Tôi cho chú tôi mượn 1 tỉ đồng, không cần thế chấp tài sản, với thời hạn 1 năm, nhưng đã 5 năm nay tôi vẫn chưa đòi được tiền. Tôi khởi kiện ra tòa, đề nghị kê biên phong tỏa thửa đất của chú trị giá khoảng 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, lúc này chú lại nói thửa đất là chú đứng tên giùm người con trai, cạnh đó người con trai này cũng xác nhận là đất không phải của chú. Hiện chú đã bán cho người khác và nhận đặt cọc 800 triệu đồng, 2 bên đã ra công chứng, đang chờ làm thủ tục cập nhập sang tên.
Vậy tòa có thể phong tỏa tài sản trên để đảm bảo thi hành án sau này cho tôi được không? Trong trường hợp này, tôi cần phải làm gì để đảm bảo quyền lợi của mình? Lẽ ra ngay từ khi cho mượn số tiền lớn như vậy, thì tôi cần làm gì để có thể tránh bị quỵt nợ?
Bạn đọc Nguyễn Hoan.
Luật sư tư vấn
Luật sư Trương Ngọc Liêu (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) tư vấn, hiện thửa đất chú bạn bán cho người khác và đã được công chứng, nhưng chưa hoàn thành thủ tục sang tên theo quy định. Theo đó, mặc dù người chú cho rằng chỉ đứng tên giùm con trai và người con cũng xác nhận việc này, nhưng đây vẫn là tài sản của chú bạn.
Nếu có căn cứ cho rằng người chú bán thửa đất để tẩu tán tài sản, nhằm đảm bảo việc thi hành án, bạn có quyền yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa thửa đất trên (các điều 111, 114 và điều 134 bộ luật Tố tụng dân sự).
Khi đó bạn phải làm đơn yêu cầu và nộp các chứng cứ kèm theo để chứng minh cho sự cần thiết và bạn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng, hoặc người mua đất ngay tình thì bạn phải bồi thường (khoản 1 điều 113 bộ luật Tố tụng dân sự).
Ngoài ra, đối với biện pháp phong tỏa tài sản, pháp luật buộc bạn phải thực hiện nghĩa vụ bảo đảm. Cụ thể, bạn phải nộp cho tòa án chứng từ bảo lãnh được bảo đảm bằng tài sản của ngân hàng, hoặc tổ chức tín dụng khác, hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, hoặc gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do tòa án ấn định. Tài sản này phải tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng.
Mục đích của việc làm trên là để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền này (điều 136 bộ luật Tố tụng dân sự).
Để tránh rắc rối về sau, khi cho vay mượn tiền với giá trị lớn, bên cho vay có thể yêu cầu bên vay thực hiện thực hiện nghĩa vụ gồm: cầm cố tài sản, thế chấp tài sản và bảo lãnh (điều 309, 317, 335 bộ luật Dân sự).
Đây là cách nhằm đảm bảo trong trường hợp người vay vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền vay, thì bên cho vay có thể yêu cầu người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ, hoặc xử lý tài sản được dùng để cầm cố, thế chấp nhằm thu hồi vốn và lãi (nếu có).
Nguồn: https://thanhnien.vn/ban-dat-da-cong-chung-nhung-chua-sang-ten-co-duoc-yeu-cau-phong-toa-185240628222036967.htm