Trung bình mỗi tháng Wisley Yip tốn 5.000 USD cho các món hàng từ mua thực phẩm chức năng đến đồ ăn được “chốt đơn” trên livestream.
Người đàn ông 47 tuổi là giám đốc một trung tâm đào tạo kỹ năng ở Singapore nói thích mua hàng qua các phiên livestream vì tiện lợi, chất lượng tốt và giá cả hợp lý.
“Tôi thường mua hải sản và thực phẩm bổ sung sức khỏe từ các buổi livestream để sử dụng và tặng những người có điều kiện khó khăn. Một phần vì muốn giúp họ, phần khác bởi mua quá nhiều nên không thể dùng hết trong một thời điểm”, Yip nói.
Tone Chan, bạn của Yip, còn dành riêng một căn phòng trong nhà để chứa các sản phẩm đã mua qua livestream. Mỗi tháng doanh nhân 49 tuổi làm trong ngành xây dựng chi khoảng 4.000 USD cho các khoản này.
Nhiều người cho rằng việc xem livestream có thể gây nghiệm và bị thu hút bởi nút mua.
Nhà tạo mẫu tóc Yuki Chong, 48 tuổi, cũng thừa nhận bản thân nghiện mua hàng qua các buổi phát trực tiếp và có thể chi 300-400 USD cho mỗi lần. Cô nói việc nhìn thấy lượt mua tăng nhanh khiến bản thân khó cưỡng lại những cám dỗ do ảnh hưởng của hội chứng FOMO (sợ bỏ lỡ).
“Ngày nào tôi xem các buổi bán hàng trực tiếp và luôn mua thứ gì đó. Nó khá gây nghiện”, Chong nói.
Yip, Chan hay Chong đều là những khách hàng của Patrick Low – người chủ yếu quảng cáo về các sản phẩm bổ sung sức khỏe và chăm sóc da như xịt chống nắng trên mạng xã hội từ năm 2020.
Low nói phát trực tiếp không chỉ là chiêu trò bán hàng mà còn là cơ hội để tạo sự kết nối với người xem. Mỗi khi các bình luận xuất hiện trên màn hình, người đàn ông 47 tuổi trả lời lần lượt từng thắc mắc, đồng thời chia sẻ về các ưu điểm của sản phẩm nhằm tạo ra bầu không khí như một buổi trò chuyện thay vì cố thuyết phục khách hàng móc ví.
Nhưng chính cách nói chuyện đi vào lòng người khiến Low dễ dàng nhận hàng trăm đơn đặt hàng với doanh thu đều đặn trên 10.000 USD trong một buổi livestream kéo dài hai tiếng. Việc làm ăn này sinh lời đến mức từ một người bán đồ gia dụng ở khu chợ tạm như Low nay điều hành 10 tài khoản livestream từ 9h30 đến 1h30 ngày hôm sau. Ngoài các thành viên trong gia đình, anh cũng thuê thêm người để bán sản phẩm.
Nhưng không phải ai livestream cũng thành công như Low. Nhiều người phải làm mọi cách để thu hút sự chú ý của người xem, đối mặt với thách thức tìm cách xây dựng kênh để trở nên nổi bật giữa chợ trực tuyến. Nhưng với những người muốn thử sức trong lĩnh vực thương mại trên mạng xã hội, cơ hội không thiếu.
Các nền tảng như Facebook và TikTok là điểm nóng cho các buổi livestream bán thời trang, làm đẹp, đồ điện tử, gia dụng và cả ôtô.
Báo cáo thị trường trên Researchandmarkets lưu ý ngành thương mại xã hội ở Singapore sẽ tăng trưởng đáng kể trong 5 năm tới. Ước tính tổng giá trị hàng hóa từ thương mại xã hội tăng từ 1,2 tỷ USD năm 2023 lên gần 8,5 tỷ USD vào năm 2029.
Không chỉ đồ dùng phục vụ cuộc sống, người dùng mạng cũng có thể mua các trải nghiệm. Reshel Chan, 49 tuổi là người bán các tour du lịch.
Chan bắt đầu các buổi live stream đầu tiên vào tháng 10/2020 khi chia sẻ kinh nghiệm du lịch của bản thân. Khi các lệnh cấm di chuyển được xóa bỏ, cô bắt đầu tổ chức các chuyến đi. Năm 2023, Chan đã bán được 10 tour du lịch đến các nước châu Âu như Đức, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ cho đến Nhật Bản, Bhutan và Nam Phi với gia khởi điểm từ 5.000 USD. Nhóm khách nhỏ nhất của cô chỉ có 6 người, trả từ 9.900 USD đến gần 14.000 USD một người cho chuyến đi kéo dài 6 ngày. Đoàn lớn nhất cô từng đưa đến Hy Lạp lên đến 30 người vào tháng 9/2023. Trong các chuyến đi, Chan thường phát trực tiếp và tìm kiếm các đơn đặt hàng mới.
“Livestream có thể là công việc sinh lợi đối với nhiều người, nhưng điều quý giá nhất với tôi là nhận tin nhắn từ người xem. Họ mô tả cảm giác thích thú khi xem các clip của tôi dù bản thân chưa thể đi bởi nhiều lý do”, Chan nói.
Khi mua sắm livestream phát triển mạnh, có tiềm năng tạo ra hàng chục nghìn USD trong vài giờ, Kevin Zhang, người sáng lập công ty tiếp thị The Celeb Net – đã nhìn thấy cơ hội để người nổi tiếng bắt kịp xu hướng. Bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trên idolLive, Zhang đã tạo hình đại diện kỹ thuật số của những người nổi tiếng.
“Một hoặc hai giờ bán hàng trực tuyến có thể dễ dàng mang lại doanh thu bán hàng 5 con số và người live stream sẽ thu được 30% từ đó”, Zhang cho biết. Ông cũng cho biết nhu cầu mua luôn cao chỉ thiếu người dẫn tốt.
Trên thực tế, các bên bán có thể sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để bảo chứng thương hiệu. Chi phí sử dụng một người nổi tiếng hiện tại khá cao, dao động 2.000-8.000 USD một giờ. Nhưng với hình ảnh đại diện AI lại khác. Về cơ bản chúng là “bản sao” trực tuyến, người nổi tiếng vẫn có thể tương tác với khách hàng, tăng thêm thu nhập nhưng không tốn nhiều công sức. Còn đối với nhãn hàng, chi phí thuê cũng rẻ hơn.
Diễn viên người Singapore Li Nanxing cho biết: “Các nghệ sĩ có thời gian phát trực tiếp hạn chế bởi lịch trình dày đặc. Nhưng với hình đại diện AI, chúng tôi có thể live stream ở nhiều địa điểm khác nhau, trên các nền tảng khác nhau mà không nhất thiết phải có mặt ở đó”.
Nam diễn viên cũng cho biết người thật không thể đủ sức thực hiện nhiều phiên live cùng lúc nhưng hình đại diện AI thì có thể. Chúng có thể hoạt động suốt ngày đêm.
Minh Phương (Theo Straitstimes)