Xoài là một loại trái cây phổ biến ở châu Á, có hương vị ngọt, thơm đặc trưng. Rễ xoài vươn sâu xuống lòng đất để hấp thụ nước và các dưỡng chất, vì thế cây vẫn có thể sống tốt trong điều kiện khô hạn kéo dài. Thông thường, cây xoài phát triển tốt trong đất cát ở nhiệt độ khoảng 24-27oC, sau khi trồng ba năm là có thể cho quả.
Ở Việt Nam, xoài được trồng nhiều ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Ở Đắk Nông cũng vậy, xoài được trồng rất nhiều, nhất là ở xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, với diện tích khoảng 800ha xoài các loại, chủ yếu là xoài Cát, xoài Tượng, xoài Thái và xoài Đài Loan, sản lượng khoảng 2.400 tấn/năm.
Xoài Đắk Gằn ngoài sản lượng thì còn nổi tiếng bởi chất lượng. Đất ở đây chủ yếu được phong hóa từ các loại đá trầm tích (cát kết, bột kết, đá phiến), giá trị dinh dưỡng thấp nhưng bù lại có nguồn nước ngầm dồi dào và thoát nước tốt, rất phù hợp với sự phát triển của cây xoài. Lớp đất bazan mỏng (dày 30-50cm), sẫm mầu, giầu sắt phủ trên mặt, là sản phẩm phun trào núi lửa khoảng 200.000-300.000 năm trước, cung cấp thêm dinh dưỡng xoài phát triển, làm nên chất lượng của nó.
Xoài Đắk Gằn được cho là phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở địa phương, giúp dân xóa đói, giảm nghèo hiệu quả. Chính quyền xã đã vận động, hỗ trợ bà con thành lập Tổ hợp tác trồng xoài thôn Tân Lợi, với tổng diện tích 20ha. Hiện nay, xoài Đắk Gằn đã có mã QR, đạt chứng nhận VietGAP, OCOP và sắp tới sẽ có mã vùng trồng. Chính quyền địa phương và các ngành chức năng cũng đang xúc tiến tìm kiếm thị trường xuất khẩu cho xoài Đak Gằn, nhất là Trung Quốc và khu vực châu Âu.
Vườn xoài hiện tại là của gia đình ông Nguyễn Văn Hợi, được trồng từ năm 2008 trên diện tích 1,3ha, được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap để tạo ra trái xoài chất lượng cao, mỗi năm thu hoạch hai vụ, tạo thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng/năm.
Đến thăm vườn xoài này, du khách vừa thưởng thức trái cây thơm ngon vừa có cơ hội tìm hiểu thêm về địa chất – đặc biệt là đá nền, lớp phủ bazan và đá cột bazan đặc trưng của vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.