Những bản đúc trên cửu đỉnh ở hoàng cung Huế vừa được UNESCO ghi danh là di sản tư liệu thế giới. Đây là di sản tư liệu thứ 10 của Việt Nam và là di sản thế giới thứ 8 ở Thừa Thiên Huế.
Đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng
Cửu đỉnh bằng đồng do hoàng đế Minh Mạng cho đúc từ năm 1835-1837, sau khi hoàn thành được đặt trong sân của Thế Miếu, bên trong hoàng cung Huế và vẫn còn nguyên vẹn cho đến nay.
Đỉnh đồng có kích thước rất lớn, cao trung bình 2,3m, nặng từ hơn 1,9-2,6 tấn.
Trên đỉnh khắc nổi tên gọi, năm đúc, trọng lượng cùng 17 hình ảnh mang tính biểu tượng về núi sông, sản vật, cỏ cây hoa lá và những sản phẩm tiêu biểu do con người làm ra.
TS Huỳnh Thị Anh Vân, nguyên giám đốc Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, cho biết để đúc được mỗi chiếc đỉnh phải dùng 60 lò nấu đồng góp lại, mỗi lò chỉ nấu được 30-40kg đồng.
Các phù điêu trên thân đỉnh được tạo mẫu, làm khuôn từ trước và đúc liền khối. Công việc này đòi hỏi sự tập trung của rất nhiều nhân công cùng các kíp thợ giỏi.
Ông P.Chovet, hiệu trưởng Trường Bách công Huế (nay là Trường CĐ Công nghiệp Huế) giai đoạn đầu thế kỷ 20 đã khen ngợi cửu đỉnh trong cuốn BAVH như sau:
“Cách xây các khuôn đúc rất hay, chứng tỏ trong lĩnh vực này những người thợ đúc An Nam đã đạt trình độ điêu luyện ngang với những thợ đúc của châu Âu”.
“Địa chí” bằng ngôn ngữ tạo hình
Theo bà Huỳnh Thị Anh Vân, với ý nghĩa “Chú cửu đỉnh dĩ tượng thành công” (đúc chín đỉnh thể hiện sự thành công) thể hiện sự trường tồn của triều đại, các hình ảnh được lựa chọn thể hiện trên chín đỉnh cũng có thể coi là bộ bách khoa toàn thư sống động về Việt Nam thời bấy giờ.
Ngoài hình ảnh rồng trên cao đỉnh, các đỉnh khác có những hình ảnh biểu tượng cho các lực lượng siêu nhiên trong vũ trụ ảnh hưởng chi phối cuộc sống con người như mặt trời, mặt trăng, mây, gió, sấm, chớp…
Trên cửu đỉnh còn thể hiện những địa danh, ngọn núi, con sông liên quan đến triều Nguyễn như núi Thiền Tôn (quê hương của họ Nguyễn), sông Hương, núi Ngự, sông Bến Nghé, sông Tiền, sông Hậu…
Hình ảnh các loài cây, muông thú và sản vật như cây lúa, đậu, cá, hổ, gỗ lim, hoàng đàn, trầm hương… cũng được đúc một cách tinh tế trên cửu đỉnh, thể hiện nguồn tài nguyên phồn thịnh của đất nước.
TS Phan Thanh Hải, giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, nói có thể coi cửu đỉnh là một bộ sưu tập triển lãm những tác phẩm mỹ thuật rất tinh tế của những nghệ nhân tài hoa, là biểu tượng cho sự giàu đẹp, thống nhất của đất nước Việt Nam.
Theo ông Hải, 162 hình trên cửu đỉnh là 162 bức chạm độc lập, hoàn chỉnh, kết hợp điêu luyện giữa nghệ thuật đúc – chạm nổi đồ đồng của Việt Nam, giữa văn hóa dân gian và văn hóa bác học.
Nghệ nhân khi thể hiện những hình trên cửu đỉnh đã thoát ra ngoài cái nhìn cố định, không lệ thuộc vào trạng thái tự nhiên của vật thể, cũng như tỉ lệ kích thước của chúng, mà sáng tạo bằng sự sắp xếp lại cho vừa một mảng diện tích tương đương nhau trên bầu của đỉnh.
“Có thể xem các hình tượng trên cửu đỉnh là một bộ “địa chí” được ghi bằng ngôn ngữ tạo hình của nước ta ở thế kỷ 19. Tuy không nhiều nhưng điển hình và bao hàm rất đầy đủ”, ông Hải nhận định.
Theo ông Hải, có thể khẳng định cửu đỉnh là bộ sưu tập hiện vật độc đáo và duy nhất không chỉ của Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới. Cửu đỉnh được công nhận là bảo vật quốc gia ngay trong đợt đầu tiên (1-1-2012).
Cần quảng bá nhiều hơn
Bà Lê Thị Thu Hiền, cục trưởng Cục Di sản, đánh giá đây là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực của Việt Nam trong hoạt động bảo tồn các giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản tư liệu nói riêng.
Đến nay Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh (4 di sản tư liệu thế giới và 6 di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương).
Theo bà Hiền, việc Thừa Thiên Huế có thêm 1 di sản UNESCO ghi danh sẽ góp phần quảng bá tiềm năng, thu hút du lịch, hợp tác quốc tế, đóng góp cho sự phát triển bền vững của địa phương.
Đây cũng là cơ sở thực tiễn để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị di sản tư liệu trở thành một chương mới trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Theo ông Nguyễn Xuân Hoa, Thừa Thiên Huế cần tăng cường quảng bá, giới thiệu hình ảnh cửu đỉnh rộng rãi, hình tượng và điểm nhấn hơn để du khách hiểu hết những ý nghĩa của bảo vật này:
“Lâu nay du khách tham quan Thế Miếu chỉ lướt qua cửu đỉnh, ít lưu lại thông tin gì về bảo vật này. Do vậy cần phải có chiến lược, quảng bá, phương pháp hướng dẫn để du khách hiểu hơn về giá trị của bảo vật còn lưu đến ngày nay”.NHẬT LINH
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa nói rằng hệ thống bản đúc trên cửu đỉnh ở Huế không chỉ là di sản tư liệu phản ánh một thời đại thịnh trị của Việt Nam dưới triều vua Minh Mạng mà quan trọng hơn còn thể hiện tính tự chủ về văn hóa, chính trị, đứng ngang hàng với nhà Thanh ở Trung Quốc lúc bấy giờ.
10 vạc đồng thời Hiền vương Nguyễn Phúc Tần
Kinh thành Huế hiện còn lưu giữ 10 chiếc vạc đồng được đúc dưới thời Hiền vương Nguyễn Phúc Tần, tượng trưng cho sức mạnh và sự trường tồn của chính quyền Đàng Trong.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho biết 10 chiếc vạc đồng này cũng thuộc hàng bảo vật. Ông Hoa nhận định vạc đồng dù được đúc dưới sự hướng dẫn của người phương Tây nhưng vẫn giữ nét đặc trưng qua các mô típ trang trí truyền thống của Việt Nam như hình rồng, cây hoa lá…
10 chiếc vạc đồng này đang nằm rải rác ở nhiều nơi bên trong Kinh thành Huế như ở sân điện Kiến Trung, điện Long An, sân điện Cần Chánh…
Nguồn: https://tuoitre.vn/ban-duc-tren-cuu-dinh-hue-la-doc-dao-va-duy-nhat-20240510092457956.htm