Nhật Bản chính thức “mở cửa” cho quả vải thiều Việt Nam Huyện Lục Ngạn (Bắc Giang): Chủ động đầu ra cho quả vải thiều |
Khó khăn nhất vẫn là khâu vận chuyển
Ngày 26/4, Sở Công Thương Bắc Giang đã phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của tỉnh vào thị trường Hoa Kỳ.
Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác xuất khẩu vải thiều sang thị trường Hoa Kỳ |
Thông tin tại hội nghị, ông Trần Quang Tấn – Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang – cho biết, Bắc Giang có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển nông nghiệp, với tập đoàn cây ăn quả phong phú, đa dạng và nhiều sản vật nông nghiệp đặc trưng, nổi tiếng.
Đặc biệt, được mệnh danh là “thủ phủ” vải thiều lớn nhất cả nước, Bắc Giang nhất quán và xuyên suốt quan điểm lấy chất lượng vượt trội, đặc trưng riêng có; bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc, tạo chỗ đứng bền vững ở thị trường trong và ngoài nước.
Năm nay, thời tiết thuận lợi, các trà vải trên địa bàn tỉnh sinh trưởng phát triển tốt, dự kiến sản lượng đạt hơn 180.000 tấn; trong đó sản lượng vải sớm khoảng 60.000 tấn, chính vụ 120.000 tấn. Vì vậy, từ bây giờ Bắc Giang đã, đang nỗ lực xúc tiến, tìm đường tiêu thụ cho loại cây trồng chủ lực của địa phương.
Với thị trường Hoa Kỳ, Bắc Giang luôn xác định là thị trường tiềm năng. Hiện tỉnh đã có 17 mã số vùng trồng được Hoa Kỳ cấp mã số, với diện tích 205ha. Năm nay địa phương dự kiến xuất khẩu quả vải sang thị trường này khoảng 1.500 tấn.
Tuy nhiên tại hội nghị, Bắc Giang cũng đã chia sẻ những khó khăn khi xuất khẩu vải thiều và các sản phẩm nông sản của tỉnh vào thị trường Mỹ, đó là: Chi phí vận chuyển còn cao; công nghệ bảo quản… dẫn tới giá thành quả vải khá cao, vì thế khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước khác tại thị trường sở tại.
Cùng bàn về vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Hưng – Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ – chia sẻ: Tiềm năng xuất khẩu vải thiều Bắc Giang vào Hoa Kỳ rất lớn, tuy nhiên do khoảng cách địa lý cùng với công nghệ bảo quản nên việc đưa sản phẩm này đến Hoa Kỳ hiện còn gặp nhiều khó khăn.
Tháo dần nút thắt
Bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn trong vấn đề vận chuyển, đại diện doanh nghiệp từ các điểm đầu cầu, cũng như chuyên gia cho hay, Bắc Giang cần tiếp tục phối hợp để có chính sách hưởng ưu đãi giá bay thẳng đối với vải thiều của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Điều này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn về giá cước.
Về công nghệ, cần lựa chọn công nghệ bảo quản phù hợp, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn nhập khẩu của Hoa Kỳ. Tại hội nghị, địa phương đề nghị Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội giúp Bắc Giang chiếu xạ vải thiều xuất khẩu sang Hoa kỳ được thực hiện tại Hà Nội. Đề nghị này đã được đại diện Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội thông tin, hiện đơn vị đã làm việc với doanh nghiệp phía Hoa Kỳ để hiệu chuẩn các thông số theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Đơn vị phấn đấu đầu tháng 6 sẽ có đầy đủ trang, thiết bị chiếu xạ vải thiều tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, Bắc Giang cũng đề nghị Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) quan tâm và có định hướng giúp tỉnh trong các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều và mặt hàng có thế mạnh của tỉnh ở thị trường Hoa Kỳ.
Quan tâm giới thiệu, mời gọi, kết nối các doanh nhân Hoa Kỳ và doanh nhân người Việt tại Hoa Kỳ có hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu nông sản. Bắc Giang sẽ cung cấp, giới thiệu các doanh nghiệp trên địa bàn đáp ứng các yêu cầu.
Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp
Theo ông Phan Thế Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, Bắc Giang đặc biệt coi trọng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên. Tỉnh đã xây dựng kế hoạch hội nhập kinh tế quốc tế, kế hoạch xuất, nhập khẩu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với những giải pháp xuất khẩu hàng hóa cụ thể, đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh.
Bắc Giang nhất quán và xuyên suốt quan điểm lấy chất lượng vượt trội, đặc trưng riêng có |
Xác định Hoa Kỳ là thị trường lớn, tiềm năng, hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, đồng nghĩa với việc có thể xuất khẩu vào nhiều thị trường tiềm năng khác trên thế giới, Bắc Giang đã tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất để phục vụ thị trường.
UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương cụ thể hóa từng nhóm vấn đề như: Tập trung vào khâu sản xuất, nâng cao chất lượng quả vải thiều; điều kiện để xuất khẩu vải thiều vào thị trường Hoa Kỳ; kết nối trong hoạt động xuất khẩu; giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Tại hội nghị này, Bắc Giang một lần nữa khẳng định lại cam kết: Tạo mọi điều kiện tốt nhất để hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước đến Bắc Giang đầu tư sản xuất, hoạt động thương mại, xuất, nhập khẩu hàng hóa.
Do đó, Sở Công Thương được giao trọng trách là cơ quan đầu mối tiếp nhận kiến nghị, góp ý của doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu vải thiều và các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh; phối hợp với cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ để nắm chắc thị trường, quy định của Chính phủ Hoa Kỳ về hoạt động xuất, nhập khẩu, kịp thời hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện.
Các huyện Lục Ngạn, Tân Yên quản lý chặt chẽ mã vùng trồng vải thiều, mã số cơ sở đóng gói tại địa phương; chuẩn bị đầy đủ điều kiện hỗ trợ thu hoạch vải thiều, khắc phục tất cả tồn tại của những năm trước, bảo đảm tiêu thụ vải thiều mùa vụ 2023 thành công.