức, đội VN nằm trong top 10 thế giới phần lớn các năm dự thi. Đội tuyển IMO VN có thành tích tương đối ổn định, được bạn bè các nước đánh giá cao không chỉ về số lượng huy chương mà còn về các thành tích nổi trội đặc biệt. Chẳng hạn như điểm tuyệt đối 40/40 của Lê Bá Khánh Trình năm 1979; 2 năm liền đoạt HCV quốc tế của Ngô Bảo Châu năm 1988 và 1989; của Vũ Ngọc Minh năm 2001 và 2002…
Tiếp cận nội dung, hình thức thi của khu vực và quốc tế
GS Nguyễn Ngọc Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), chia sẻ về một số định hướng chung trong thời gian sắp tới, trong đó bảo đảm những HS giỏi nhất được tuyển chọn vào đội tuyển quốc gia tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Để làm được điều này, tổ chức kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic tiếp cận dần với nội dung và hình thức thi của khu vực và quốc tế.
Cùng với đó, đổi mới, tăng cường huy động cán bộ, giáo viên giỏi toàn quốc giới thiệu để phục vụ cho việc ra đề thi nhằm nâng cao chất lượng đề thi của kỳ thi; lựa chọn và phát huy tốt hơn nữa vai trò của cơ sở chủ trì tập huấn, năng lực và vai trò của các thầy cô dẫn đoàn.
Nguồn: https://thanhnien.vn/ban-khoan-chuyen-dau-tu-cho-toan-hoc-185240810220229323.htm