Với hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa giàu tiềm năng, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030″.
Sau hơn 10 năm nỗ lực phấn đấu, xây dựng, Khu Du lịch quốc gia Mộc Châu đã có sự phát triển vượt bậc, vươn lên trở thành điểm đến du lịch năng động và đầy tiềm năng ở khu vực Tây Bắc của Tổ quốc. Lượng khách du lịch đến Mộc Châu tăng gấp 3,5 lần; tổng thu dịch vụ du lịch tăng hơn 6,2 lần so với năm 2014.
Tuy nhiên, theo đánh giá, việc phát triển du lịch vẫn chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế của Khu du lịch quốc gia Mộc Châu.
Tại Hội nghị, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học cùng các doanh nghiệp lữ hành của Trung ương và địa phương đã đưa ra ý kiến, thảo luận, đánh giá tổng quan về Khu du lịch quốc gia Mộc Châu; tình hình phát triển du lịch ở một số địa phương, bài học kinh nghiệm và khuyến nghị đối với khu du lịch quốc gia Mộc Châu; tư vấn xây dựng các Tour du lịch chuyên đề; đánh giá của doanh nghiệp lữ hành và khách du lịch khi đến với khu du lịch quốc gia Mộc Châu…
Ông Nguyễn Hữu Tân, Trưởng phòng thị trường Việt Nam, Công ty du lịch VietTreval nêu ý kiến: “Cần phát huy lợi thế cạnh tranh của địa phương bằng việc tạo ra sản phẩm có bản sắc riêng; trong đó cần tập trung vào các sản phẩm chủ đạo, bằng cách dựa trên nhu cầu của khách hàng để có sản phẩm riêng của Mộc Châu. Dựa trên đó để có chiến lược đầu tư bài bản hơn về cơ sở hạ tầng, truyền thông; chọn lọc truyền thông về những gì du khách đang cần chứ không phải truyền thông dàn trải về tất cả những gì địa phương đang có”.
Tham gia ý kiến về giải pháp chuyển đổi số để phát triển du lịch của Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, bà Phan Thái Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch – Cục du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng: Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu cũng đã hình thành dữ liệu nhất định trong chuyển đổi số để phát triển du lịch. Tuy nhiên, những ứng dụng này chưa được duy trì ổn định, thiếu tính liên kết với các cơ quan, tổ chức liên quan trong quảng bá, truyền thông…
“Tưởng như đơn giản, nhưng việc làm thông tin và số hoá dữ liệu phải thường xuyên, liên tục và phải có con người, Mộc Châu cần quan tâm thực hiện. Phải tăng cường số hoá các thông tin dữ liệu về điểm đến, phát triển các nền tảng số, đặc biệt là nâng cấp cổng thông tin chung về du lịch Mộc Châu. Bên cạnh đó cũng cần chọn lọc điểm đến tiêu biểu để số hoá bằng công nghệ hiện đại; phát triển trợ lý ảo, hướng dẫn viên ảo, hỗ trợ thông minh, thêm thông tin cảnh báo cho du khách”, bà Phan Thái Hà cho hay.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đánh giá: Trong hệ thống quy hoạch Khu du lịch quốc gia của cả nước, Mộc Châu là một trong những khu được công nhận về đích trước kế hoạch. Tỉnh đã rất nỗ lực, trăn trở và quyết liệt, kết quả rất xứng đáng. Tuy nhiên, đây không phải đích đến, mà là khởi đầu cho những con đường, lộ trình tiếp theo.
“Việc công nhận Khu du lịch quốc gia đã thể hiện kết quả ít nhất là trong 10 năm quy hoạch, quan tâm hỗ trợ, thực hiện quy hoạch chính sách, phân bổ nguồn lực, huy động nguồn lực xã hội, từ xây dựng cộng đồng du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch, tạo ra một môi trường du lịch bền vững. Việc được công nhận là Khu du lịch quốc gia cũng mở ra hướng đi mới cho Mộc Châu, để phát triển du lịch có hiệu quả, để đóng góp du lịch cho phát triển kinh tế – xã hội”, ông Hồ An Phong nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp du lịch Sơn La, CLB Unessco và các doanh nghiệp trong nước đã ký kết hợp tác phát triển du lịch, thiết lập liên minh bán sản phẩm du lịch. Kết quả của Hội thảo sẽ góp phần triển khai có hiệu quả chủ trương, chính sách về phát triển du lịch, cũng như khai thác các tiềm năng, phát triển lợi thế du lịch xanh, bền vững của Khu du lịch quốc gia Mộc Châu nói riêng và tỉnh Sơn La, cùng khu vực Tây Bắc nói chung.
Nguồn: https://vov.vn/du-lich/ban-giai-phap-phat-trien-khu-du-lich-quoc-gia-moc-chau-xanh-va-ben-vung-post1096046.vov