Tham dự hội thảo có lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang, sở NN&PTNT tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Liên Minh họp tác xã tỉnh Kiên Giang; đại diện Cục Thủy sản – Bộ NN&PTNT, đại diện lãnh đạo Lãnh đạo Sở NN&PTNT các tỉnh Khánh Hòa, Cà Mau; cùng các Viện, Trường, Trung tâm nghiên cứu, các nhà khoa học; các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và bà con ngư dân nuôi trồng thủy sản.
Theo ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản – Cục Thủy sản, hiện cả nước có 9,5 triệu m³ lồng; trong đó có 4,3 triệu m³ lồng nuôi cá biển, 5,2 triệu m³ lồng nuôi tôm hùm và 57 nghìn ha nuôi nhuyễn thể. Tổng sản lượng nuôi biển 2023 là 789,8 nghìn tấn; trong 6 tháng năm 2024 là 370,4 nghìn tấn (tăng 12,6 % so với cùng kỳ); đạt 45,2% so với kế hoạch 2024 (819,8 tấn). Tuy nhiên khó khăn hiện nay của nghề nuôi biển nước ta là giống phục vụ nghề nuôi cá biển còn hạn chế, thức ăn phục vụ nuôi cá biển chưa đa dạng; khoa học, công nghệ, nhất là trong công nghiệp phụ trợ chưa chuyên sâu; chuỗi liên kết sản xuất nuôi cá biển chưa nhiều…
Tỉnh Kiên Giang là tỉnh có lợi thế phát triển ngành thủy sản đa dạng, kinh tế biển được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực của tỉnh nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội, chú trọng phát triển hiệu quả và bền vững nghề nuôi trồng thủy sản trên biển. Mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nuôi biển, tuy nhiên nghề nuôi biển trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thiếu bền vững.
Theo ông Lê Hữu Toàn – Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, kết quả thực nuôi biển của tỉnh năm 2023 có 3.870 lồng nuôi; sản lượng 3.910 tấn; diện tích nuôi biển ven bờ là 23.282 ha, sản lượng 96.327 tấn.
Theo kế hoạch năm 2025, tỉnh có 7.500 lồng nuôi, sản lượng 29.890 tấn, tập trung tại Phú Quốc, Kiên Hải và một phần của Hà Tiên, Kiên Lương; diện tích nuôi biển ven bờ là 25.500ha, sản lượng 83.850 tấn, tập trung tại Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên và An Minh. Đến năm 2030, kế hoạch tỉnh có 14.000 lồng nuôi, sản lượng 105.690 tấn; diện tích nuôi biển ven bờ là 26.900 ha, sản lượng 101.460 tấn.
Theo ông Lê Hữu Toàn dư địa tỉnh còn lớn, đến năm 2025 lồng nuôi cần 3.630 lồng (lồng truyền thống 1.799 lồng, lồng công nghệ cao 1.831); diện tích nuôi biển ven bờ là 2.218 ha, tập trung tại TP.Phú Quốc, huyện Kiên Hải, Kiên Lương, TP.Hà Tiên.
Về đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển nuôi biển tỉnh Kiên Giang hiện có 2 dự án, gồm: Dự án kè chống sạt lở kết hợp bãi thải nạo vét khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Nam Du (tại xã Nam Du, huyện Kiên Hải), có tổng mức đầu tư 430 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh, thời gian thực hiện năm 2023-2026 và Dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Nam Du (huyện Kiên Hải), có tổng mức đầu tư 405 tỷ đồng đồng, có quy mô công suất đáp ứng cho 1.000 tàu có chiều dài đến 35m (hoặc 600CV) vào neo đậu; luồng và vùng nước neo đậu tàu có diện tích 71,6 ha…
Tại hội thảo, đại diện các Viện, Trường, Trung tâm nghiên cứu, các nhà khoa học; các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và bà con ngư dân, nuôi trồng thủy sản cũng đã phát biểu nhiều ý kiến về giải pháp bảo vệ môi trường kết hợp với du lịch hướng đến phát triển bền vững; giới thiệu các sản phẩm lồng nuôi bằng nhựa HDPE; giới thiệu những nghiên cứu và phát triển sản phẩm thức ăn phục vụ đối tượng nuôi biển; giới thiệu các sản phẩm phục vụ nuôi biển và các chính sách hỗ trợ ngư dân…
Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và bà con ngư dân nuôi trồng thủy sản các tỉnh mong rằng sẽ có nhiều cơ hội hợp tác với tỉnh Kiên Giang; cũng như các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và bà con ngư dân, nuôi trồng thủy sản trong tỉnh mong muốn tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, thành lập chuỗi liên kết tiêu thụ thủy hải sản nông dân làm ra… để phát triển hiệu quả, bền vững nghề nuôi biển.
Nguồn: https://danviet.vn/kien-giang-ban-giai-phap-phat-trien-nghe-nuoi-bien-den-nam-2025-tam-nhin-nam-2030-20240628093626153.htm