Căng thẳng liên Triều tiếp tục được đẩy lên cao trào trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ. Đợt căng thẳng lần này bắt đầu sau loạt bắn pháo qua lại hồi tháng Một và thả bóng bay chứa rác, phát loa phóng thanh tại khu vực biên giới từ cuối tháng Năm.
Hình ảnh đoạn đường bộ và đường sắt đã bị phá hủy dọc theo khu vực biên giới Hàn Quốc – Triều Tiên hôm 15/10. (Ảnh: Reuters) |
Đặc biệt, căng thẳng lần này bùng phát sau việc Triều Tiên cho nổ tung một số đoạn trên hai tuyến đường bộ và đường sắt (Gyeongui và Donghae) kết nối với Hàn Quốc ngày 15/10, sau khi cảnh báo sẽ cắt đứt hoàn toàn liên kết về lãnh thổ giữa hai miền. Seoul chỉ trích động thái này và cho biết đang cân nhắc kiện Bình Nhưỡng vì dự án kết nối đường bộ và đường sắt nói trên có khoản vay của Hàn Quốc trị giá 133 triệu USD.
Ngày 17/10, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin nước này đã sửa đổi Hiến pháp, chính thức gọi Hàn Quốc là “quốc gia thù địch”. Ngày 19/10, Bình Nhưỡng tuyên bố phát hiện ít nhất một máy bay không người lái (UAV) của Hàn Quốc xâm nhập lãnh thổ Triều Tiên…Nhìn chung, đợt căng thẳng trong những ngày qua là sự tiếp nối đà tăng nhiệt và bế tắc trên bán đảo Triều Tiên kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội.
Hiện tại, quan hệ liên Triều gần như không thể nối lại đối thoại trong tương lai gần. Hơn nữa, mâu thuẫn ngày càng lớn giữa hai miền đang khiến các bên thứ ba, trong đó có Liên hợp quốc, rất khó đóng vai trò trung gian, hòa giải.
Trên thực tế, tuyến đường Gyeongui và Donghae vốn là hai trong số những biểu tượng quan trọng thể hiện sự hòa giải và hợp tác giữa hai miền Triều Tiên, được xây dựng vào giữa những năm 2000 nhưng gần đây không còn được sử dụng. Động thái kích nổ trên hai tuyến đường này của Triều Tiên được xem như bước đi quyết liệt trong chính sách coi Hàn Quốc là “kẻ thù chính” và từ bỏ tái thống nhất hòa bình mà Chủ tịch Kim Jong Un đã nhấn mạnh trước đó. Trước đó, tượng đài biểu tượng tái thống nhất cũng đã bị Triều Tiên phá bỏ hồi tháng Một.
Trong lịch sử, bán đảo Triều Tiên đã trải qua các chu kỳ căng thẳng – hòa dịu nối tiếp nhưng chưa để nổ ra xung đột vũ trang. Căng thẳng hiện nay tuy được cho là một trong những đợt leo thang nguy hiểm nhưng khả năng bùng phát xung đột vũ trang hay không vẫn đang là dấu hỏi lớn. Trong bối cảnh này, yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc phá vỡ thế bế tắc hiện nay trên bán đảo chính là kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 5/11 tới.
Nếu ứng viên Donald Trump giành chiến thắng, chính sách của Mỹ đối với vấn đề Triều Tiên có thể thay đổi theo hướng đã thấy trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump: Quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn rạn nứt vì vấn đề chia sẻ chi phí; Mỹ-Triều có thể nối lại đàm phán phi hạt nhân hóa. Còn nếu Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đắc cử, chính sách của Mỹ hiện nay nhiều khả năng sẽ được tiếp nối, với các hướng triển khai chính: Thắt chặt đồng minh Mỹ-Hàn, củng cố phối hợp ba bên Mỹ-Nhật-Hàn nhằm tăng cường răn đe mở rộng đối với Bình Nhưỡng.
Có thể thấy, mặc dù quan hệ liên Triều ngày càng căng thẳng nhưng hai bên chủ yếu vẫn dừng ở mức răn đe bằng các tuyên bố; tiến hành một vài động thái đáp trả lẫn nhau nhưng tránh kích động xung đột quân sự trực tiếp. Nhiều khả năng Seoul và Bình Nhưỡng sẽ giữ cho “nhiệt độ” không nóng lên thành xung đột cho đến khi Mỹ có Tổng thống mới để điều chỉnh chính sách tương ứng.
Nguồn: https://baoquocte.vn/ban-dao-trieu-tien-truoc-buoc-ngoat-moi-291238.html