Trong dòng người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có 2 người bạn học của ông thời niên thiếu. Nay cả hai đều đã ở tuổi ngoài 80, người chống gậy, người đi xe lăn đến tiễn biệt bạn.
Gần 13 giờ chiều 25.7, đoàn người vẫn xếp hàng dài để vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại điểm Nhà văn hóa thôn Lại Đà (xã Đông Hội, H.Đông Anh, TP. Hà Nội). Đây là quê hương của Tổng Bí thư và là một trong những điểm tổ chức trọng thể lễ Quốc tang.
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Quân sự H.Đông Anh, chỉ tính đến khoảng 7 giờ sáng 25.7 đã có hơn 500 đoàn đăng ký viếng với số lượng lên tới hơn 14.000 người. Dự báo trước tình huống này, Ban chỉ huy Quân sự H.Đông Anh đã lên kịch bản và luyện tập, phối hợp chặt chẽ để điều hành nhịp nhàng sao cho người dân vào lễ trật tự, trang nghiêm, bảo đảm tất cả mọi người đến viếng được thuận lợi, toại nguyện.
Ở tuổi 82, ông Ngô Bá Dục, bạn học cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tự mình chống gậy đi bộ ra nơi tổ chức lễ tang để viếng bạn. Nhà ông Dục chỉ cách nhà Tổng Bí thư vài bước chân, cùng lớn lên và cùng học một lớp từ cấp 1 đến hết cấp 3, do vậy hai người có rất nhiều kỷ niệm.
Ông Dục cho hay, Tổng Bí thư là người hiền lành, học giỏi và chữ rất đẹp. Dù nhà nghèo, học hết cấp 1, cả 2 đi thuê trọ để tiếp tục theo đuổi con chữ với hành trang mỗi tháng là 15 đấu gạo. Mỗi giờ tan học, ông Dục và Tổng Bí thư rủ nhau ra sông Hồng vớt củi để làm chất đốt, kỷ niệm này cũng được ông Dục viết trong một bài thơ tặng người bạn Nguyễn Phú Trọng.
Sáng 25.7, tay chống gậy vào lễ tang Tổng Bí thư ở quê nhà, ông Dục không kìm được những giọt nước mắt, bước chân đôi lúc không vững khiến lực lượng quân sự phải dìu ông vào bên trong viếng bạn.
Thời điểm đó, thôn Lại Đà chỉ có 3 người học hết cấp 3, gồm Tổng Bí thư, ông Dục và ông Vương Khắc Duy (85 tuổi). Sau đó Tổng Bí thư và ông Dục vào đại học, còn ông Duy nhập ngũ phụng sự đất nước. Sáng 25.7, ông Duy ngồi trên xe lăn, được người thân đưa tới lễ viếng.
Ông Duy kể, nhà ông cách nhà Tổng Bí thư chỉ vài nếp nhà. Thời cấp 1, ông Duy cùng Tổng Bí thư học trường làng, sau đó cấp 2, cấp 3 phải đi học xa nhà. Câu chuyện củ sắn, củ khoai, mặc chung quần áo thời niên thiếu luôn khắc sâu trong tâm trí ông Duy.
Ông Duy cho hay, thời đó khó khăn, ông và Tổng Bí thư phải ngồi đò qua sông Đuống để theo đuổi con chữ. Những hôm đò muộn, hai anh em phải đội sách lên đầu để bơi qua sông.
“Cuộc sống khó khăn nên ai cũng yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Từng củ sắn, củ khoai đều chia ngọt, sẻ bùi”, ông Duy cho hay.
Nguồn: https://thanhnien.vn/ban-di-tien-ban-185240725122742067.htm