Phát biểu khai mạc tọa đàm, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông, Đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam nhấn mạnh: Qua cuộc tọa đàm này, cần xác định được hướng đi đúng, những việc cần phải làm để nhiếp ảnh Việt Nam tiếp tục phát triển trong những yêu cầu mới của đất nước. Đặc biệt là, giới nhiếp ảnh phải có thành quả cụ thể để chuẩn bị tổng kết 50 năm văn học nghệ thuật Việt Nam sau Ngày thống nhất đất nước.
“Tọa đàm cần trả lời câu hỏi: Vì sao nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam tuy đã có thành tựu rất đáng ghi nhận, biểu dương, nhưng cho đến nay, chúng ta vẫn còn ít tác phẩm xứng tầm với sự phát triển của đất nước, ít nghệ sĩ lớn, có tầm cỡ như những giai đoạn trước kia?. Từ đó, tập trung đưa ra giải pháp để trong thời gian tới có nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật chất lượng cao” nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông thông tin thêm.
Chia sẻ về công tác giám khảo, đánh giá chấm điểm các cuộc thi về tác phẩm ảnh những yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Sỹ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống cho biết: “để nâng cao chất lượng giám khảo bản thân từng thành viên giám khảo phải tự đổi mới mình, đây là việc làm khó nhưng rất cần thiết. Giám khảo cần luôn luôn tự học hỏi nâng cao kiến thức, cập nhật thông tin, trải nghiệm sáng tác thường xuyên, hiểu biết sâu rộng nhiều lĩnh vực, nâng cao kiến thức lý luận phê bình nhiếp ảnh, để có đủ thông tin, lý luận, kiến thức phản biện”.
Ngoài ra cũng cần nâng cao kiến thức công nghệ thông tin, thành thạo các phần mềm xử lý ảnh. Nâng cao trách nhiệm và chịu trách nhiệm trước các quyết định lá phiếu của mình, nếu giám khảo chưa đủ tự tin thì nên xin rút khỏi hội đồng. Phải có cái tâm trong sáng, công tâm, thắng thắng, minh bạch, phải vì cái chung, vì sự phát triển của nhiếp ảnh Việt Nam. Không được đặt cái tôi cá nhân lên trên tập thể. Cần đổi mới cách chấm thi của Hội đồng Giám khảo.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Thị Phương Hiền – Phó Ban Lý luận Phê bình nhiếp ảnh (Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam) chia sẻ: Để nâng tầm sáng tác các tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật đòi hỏi người sáng tác không chỉ được đào tạo kiến thức cơ bản về nhiếp ảnh mà phải vượt ra khỏi những kiến thức nhiếp ảnh thông thường, nâng lên tầm mới. Họ cần nghiên cứu, thực hành chuyên sâu của từng lĩnh vực nhiếp ảnh. Đào tạo nhiếp ảnh nghệ thuật cũng đòi hỏi người học phải có năng khiếu để lĩnh hội kiến thực và thực hành tốt, sáng tạo, trở thành nhân lực, nhân tài cho lĩnh vực nhiếp ảnh.
Các tham luận tại tọa đàm đã tập trung bàn luận về các vấn đề nổi cộm như: Trình độ, thái độ ban giám khảo; nâng cao năng lực quảng bá; tác động của công nghệ (nhất là AI) với ảnh nghệ thuật; đào tạo nguồn nhân lực cho nhiếp ảnh; đầu tư sáng tác; yếu tố “vùng miền” trong sáng tác và thẩm định ảnh; ảnh bộ và ảnh đơn…
Ngoài ra, các đại biểu đã thống nhất cần tiến hành một số biện pháp để nhiếp ảnh phát triển mạnh mẽ hơn, đó là: Đổi mới tư duy, suy nghĩ, đổi mới cách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; cần đặc biệt quan tâm hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách; đổi mới tư duy công bố tác phẩm; tiếp tục đổi mới đội ngũ lãnh đạo, quản lý; tạo ra một cuộc vận động sáng tạo nhiếp ảnh có quy mô toàn xã hội.