“Hòn ngọc bên bờ sông Danube”, “Paris nhỏ ở Trung Âu”… là những mỹ từ mà du khách hay được nghe hoặc đọc trước những hành trình tới Budapest – thủ đô của Hungary, quốc gia nhỏ nằm ở vùng Đông-Trung Âu.
Vẻ đẹp của thành phố ven sông. (Nguồn: planetofhotels.com) |
Chỉ riêng trong năm 2023, thành phố vừa tròn 150 năm tuổi này liên tục gặt hái được những danh hiệu uy tín từ các tạp chí lữ hành có tiếng trên thế giới. Budapest trở thành điểm đến “bền vững” được cả du khách và chuyên gia đánh giá rất cao. Tháng 3/2023, tạp chí Time của Mỹ đưa Budapest vào danh sách “Những địa điểm tuyệt vời nhất thế giới năm 2023” (World’s Greatest Places 2023).
Điều gì khiến Budapest trở nên hấp dẫn với du khách như vậy, cho dù đô thị này không có những tòa cao ốc, không nổi tiếng bởi những trung tâm mua sắm xa hoa? Câu trả lời chính là bề dày lịch sử, văn hóa và nghệ thuật được phản ánh qua những di sản nổi tiếng, mà trong số đó không ít nơi được đưa vào danh mục Di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO).
“Sông về, sông cười ròn tiếng…”
Hiếm ai khi tới vùng Trung Âu chưa từng nghe bản nhạc bất hủ Danube xanh của chàng nhạc sĩ Johann Strauss “con” – hình mẫu của những bản luân vũ thành Vienna (Áo). Đây luôn là bản áp chót (do khán giả vỗ tay yêu cầu) của buổi hòa nhạc đón chào năm mới ở Vienna (New Year Concert) được khởi đầu vào 11h15 sáng 1/1 hằng năm, được xem như chương trình đỉnh cao của sự say đắm và mê cuồng âm nhạc.
Danube – con sông mẹ của châu Âu với tổng chiều dài khoảng 2.850 km, chảy qua 10 quốc gia và 4 thủ đô trong vùng Trung Âu, là đề tài của biết bao tác phẩm văn hóa nghệ thuật và cũng làm nên diện mạo của rất nhiều thành phố ven sông.
“Sông về, sông cười ròn tiếng” là hình ảnh con sông được biết đến trong lời Việt của Danube xanh do nhạc sĩ Phạm Duy đặt và đoạn đẹp nhất của sông lại chính ở thủ đô Budapest.
Không phải ngẫu nhiên mà vào năm 1987, khi UNESCO bình chọn những địa danh di sản thế giới, những công trình kiến trúc nằm dọc hai bên bờ sông Danube đã lọt vào tầm nhìn của tổ chức này đầu tiên.
Khác với thông lệ, khi chỉ từng công trình đơn lẻ, hoặc quần thể tại một địa điểm được xếp vào danh mục Di sản thế giới, trong trường hợp của Budapest, cả một chuỗi di sản dọc theo bờ sông đã được nhận vinh dự này.
Có thể kể đến ở đây một số tòa nhà của Đại học Kỹ thuật Budapest, bể tắm Gellért, Tòa nhà Quốc hội, Viện hàn lâm Khoa học Hungary, Cung điện Gresham cùng hàng loạt công trình kiến trúc dọc sông Danube, kèm những cây cầu lịch sử nổi tiếng như Cầu Tự do, Cầu Erzsébet hay Cầu Xích, đều là những nét son của Budapest. Tất cả đều được xây ven sông và có thể chiêm ngưỡng rất ngoạn mục trong một chuyến du thuyền Danube.
Không phải từ ngàn đời, con sông Danube đã thích hợp cho việc xây cất như vậy. Một số thủ đô khác có sông Danube chảy qua như Vienna (Áo), Bratislava (Slovakia), du khách không thấy được diện mạo thành phố từ du thuyền. Budapest làm được như thế, vì vào đầu thế kỷ XIX, Bá tước Széchenyi István (1791-1860) đưa ra ý tưởng trị thủy và biến Danube thành một con sông hiền hòa với giao thông, vận tải và đời sống đô thị đưa ra.
Vị mạnh thường quân lừng danh, được xem như người Hungary vĩ đại nhất không ngại bỏ ra một phần đáng kể gia sản biến Budapest trở thành một thủ đô tầm cỡ khu vực vào thời điểm đó. Không chỉ tạo dựng tiền đề cho những công trình dọc hai bên bờ sông Danube, ông còn chủ trương xây cây cầu cố định đầu tiên bắc qua Danube, chính là cây Cầu Xích uy nghi mang tên ông được hoàn tất năm 1849.
Vương quốc Hungary và thủ đô Budapest được hình thành bởi sự hợp nhất của các đơn vị hành chính độc lập Buda, Pest, Óbuda và đảo Margit năm 1873, đã vươn mình vượt bậc vào thời kỳ 1867-1914 sau nhiều thế kỷ chiến tranh triền miên và phát triển năng động bậc nhất châu Âu cùng Berlin của nước Đức vào đầu thế kỷ XX.
Đa số các di sản ven sông được xây trong khoảng thời gian này, khi Hungary liên minh với Áo trong khuôn khổ nền “song quốc quân chủ” Áo-Hung. Đặc biệt, Tòa nhà Nghị viện được xem là đẹp nhất thế giới, xây trong 20 năm (1885-1904), với sự bề thế, uy nghiêm về tổng thể và tinh tế, kiêu sa trong từng chi tiết nhỏ, trở thành biểu tượng lớn nhất của dân tộc Hungary và là điểm đến rất ưa thích của du khách.
Thành cổ Buda, khu vực cổ sơ của thành phố Buda mà phần lâu đời nhất được xây dựng từ giữa thế kỷ XIII. (Ảnh: Nguyễn Hoàng Linh) |
Sự quyến rũ đô thị
Hồ sơ Di sản thế giới 1987 của Hungary không chỉ bao gồm những công trình ngay ven sông, mà còn hàm chứa Quần thể lâu đài và các di sản trên Đồi Buda, vốn có lịch sử khởi đầu từ khoảng thế kỷ XIII.
Du lịch Budapest không thể thiếu vắng Cung điện Hoàng gia, Nhà thờ Mátyás, Pháo đài Ngư phủ, Tượng đài Tự do hay Pháo đài Citadella nằm trên cao, tạo thành một khung cảnh rất hoành tráng cho phần cổ của thủ đô Hungary.
Đây là sự kết hợp hết sức ngoạn mục và hài hòa giữa những công trình lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng được xây trong suốt chiều dài lịch sử của Vương quốc Hungary. Tất cả, một lần nữa, lại soi bóng sông Danube, từ trên núi cao.
Cần nói thêm là những cuộc chiến tương tàn trong lịch sử Hungary đã nhiều lần khiến các di sản trên trở thành tro bụi. Quá trình trùng tu, tái thiết từ hơn nửa thế kỷ nay không phải là không gặp nhiều khó khăn, có lúc tưởng chứng nan giải, xoay quanh vấn đề kinh phí và cả về quan niệm nghệ thuật.
Tuy nhiên, về căn bản, nội đô Budapest vẫn giữ nguyên quy hoạch đô thị theo trường phái cổ điển từ đầu thế kỷ XIX. Những tòa cao ốc không có chỗ trong trung tâm, duy chỉ có Tòa nhà Quốc hội và Vương cung thánh đường Budapest mang tên vị vua lập quốc Thánh István được vươn tới mức 96m (nhắc nhớ thời khắc khi dân tộc Hungary lần đầu đặt chân tới vùng bồn địa Pannonia vào khoảng năm 895-896), còn lại đều phải thấp hơn.
Những trục đường chính của thủ đô được giữ gìn từ khoảng 130-140 năm nay, cùng hệ thống tàu điện phôi thai từ năm 1887, khiến đô thị này không bị xáo trộn về căn bản. Du khách hiện giờ vẫn có dịp chiêm ngưỡng các tòa kiến trúc đặc sắc và điển hình từ thời Đế quốc Áo-Hung, đặc biệt tại hai con lộ Đại lộ Vòng cung lớn và Đại lộ chính Andrássy mang tên vị thủ tướng nổi tiếng của Vương quốc Hungary nửa cuối thế kỷ XIX.
“Champs-Élysées của Budapest” là danh xưng cho Đại lộ Andrássy dài chừng 2,3km, nằm trong danh mục Di sản thế giới UNESCO từ năm 2002 cùng Quảng trường Anh hùng nằm ở điểm cuối của đại lộ, nơi vinh danh các anh hùng lập quốc; tuyến tàu điện ngầm chạy dưới lòng đại lộ xây năm 1896 nhân kỷ niệm 1.000 năm thành lập nước Hungary, đây là tuyến tàu chạy ngầm dưới lòng đất đầu tiên của châu Âu lục địa.
Nhà hát opera quốc gia, Bảo tàng mỹ thuật, Phòng triển lãm nghệ thuật… cùng hàng loạt tiệm cà phê nghệ sĩ có tuổi đời trên 100 năm và các biệt thự, cung điện khác nằm dọc và quanh Đại lộ Andrássy làm nên sự quyến rũ đô thị của thành phố này, và là sợi dây nối một quá khứ hoàng kim chưa quá xa của Vương quốc Hungary, với nước Hungary hiện đại chỉ còn một phần ba diện tích đất nước sau những cuộc chiến.
Còn lại gì trong lòng du khách phương xa khi tới thăm Budapest? Thủ đô này có gì đặc biệt, so với những thành phố vốn dĩ cũng rất nổi tiếng khác trong vùng Trung Âu, như Vienna, Prague, Krakow… cũng đều có con sông chảy qua và đều có lâu đài, thành cổ hoàng gia trên đồi cao, “trên bến dưới thuyền”?
Một nhà báo Việt nhận xét Budapest hùng vĩ và uy nghi nhất, nhìn từ Cung điện Hoàng gia bên Đồi Buda sang Nhà Quốc hội.
Không phải ở bất cứ chỗ nào, những tạo vật của bàn tay khối óc con người cũng được gìn giữ, nâng niu, trân trọng qua bao biến cố của thời cuộc, Budapest đã làm được điều đó, với vai trò thủ đô của một quốc gia không phải giàu có tại châu Âu. Đây chính là điểm son của đô thị này!