Cần bỏ giấy chuyển tuyến với những bệnh hiểm nghèo, nhưng làm sao để bệnh viện tuyến trên không vỡ trận?
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, chiều 24-10, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, đại biểu Nguyễn Tri Thức – thứ trưởng Bộ Y tế – cho biết có nhiều đại biểu, cử tri kiến nghị bỏ giấy chuyển tuyến giữa các cấp hệ thống cơ sở khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, ý kiến cá nhân ông và nhiều giám đốc bệnh viện cho rằng nếu bỏ, chỉ nên bỏ ở cấp ban đầu, cấp cơ bản (nơi đăng ký bảo hiểm y tế đầu tiên, cấp quận, huyện). Từ hai cấp này lên cấp chuyên sâu (bệnh viện trung ương và các bệnh viện lớn, đầu ngành của địa phương) nên có giấy chuyển tuyến.
Ông cho rằng bỏ giấy chuyển tuyến lên bệnh viện cấp chuyên sâu có thể triệt tiêu hệ thống y tế cơ sở và làm vỡ trận bệnh viện tuyến trên.
Bỏ giấy chuyển tuyến với bệnh hiểm nghèo
Bạn đọc có nhiều ý kiến về việc bỏ giấy chuyển tuyến này.
Bạn đọc Trương Ngọc kể: “Tôi bị ung thư gan đã phẫu thuật và đang điều trị, tái khám tại một bệnh viện tuyến trung ương hơn bảy năm nay. Thế nhưng mỗi đầu năm tôi đều bị buộc phải trở về bệnh viện quận huyện để xin giấy chuyển tuyến cho phù hợp với quy định. Điều này thật vô lý”.
Theo bạn đọc Hùng Cửu, hiện năng lực tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu, kết quả điều trị hiệu quả không cao.
Người dân phải chịu thiệt thòi về sức khỏe, tiền bạc. Do đó cần xem xét bệnh nào, tình trạng nào, điều kiện nào để cho phép chuyển tuyến.
Bạn đọc Lê Văn Tam nêu thực trạng khó khăn và vất vả khi xin giấy chuyển tuyến. Do đó, ủng hộ bỏ giấy chuyển tuyến cho bệnh nhân hiểm nghèo, đau yếu.
Đi xin giấy chuyển tuyến phải có mặt ở bệnh viện khám mới được cấp giấy. Người bệnh hiểm nghèo mệt mỏi, kiệt sức. Nếu bỏ được giấy chuyển tuyến họ sẽ bớt đi lại, tiết kiệm chi phí” – bạn đọc Tam chia sẻ.
Theo bạn đọc Huy Long: “Bệnh nhân ung thư đã rất mệt mỏi, kiệt sức vì hóa trị, xạ trị. Mỗi lần đi xin giấy chuyển tuyến, bệnh nhân phải có mặt. Ngồi gục với cơ thể mệt mỏi, khổ lắm!”.
Bạn đọc có số điện thoại 0916******11 mong bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với bệnh nhân nặng, mắc bệnh hiểm nghèo khi y tế cơ sở không đủ khả năng chuyên môn, trang thiết bị chữa trị. Điều này góp phần giảm thiểu thủ tục phiền hà, tiết kiệm đáng kể chi phí, thời gian cho cả bệnh nhân lẫn cơ sở y tế.
Bạn đọc Minh Khang đề xuất phải có quy định rõ ràng một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo không cần giấy chuyển tuyến. Khi đó người dân sẽ được đến khám sớm để điều trị kịp thời.
Để tuyến trên không vỡ trận
Bạn đọc N.A.H. cho rằng lý do muốn chuyển tuyến là người dân không muốn khám và điều trị ở tuyến dưới.
“Nói thẳng một câu trị bệnh mà người ta không hết bệnh thì tất nhiên họ phải chạy chỗ có bác sĩ giỏi hơn thôi.
Dân chỗ tôi họ không tin tài trị bệnh tuyến huyện ở đây, thay vì đi thẳng lên tuyến trên thì không lỡ thời gian vàng để họ có cơ hội sống”, bạn đọc H. cho biết.
Bạn đọc Long cho rằng chưa nói đến trình độ hay cơ sở trang thiết bị, thái độ làm việc và thủ tục tại y tế cơ sở đều chưa đáp ứng nhu cầu.
Chính vì vậy, người dân lo sợ mới xin chuyển. Tuy nhiên nhiều khi muốn chuyển nhưng thủ tục quá khó khăn nên dẫn đến những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Bạn đọc F. cho hay nếu sợ tuyến trên vỡ trận thì nên đầu tư cho tuyến dưới tốt và hiệu quả như tuyến trên.
Bạn đọc Trần Thi Ca đưa ra giải pháp: giấy chuyển tuyến này hoàn toàn có thể làm dạng số. Bệnh viện tuyến cơ sở tạo giấy và gửi bệnh viện tuyến trên theo giao tiếp giữa hai bệnh viện (bao gồm thông tin bệnh lý ban đầu).
Bệnh nhân được chuyển tuyến chỉ việc rời bệnh viện cơ sở khi đã nhận mã số chuyển tuyến và đến trình mã số này cho bệnh viện tuyến trên là xong.
Việc này khiến tuyến trên không bị vỡ trận mà bệnh nhân và người nhà không phải chịu phiền. Nhân viên và quản lý bệnh viện giảm nhẹ một khâu hành chính giấy tờ.
Bạn đọc Vũ Thanh Phong cho rằng nếu tuyến cơ sở khám chữa tốt thì người dân cũng không phải lên tuyến trên làm gì vì khi lên tuyến trên phải trả thêm tiền tàu xe, ăn uống và các chi phí khác.
Giải pháp cần thực hiện là tăng cường đội ngũ y bác sĩ cho tuyến huyện, tăng cường máy móc khám chữa bệnh, tập huấn chuyển giao kiến thức y học mới, mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế cho tuyến huyện.
Bạn đọc Hoàng Thanh Tùng chia sẻ thêm khi người dân tham gia bảo hiểm y tế, kỳ vọng chung của họ là được chăm sóc tốt, trang thiết bị y tế tốt và hiện đại, trình độ chuyên môn bác sĩ cao… nhưng những nhu cầu này đều được đặt ở tuyến trên.
“Tôi kiến nghị làm sao cân bằng tương đối trang thiết bị hiện đại hơn, luân chuyển (có thời hạn) bác sĩ có trình độ chuyên môn cao về chỉ đạo chuyên môn cho tuyến dưới…
Khi tuyến dưới đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho người dân thì giấy chuyển tuyến không có ý nghĩa gì”, bạn đọc Tùng có ý kiến.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ban-doc-mong-muon-bo-giay-chuyen-tuyen-voi-benh-hiem-ngheo-20241025112844984.htm