Theo Cục Lâm nghiệp, cơn bão số 3 gây tổn thất lớn đến người và tài sản, gây tổn hại nghiêm trọng đến đời sống kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Trong đó, ngành lâm nghiệp chịu thiệt hại nặng nề tới hoạt động sản xuất lâm nghiệp, chế biến, thương mại lâm sản tại vùng chịu ảnh hưởng. Diện tích rừng trồng sản xuất gần 170 nghìn ha bị thiệt hại, nhiều cơ sở sản xuất chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản ở các tỉnh miền núi phía Bắc bị thiệt hại, cần phải đầu tư sửa chữa, khôi phục.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhận định, bão số 3 đã ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi sản xuất của ngành lâm nghiệp, từ giống, phát triển rừng đến chế biến lâm sản không chỉ ở thời điểm hiện tại mà còn cả chu kỳ sản xuất của lĩnh vực lâm nghiệp. Trong bối cảnh đó, để đạt và vượt mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2024 là 15,2 tỷ USD, tăng khoảng 6 % so với năm 2023, ngành chế biến gỗ cần khẩn trương tìm ra các giải pháp để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đồng thời giúp các chủ rừng, người làm nghề rừng vượt qua khó khăn, tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị phát biểu tại hội nghị
Đại diện cho tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất, ông Vũ Huy Văn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh cho biết, bão số 3 đã làm chết 29 người, tổng thiệt hại kinh tế tính đến ngày 23/9 là hơn 24 nghìn tỉ đồng. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, thiệt hại trên 117 nghìn ha diện tích rừng, thủy sản 3067 cơ sở nuôi trồng bị thiệt hại, 116 tàu cá bị chìm và trên 7500 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại.
“Trong thời gian tới, chính quyền tỉnh sẽ tiếp tục thống kê chính xác thiệt hại và thực hiện ngay chính sách hỗ trợ sau bão theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ. Hiện tại, tỉnh áp khung hỗ trơ cao nhất theo Nghị định của Chính phủ, tuy nhiên có khó khăn ở đối tượng doanh nghiệp bị thiệt hại. Tỉnh đề nghị được nâng mức hỗ trợ nếu địa phương bố trí được nguồn kinh phí”, ông Văn thông tin.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đồng tình cao với các nhóm giải pháp thảo luận tại hội nghị. Đối với khu vực rừng bị thiệt hại, nặng (cây đổ gãy hoàn toàn) không thể phục hồi phải khai thác tận thu, các diện tích rừng sau khi khai thác phải tiến hành trồng lại ngay. Với diện tích thiệt hại nhẹ cần tiếp tục vệ sinh, thực hiện các giải pháp khôi phục và phát triển rừng.
Để phục vụ trồng rừng mới, Thứ trưởng đề nghị toàn ngành rà soát lại toàn bộ nguồn giống hiện có và khả năng cung cấp cây giống, nhu cầu của địa phương để cung ứng cho các chủ rừng, đảm bảo bắt đầu trồng rừng vào mùa xuân tới. Thứ trưởng giao Viện Khoa học Lâm nghiệp chuẩn bị cây giống gốc, xem xét việc nhập khẩu một số hạt giống của nước ngoài đảm bảo đủ điều kiện về chất lượng.
Đề nghị Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm bám sát đề nghị của Bộ về Nghị định thanh lý rừng trồng, bởi đây là một nghị định cần thiết để xử lý vướng mắc của các địa phương ngay lúc này. Tiếp tục hướng dẫn địa phương các biện pháp kỹ thuật về khai thác tận thu, tận dụng, vệ sinh rừng, đặc biệt là công tác phống cháy cần được ưu tiên do nguy cơ cháy rừng tăng cao sau bão.
Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cũng nhấn mạnh yêu cầu Hiệp hội Gỗ và lâm sản vận động doanh nghiệp thu mua cây đổ, cây tận thu nhanh chóng, kịp thời, không ép giá, không gây khó khăn cho người có rừng bị thiệt hại.
Nguồn: https://www.mard.gov.vn/Pages/ban-giai-phap-khac-phuc-hau-qua-con-bao-so-3-trong-linh-vuc-lam-nghiep.aspx?item=39