Hội sách, triển lãm sách nhằm thu hút giới trẻ
Trưởng ban Thanh thiếu nhi Trường học (Tỉnh đoàn) Nguyễn Thiên Thanh cho biết: “Phụ trách công tác Đoàn và phong trào HSSV trong tỉnh, quá trình tổng hợp, đánh giá kết quả hoạt động của các đơn vị nhiều năm, chúng tôi nhận thấy hoạt động nâng cao văn hóa đọc được triển khai rộng rãi. Hầu hết, nhà trường đưa chủ trương thực hiện vào chương trình năm học; mỗi năm có ít nhất 3 – 5 hoạt động liên quan. Nổi bật là hoạt động trên không gian mạng, phù hợp với xu hướng và sở thích của HSSV giai đoạn hiện tại”.
Bên cạnh đó, tổ chức đoàn, đội trong trường học liên kết chặt chẽ với thư viện trường, tổ bộ môn (đặc biệt là bộ môn văn) triển khai cuộc thi, triển lãm sách, phát động nhiều chương trình về sách, như: “Mỗi tuần một cuốn sách hay”, “Mỗi thanh niên một quyển sách làm bạn”, cuộc thi review sách, đại sứ văn hóa đọc, thi ảnh đẹp về sách… Liên đội, đoàn trường cùng các huyện, thị, thành đoàn nỗ lực xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác phát triển văn hóa đọc tại nhà trường, như: Xây dựng thư viện xanh, công trình không gian đọc sách gắn với không gian sinh hoạt đội, trao tặng tủ sách, tổ chức chuyến xe sách lưu động…
Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thiên Thanh, dù được tổ chức thường xuyên, thường niên, nhưng các hoạt động chưa mang tính sáng tạo, đổi mới, chưa thực sự thu hút HSSV (đặc biệt là khối tiểu học). Với các địa phương khó khăn, việc phát triển văn hóa đọc trên không gian mạng gặp nhiều khó khăn, do thiếu thốn cơ sở vật chất, chất lượng hoạt động không đồng đều. Cùng với đó là nguồn sách tại thư viện chưa phong phú, chưa thể bổ sung sách mới hàng năm. Một số sách không đáp ứng nhu cầu đọc, khơi gợi hứng thú đọc của HSSV.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đóng góp ý kiến, mổ xẻ nguyên nhân khiến việc đọc sách trong giới trẻ chưa được duy trì thường xuyên. Đó là sự lên ngôi của thiết bị công nghệ hiện đại, chiếm phần lớn quỹ thời gian vui chơi, giải trí của các em nhỏ. Thời gian hoạt động của thư viện vào giờ hành chính, song song với giờ học, nên học sinh không đủ thời gian đến đọc, tìm mượn sách. Các đầu sách ở thư viện trường phổ thông đơn điệu, bó hẹp trong phạm vi sách giáo khoa, sách ôn luyện và một số sách tham khảo môn học, ít tạp chí, báo…
Bạn Lưu Văn Nhân (một đại sứ văn hóa đọc, Trường Đại học An Giang) đề xuất: “Các thư viện cần tạo không gian thoáng đãng, bắt mắt để HSSV đến học tập; phát triển đầu sách chất lượng tại thư viện, tổ chức tuyên truyền về văn hóa đọc, truyền cảm hứng đọc sách trong giới trẻ. Thư viện tổ chức cuộc thi quy mô nhỏ, như: Giới thiệu, bình luận sách, đọc diễn cảm, linh hoạt về chủ đề phù hợp ngày Tết, lễ kỷ niệm trong năm”.
Bí thư Đoàn Trường Đại học An Giang Đặng Thế Lực cho rằng, nên hình thành thói quen đọc sách khi còn nhỏ. Đây là giải pháp quan trọng, tiên quyết nhất, góp phần hình thành thói quen đọc sách cho HSSV. Bởi, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, tiếp xúc với sách trước khi làm quen với thiết bị điện tử (ti-vi, máy vi tính…) sẽ giúp trẻ hình thành niềm yêu thích đọc sách khi lớn lên. Do vậy, mỗi gia đình cần thay đổi nhận thức, phương pháp giảng dạy trẻ bằng việc trang bị kệ sách, tủ sách nhỏ. Cha mẹ nên là tấm gương về đọc sách. Đồng thời, lan tỏa quyển sách hay bằng cách áp dụng các nền tảng công nghệ số”.
Giám đốc Thư viện tỉnh An Giang Nguyễn Thị Thùy Trang thông tin: “Hiện nay, Thư viện tỉnh có rất nhiều hoạt động đổi mới, sáng tạo, tạo điều kiện tốt nhất để bạn đọc được tiếp cận với sách nhiều hơn, như: Sách đọc, sách nói… Cùng với đó, thư viện luôn cập nhật đầu sách hay, mới, tổ chức hoạt động kể chuyện sách, đại sứ văn hóa đọc… trên Fanpage của đơn vị. HSSV nên tích cực tham gia, tạo thói quen đến thư viện thường xuyên hơn. Dần dần, các em sẽ được vun bồi tình yêu với sách, thói quen đọc sách và trưởng thành cùng sách”.